Vua Trần phái 2 vạn quân viện Chiêm kháng Mông
Giáo dục - Ngày đăng : 08:46, 23/04/2018
Những cuộc xâm lược của đế chế Nguyên Mông vào nửa cuối thế kỷ 13 là thử thách ngặt nghèo đối với cả hai nền văn minh Đại Việt và Chiêm Thành. Sau khi tiến hành những bước gây hấn thì năm 1282, tại nước Nguyên việc chuẩn bị cho chuyến hải trình xâm lược Chiêm Thành diễn ra khẩn trương. Cùng với đó, quân Nguyên cũng tiến hành tập trung binh lực ở gần biên giới nước Đại Việt, nói phao là muốn mượn đường Đại Việt để đánh Chiêm Thành, kỳ thực là muốn đánh úp Đại Việt. Triều đình nhà Trần biết mưu của giặc, đêm ngày củng cố binh lực. Không thể thực hiện mưu giả cách mượn đường, vua tôi nước Nguyên chỉ còn có thể dùng đường biển để đánh Chiêm.
Cơn bão ngoại xâm đã được dự báo trước và người Chiêm Thành đã có nhiều bước chuẩn bị để đối đầu. Vua Indravarman V cùng hoàng thái tử Harijit đã chỉ huy quân dân dựng hành cung, xây thành gỗ, đặt Hồi Hồi pháo để phòng giữ. Nhưng khí thế và sức mạnh của quân Nguyên Mông vẫn quá vượt trội so với đất nước duyên hải này. Một ngày đầu năm 1283, 10 vạn quân với 1.000 chiến thuyền Nguyên Mông dày đặc tiến vào vịnh Cri-Banoi (vịnh Quy Nhơn ngày nay). Với lực lượng hùng mạnh áp đảo, Toa Đô hy vọng vua tôi Chiêm Thành thấy sợ mà chịu đầu hàng. Vì thế, tướng Nguyên không vội đánh gấp, mà trước tiên cho quân đổ bộ rồi sai sứ đến chỗ vua Chiêm để dụ hàng. Thế nhưng sau tám lần sai sứ đến hành cung vua Indravarman V, Toa Đô vẫn không thể thuyết phục vua Chiêm đầu hàng. Trái lại, vua Indravarman V còn gởi thư khiêu chiến.
Toa Đô quyết định tấn công khi mà kế hoạch dụ hàng thất bại. Trong lúc quân Nguyên đang sửa soạn thì một trận bão đã làm quá nửa thuyền bè của chúng bị hư hại. Nhưng vì quân Nguyên đóng trại trên bờ nên không bị hao hụt quân số cũng như trang bị. Trung tuần tháng 2.1283, quân Chiêm Thành cùng quân Nguyên Mông quyết chiến một trận tại thành gỗ. Thái tử Harijit cùng đội quân của mình dù cố gắng nhưng không thể cản nổi bước tiến của địch. Quân Chiêm Thành phải rút lui về giữ kinh thành Vijaya. Quân Nguyên thừa thắng đuổi dài, chẳng mấy chốt đã tiến gần đến thành Vijaya. Vua tôi Chiêm quốc theo cách của Đại Việt lúc trước, cho quân dân sơ tán khỏi kinh thành để làm kế Vườn không nhà trống. Chủ lực còn lại của Chiêm Thành theo vua rút lên vùng cao nguyên phía tây, xây dựng tuyến phòng thủ mới.
Đồng thời vua Indravarman V cử sứ giả đến điều đình với Toa Đô, giả bộ thuần phục để kéo dài thời gian. Kế hoãn binh của vua Chiêm đã diễn ra suôn sẻ, khiến Toa Đô tạm dừng quân trong khoảng 1 tháng trời. Tranh thủ thời gian này, quân Chiêm với sự hỗ trợ đắc lực của các sắc dân người Thượng đã dựng xong một thành gỗ mới ở núi Nha Hầu cùng hệ thống hào lũy dọc đường vào, cố thủ chờ đón đánh quân Nguyên. Đồng thời, sứ giả Chiêm Thành tức tốc sang Đại Việt báo tin và xin quân tiếp viện. Vua Trần Nhân Tông đã phái 2 vạn quân, 500 chiến thuyền xuống cứu Chiêm Thành. Các xứ Amaravati, Indrapura cũng dẫn quân đến hỗ trợ vua Indravarman V. Thái tử Harijit hội quân người Thượng với binh lực các lãnh chúa gom lại được hơn 2 vạn quân. Tổng cộng, liên quân Việt - Chiêm đã có 4 vạn người. Số quân này đủ để đảm bảo cho người Chiêm giữ vững được những phần đồi núi phía tây và chiến đấu lâu dài với quân Nguyên.
