Việt Nam đứng ở đâu trên bản đồ xuất khẩu rượu của thế giới?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 07:05, 27/09/2021
Nhu cầu nhập khẩu rượu của Hàn Quốc tăng mạnh
Báo cáo về triển vọng xuất khẩu mặt hàng rượu của Việt Nam trong bối cảnh mới, Bộ Công Thương cho biết, Hàn Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ đồ uống có cồn lớn trên thế giới. Nhập khẩu rượu vào Hàn Quốc ngày càng tăng, đặc biệt là các dòng rượu vang. Nguyên nhân là do dòng rượu này được coi là sự lựa chọn lành mạnh hơn bia hoặc rượu mạnh, nhất là với phân khúc người tiêu dùng nữ trẻ tuổi.
Theo báo cáo của của công ty nghiên cứu và dữ liệu Fitch Solutions, người Hàn Quốc tăng chi tiêu cho đồ uống có cồn là do họ ở nhà uống nhiều hơn, thay vì đến quán bar trong bối cảnh đại dịch COVID - 19. Số liệu của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho thấy, kim ngạch nhập khẩu rượu năm 2020 của Hàn Quốc tăng 8,3% so với năm 2019, đạt 1,1 tỉ USD, là mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Riêng 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu rượu vào Hàn Quốc đã tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước, lên 800 triệu USD. Fitch Solutions ước tính, chi tiêu cho rượu ở Hàn Quốc sẽ đạt 6,8 tỉ USD trong năm 2021. Giai đoạn 2022 - 2025, tăng trung bình hàng năm về chi tiêu cho rượu sẽ là 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính riêng tiêu thụ rượu vang từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ tăng trung bình hàng năm 3%/năm. Đáng chú ý, tiêu thụ bia và rượu của Nhật Bản tại Hàn Quốc đã giảm mạnh 85,7% trong năm 2020 do người tiêu dùng Hàn Quốc tẩy chay các sản phẩm Nhật Bản để phản đối việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu một số nguyên liệu công nghiệp chính sang Hàn Quốc.
Không chỉ có Hàn Quốc, nhiều quốc gia khác trên thế giới hiện cũng tăng nhập khẩu rượu, đồ uống có men, cồn do việc ở nhà tránh dịch bệnh.
Cơ hội cho Việt Nam thông quan FTA
Qua đó, Bộ Công Thương nhìn nhận, đây là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu rượu của Việt Nam sang Hàn Quốc và nhiều thị trường khác. Tuy nhiên, thị phần rượu Việt Nam trên thế giới mới chỉ chiếm 0,1%, đứng thứ 59 trong các quốc gia xuất khẩu rượu toàn cầu.
Xuất khẩu rượu của Việt Nam những năm gần đây giảm, trong khi tiêu thụ mặt hàng này ở nhiều quốc gia có xu hướng tăng trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng tránh đại dịch COVID-19, đáng kể là các nước đã tham gia và ký kết các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thế hệ mới với Việt Nam như Canada, Phần Lan, Hàn Quốc...
Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu về rượu và các loại đồ uống có cồn của các nước nói trên, tận dụng các ưu đãi về thuế quan theo cam kết tại các FTA mà Việt Nam tham gia hoặc áp dụng loại thuế quan có lợi thế hơn.
Chẳng hạn với Canada, thị trường này đang cùng tham gia hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với Việt Nam. Nhưng mức thuế MFN của Canada đối với đồ uống tương đối thấp, thuế MFN trung bình năm 2018-2019 áp dụng là 3,13% cho sản phẩm đồ uống có mã HS 20.09 và 1,23% cho các sản phẩm đồ uống ở chương 22 (trừ mã 20.09).
Trong khi đó, nếu tận dụng ưu đãi thuế quan theo CPTPP, sản phẩm đồ uống của Việt Nam sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ (thuế MFN không có điều kiện về quy tắc xuất xứ).
Đối với Singapore, doanh nghiệp có thể tận dụng ưu đãi thuế theo CPTPP vì quốc gia này cam kết xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực với tất cả sản phẩm đồ uống của Việt Nam.
Đối với Mexico, doanh nghiệp cũng nên áp dụng thuế ưu đãi trong CPTTP vì trước CPTPP, Việt Nam chưa có FTA chung nào với Mexico nên xuất khẩu sang quốc gia này phải dùng thuế MFN, nhưng mức thuế MFN mà Mexico áp cho tất cả các nước thành viên WTO rất cao.
Cụ thể, áp 20% đối với các sản phẩm đồ uống có mã HS 20.09; áp 16,38% với các sản phẩm đồ thuộc chương 22 (trừ mã HS 20.09). Theo đó, CPTPP sẽ mang lại lợi ích về thuế quan đáng kể cho đồ uống Việt Nam nếu xuất khẩu vào thị trường này. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu rượu cũng phải nằm trong khuôn khổ luật định.
Để xuất khẩu rượu được thuận lợi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp có thể chủ động xin cấp một số loại giấy tờ quan trọng hoặc theo yêu cầu của nước xuất khẩu như: – Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với rượu xuất khẩu; – Giấy chứng nhận y tế; – Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP, rượu không nằm trong danh mục hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép, điều kiện. Như vậy, cá nhân, tổ chức có nhu cầu xuất khẩu rượu không phải xin giấy phép xuất khẩu rượu mà được thực hiện thông qua thủ tục hải quan.
Đồ uống nằm trong nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh. Trong nhiều năm qua, đây luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng, có nhiều tiềm năng với tốc độ tăng trưởng được dự báo từ 5%-6%/năm trong giai đoạn 2020-2025.
"Dù đang chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng đây cũng là thời điểm được cho rằng có nhiều cơ hội phát triển đối với ngành thực phẩm, đồ uống tại Việt Nam. Nhất là khi hiện nay, người tiêu dùng đang ngày càng có xu hướng chú trọng hơn tới các thực phẩm dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật, thực phẩm hữu cơ hay những thành phần dinh dưỡng lành mạnh, tiện dụng...
Cùng với đó là sự dịch chuyển thói quen từ ăn uống tại nhà hàng sang tại nhà và những mối lo ngại về thực phẩm nhập khẩu... khiến cho dự báo nhu cầu tiêu dùng của một số nhóm thực phẩm đồ uống không ngừng tăng nhanh và được dự báo sẽ có nhiều bứt phá trong nhiều năm tiếp theo", đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận.