Xem bệnh nhân COVID-19 tử vong như người thân, bác sĩ đã vượt qua cú sốc tâm lý

Thông tin Y học - Ngày đăng : 20:39, 27/09/2021

Trong những Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19, ranh giới giữa cái chết và sự sống của bệnh nhân luôn rất mong manh. Vì thế các bác sĩ ở đây cũng đã không ít lần phải chứng kiến sự “ra đi” của bệnh nhân trong sự bất lực.

Trung tâm hồi sức người bệnh COVID-19, Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM phân chia thành 4 nhóm giường: 90 giường Hồi sức tích cực (ICU); 162 giường bệnh nhân chuyển biến nặng phải thở oxy; 252 giường bệnh nhân chuyển biến nhẹ và hơn 100 giường bệnh nhân theo dõi chuẩn bị ra viện.

Các trang thiết bị tối tân nhất quy tụ tại đây là "vũ khí" quan trọng để điều trị cho người bệnh. Ngoài chuyên gia, y bác sĩ giàu chuyên môn, nhiệt huyết, các công nghệ và thiết bị như robot cũng đã được đưa vào hoạt động. Hàng loạt bệnh nhân nặng đã được cứu chữa thành công.

xem-benh-nhan-covid-19-tu-vong-nhu-nguoi-than-bac0si-da-vuot-qua-cu-soc-tam-ly-hinh-anh(1).png
Bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM - Ảnh: L.T

Dù vậy, nơi đây cũng chứng kiến không ít những bệnh nhân COVID-19 phải tử vong trong sự nuối tiếc, đầy bất ngờ.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Huy - Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM chia sẻ: “Có bệnh nhân vừa nói chuyện ít ngày trước, sau đã vĩnh viễn bất động. Những cuộc điện thoại của người nhà bệnh nhân cứ dồn dập đến và hầu như họ đều chết lặng hoặc thảng thốt không dám tin khi nhận thông báo từ bác sĩ nên công việc cũng rất áp lực”.

Đó thực sự là một cú sốc đối với bác sĩ Huy và các cộng sự ở đây. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến tâm lý mà còn làm ảnh hưởng cả về mặt chuyên môn, hiệu quả của các bác sĩ ở đây.

Với các bác sĩ ở đây, điều quan trọng lúc này là phải làm sao vượt qua những cú sốc tâm lý này, vì người mất đã mất rồi cũng không thể sống lại được, trong khi rất nhiều bệnh nhân COVID-19 như “ngọn đèn treo trước gió” đang chờ mình.

“Lúc đầu tôi và cộng sự của mình rất khó ngủ. Nếu triền miên như thế sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Người nọ chỉ cho người kia cách giữ cân bằng tâm lý, chặn lại các mệt mỏi kéo dài. Làm công việc này thực sự cảm xúc rất khó diễn tả”, bác sĩ Huy nói.

Với các y bác sĩ, đặc biệt là những người từng ngày tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 nguy kịch, tử vong hay lo vệ sinh thi thể người đã khuất lần cuối thì cân bằng tinh thần là điều rất cần thiết. Để không khủng hoảng hay sang chấn tâm lý, trong mỗi ca làm việc họ sát cánh động viên nhau, vượt qua nỗi buồn.

“Chúng tôi rèn luyện ý nghĩ xem đó là người thân, là ruột thịt của mình và tự nhủ, đừng hoảng, đừng sốc. Mỗi người nén lại lòng mình một chút. Đau nhất là khi liên lạc gia đình để báo dòng tin không ai mong muốn. Nhiều đêm, cả đội lo công đoạn cuối sau khi gói ghém, vệ sinh hàng loạt tử thi, khi nhìn sang nhau thì ai cũng khóc. Chúng tôi cầu cho người ra đi thanh thản, hãy xem y bác sĩ tiễn đưa cuối này là người thân, cầu cho dịch bệnh sẽ nhanh chóng bị xua tan. Giải pháp tinh thần này cũng giúp tôi vơi bớt nặng nề”, bác sĩ Huy chia sẻ.

Giữ không nao núng tinh thần, bác sĩ Huy cùng các đồng nghiệp ở đây đã tìm cách an ủi thân nhân người bệnh, vì nếu họ hoảng loạn thì bác sĩ cũng day dứt thêm.

Khi bệnh nhân ở đây “ra đi”, ngoài liên lạc với người thân, các bác sĩ ở đây còn phải tìm cách liên lạc với bên hỏa táng để lo chu đáo nhất cho người đã mất.

“Chúng tôi làm cẩn thận từng công đoạn nên cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Các tro cốt được bao gói, để tư thế ngay ngắn người đã mất. Các thông tin về người bệnh phải được làm chính xác nhất để chuyển cho bộ phận đưa đi hỏa táng. Ngay cả việc trả tro cốt cũng được các bác sĩ ở đây theo sát. Buồn thì kịp thời chia sẻ với nhau. Nhất là khi gặp phải hoàn cảnh quá éo le như chồng mất vợ vừa mới sinh con được một tháng… Từ các mất mát này, tập thể thầy thuốc chúng tôi còn động viên, khích lệ nhau dốc hết tâm lực vì người bệnh”, bác sĩ Huy tâm sự.

Lo hậu sự nhanh nhất, gọn gàng nhất, sạch sẽ nhất cho bệnh nhân tử vong với các bác sĩ ở Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19, Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM chính là để củng cố niềm tin rằng bệnh nhân đã ra đi thanh thản, các bác sĩ được nhẹ lòng. “Đến nay, điều rất may mắn là thân nhân của bệnh nhân đã khuất đều phản hồi rằng họ đã nhận được tro cốt đầy đủ. Điều đó cũng giúp chúng tôi vững tinh thần hơn, ổn định lại tâm lý hơn”, bác sĩ Huy cho biết.

Hồ Quang