Tuy nhiên, vì bại trận ở vùng duyên hải và phải chịu lép vế trước tướng giặc nên uy quyền của vua Indravarman V cũng bị suy giảm. Ở vùng đồng bằng xứ Vijaya, hàng loạt quý tộc Chiêm Thành thuộc các xứ đem quân dân hàng Nguyên Mông. Toa Đô trọng dụng đám quý tộc đầu hàng và bắt ngụy quân người Chiêm sung vào đội ngũ quân Nguyên Mông để bù vào số quân đã tổn thất. Tháng 3.1283, Toa Đô dẫn quân chia đường thủy bộ tiến đánh căn cứ của quân Chiêm Thành. Vạn hộ Trương Ngung dẫn quân bộ đi đường núi, còn Toa Đô đem hàng trăm chiến thuyền ngược sông tiến lên cao nguyên. Dựa vào địa hình hiểm trở, quân Chiêm Thành đã giáng những đòn mạnh mẽ vào kẻ địch. Cả hai cánh quân Nguyên đều phải rút chạy. Riêng cánh quân của Trương Ngung bị tổn thất nặng vì trúng mai phục. Sau khi thua trận, Toa Đô phải rút quân về ven biển, dựng lại thành gỗ để cố thủ chờ viện binh từ nước Nguyên sang.
Vua Indravarman V thừa thắng tiến quân xuống đồng bằng, tổ chức đánh lớn với quân Nguyên. Thái tử Harijit dẫn quân tiến đánh thành gỗ, hòng giành thắng lợi hoàn toàn. Nhưng khi xuống vùng đồng bằng ven biển, quân Chiêm Thành lại mất đi ưu thế trước quân Nguyên. Trận chiến diễn ra ác liệt với tổn thất nặng cho cả hai phía. Rốt cuộc, Harijit phải lui binh về cao nguyên khi không địch nổi quân quân Nguyên vốn giỏi chiến đấu nơi bằng phẳng. Triều đình nước Chiêm chuyển sang chiến lược đánh lâu dài, lợi dụng việc ở xa hậu cần của quân Nguyên mà phát động chiến tranh tiêu hao. Ngày qua ngày, quân Nguyên dần thiếu thốn lương thực, tinh thần suy giảm khi phải đối phó với sự đánh phá liên tục của quân dân nước Chiêm. Toa Đô vẫn cố vơ vét, cướp bóc nuôi quân và gởi thư về nước xin tiếp viện. Nhưng ở trong nước Nguyên bấy giờ nhân dân chịu lao dịch, thuế khóa nặng nề để phục vụ chiến tranh trở nên cùng quẫn, nhiều nơi nổ ra khởi nghĩa buộc Nguyên triều phải cất quân đánh dẹp. Việc tiếp viện cho Chiêm Thành do đó bị gián đoạn. Vua Nguyên Hốt Tất Liệt không có kế gì hay, lại sai sứ giả sang Đại Việt yêu cầu mượn đường đánh Chiêm Thành. Hiển nhiên, triều đình nhà Trần tìm cớ thoái thác việc này.
Đến mùa xuân năm 1284, quân Nguyên ở Chiêm Thành gần như cùng quẫn, số chết và đào ngũ ngày một tăng. Toa Đô phải hạ lệnh bỏ thành lên thuyền tiến lên phía bắc Chiêm Thành. Quân Nguyên đóng tại hồ Đại Lãng, xứ Indrapura dựng thành gỗ mới, lập đồn điền tự túc. Khi đạo quân tiếp viện của A Tháp Hải với 3 vạn quân, hàng trăm thuyền đến vịnh Cri Banoi vào tháng 4.1284 thì Toa Đô đã đi khỏi đó rồi. A Tháp Hải dò la tin tức, dong thuyền ra bắc tìm Toa Đô thì gặp bão biển đánh tan tác. Đám tàn quân còn lại dong thuyền về nước, lại bị triều đình nước Nguyên bắt phải quay trở lại Chiêm Thành. Quá chán ngán với sóng gió phương nam, đám quân tướng Nguyên bị bắt đi đánh Chiêm bất tuân lệnh, rủ nhau làm thổ phỉ.
Không thể trông chờ vào tiếp viện từ trong nước, Toa Đô vẫn chưa chịu chấp nhận thất bại. Khi sứ giả nước Chiêm đến doanh điều đình xin Toa Đô rút quân về, hắn đã từ chối và gởi thư về cho vua Nguyên khuyên rằng: "Giao Chỉ liền đất với các nước Chân Lạp, Chiêm Thành, Vân Nam, Xiêm, Miến, có thể lập tỉnh ngay trên đất ấy và đóng quân trấn giữ ở ba đạo Việt Lý [tức Quảng Trị ngày nay], Trì Châu [Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay], Tỳ Lan [đảo Hải Nam, Trung Quốc ngày nay], lấy lương hướng ở đấy cấp cho quân lính, tránh được việc khó nhọc chuyển vận bằng đường biển".
Thực sự Hốt Tất Liệt đã có ý đánh Đại Việt từ lâu. Chỉ là ban đầu hắn cho rằng có thể thuận lợi thôn tính được Chiêm Thành trước rồi dùng làm bàn đạp tiến đánh Đại Việt. Đến nay khi tình hình ở Chiêm Thành bất lợi và xem qua lời tâu của Toa Đô, vua Nguyên củng cố lại quyết tâm đánh Đại Việt. Cánh quân của Toa Đô từ bắc Chiêm Thành tạm từ bỏ nhiệm vụ thôn tính Chiêm Thành mà đóng quân chờ phối hợp với cánh quân Nguyên từ bắc tiến đánh Đại Việt. Tháng 8.1284, vua Nguyên phong cho hoàng tử thứ 9 là Thoát Hoan là Nguyên soái, cùng A Lý Hải Nha làm phó soái, sửa soạn 50 vạn quân để tiến đánh Đại Việt.
Đến lượt mình, quân dân Đại Việt phải trực tiếp đương đầu với quân Nguyên Mông để bảo vệ nền độc lập, qua đó cũng góp phần bảo vệ đồng minh Chiêm Thành và những nước Đông Nam Á khác.
(còn nữa)
Quốc Huy
Bài viết cùng chủ đề:
3 nền văn minh trải dài trên 3 miền nước ta là điều rất đặc biệt
Chuyện một đế quốc ở Nam Bộ biến mất trước khi người Việt đặt chân tới
Người Chăm hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống nhà Hán
Chuyện nước Lâm Ấp cổ và cuộc chiến chống Hán, Ngô, Tấn...
Quốc gia cổ Hoàn Vương ở miền Trung và quá trình nam chinh, bắc chiến
Người Việt vừa thoát nạn Bắc thuộc đã phải lo mối họa từ phía nam
Vua Lý Thái Tông dùng vũ lực, bình định phương nam
Vua Lý Thánh Tông bắt Chiêm Thành phải trả giá vì tìm cách liên Tống chống Việt
Nhà Tống đi đêm với Chiêm Thành, Chân Lạp hòng thôn tính Đại Việt
Đại Việt ra uy, Tống bại, Chiêm Thành - Chân Lạp quay mũi giáo đánh nhau
Quân Đại Việt thời Lý 5 lần đánh bại Chân Lạp
Chiêm Thành cầu hòa Đại Việt để đại chiến với Chân Lạp
Cầu cứu Đại Việt bất thành, Chiêm Thành bị Chân Lạp thôn tính
Vua Trần Thái Tông và chính sách cứng rắn với Chiêm Thành
Được Đại Việt cổ vũ, Chiêm Thành cứng rắn với Nguyên Mông