Chuyên gia phân tích ưu điểm khi giảm thời gian giữa 2 mũi vắc xin AstraZeneca
Tiến bộ y học - Ngày đăng : 17:40, 24/09/2021
Như đã đưa tin, sáng 24.9, TP.HCM chính thức rút ngắn thời gian tiêm giữa 2 mũi vắc xin AstraZeneca xuống 6 tuần. Theo công văn 6791 của Sở Y tế TP.HCM gửi UBND TP, nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin mũi 2 cho người dân, Sở Y tế đã đề xuất UBND TP.HCM áp dụng đối với người tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca thì khoảng cách tiêm mũi 2 (bằng vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer) tối thiểu là 6 tuần.
Thực ra, không phải ở TP.HCM mà trước đó, một số nơi trên thế giới đã rút ngắn khoảng cách tiêm giữa 2 mũi vắc xin AstraZeneca do các chuyên gia đánh giá nhiều yếu tố tích cực của việc rút ngắn này.
Chẳng hạn tại Úc, người dân bang Victoria hồi đầu tháng 9 đã có thể được tiêm mũi vắc-xin AstraZeneca thứ hai cách mũi thứ nhất chỉ còn sau 6 tuần thay vì sau 3 tháng, Bang New South Wales cũng đã đưa ra một thông báo tương tự vào tháng 8, với khuyến cáo mọi người có thể được tiêm liều AstraZeneca thứ hai bất cứ thời điểm nào sau mũi đầu tiên từ 4 đến 8 tuần.
Việc rút ngắn thời gian 2 mũi tiêm đã khiến một số người đặt câu hỏi liệu như vậy có làm giảm khả năng bảo vệ chống lại vi rút COVID-19 hay không. Vậy điểm lợi của việc tiêm phòng đầy đủ sớm hơn là gì?
Khoảng cách 12 tuần là khuyến cáo chưa cập nhật?
Nhóm Cố vấn Kỹ thuật của Úc về Tiêm chủng (Atagi) ủng hộ giảm thời gian tiêm giữa các liều trong điều kiện dịch bệnh bùng phát.
Atagi, gồm các chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm và các nhà dịch tễ học, cho biết khoảng thời gian từ 4 đến 8 tuần giữa liều đầu tiên và liều thứ hai cần được ưu tiên trong hoàn cảnh dịch bùng phát. Ở những nơi không bùng phát dịch bệnh, khoảng thời gian ưu tiên vẫn là 12 tuần. Các thử nghiệm lâm sàng ban đầu (trước khi Delta xuất hiện) cho thấy hiệu quả cao nhất của vắc xin trong việc bảo vệ chống lại các triệu chứng khi tiêm mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất khoảng 12 tuần.
Dữ liệu từ một nghiên cứu trên tạp chí The Lancet, cho thấy rằng việc tiêm liều đầu tiên và liều thứ hai cách nhau dưới 6 tuần mang lại 55,1% hiệu quả bảo vệ chống lại bất kỳ triệu chứng nào, kể cả những triệu chứng nhẹ. Nếu khoảng cách hai mũi tiêm từ 6 đến 8 tuần hiệu quả tăng lên 59,9% và nếu khoảng cách tăng lên 12 tuần hoặc lâu hơn, hiệu quả tăng lên 81,3%. Nhưng đáng lưu ý là nghiên cứu này đã được thực hiện trước khi biến thể Delta xuất hiện.
Phó giáo sư Nathan Bartlett, người đứng đầu nhóm bệnh hô hấp và miễn dịch virus tại Đại học Newcastle, cho biết mọi người nên “thực sự thận trọng” về việc ngoại suy thông tin về hiệu quả của vắc-xin từ các nghiên cứu được thực hiện trước khi biến thể Delta xuất hiện.
Chúng ta có dữ liệu gì về Delta và AstraZeneca?
Dữ liệu thực tế đang cho thấy rằng vắc-xin AstraZeneca, dù được tiêm cách nhau 6 hoặc 12 tuần, hoặc bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn này, đều “mang lại mức độ bảo vệ rất tốt, rất cao chống lại việc nhập viện và trở bệnh nặng do Delta”. Phó giáo sư Bartlett đánh giá: “Thực sự không quan trọng về thời điểm bạn tiêm hai liều, miễn bạn đã tiêm hai liều là đủ giúp chống bệnh trở nặng”.
Theo Atagi, dữ liệu cho đến nay về AstraZeneca và biến thể Delta cho thấy ngay cả một liều AZ cũng giảm được 71% nguy cơ nhập viện. Hai liều giảm nguy cơ nhập viện 92%.
Hầu hết các loại vắc xin đều hoạt động theo cách này; chúng có hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa bệnh nặng hơn là chống mắc bệnh nhẹ. Đây là lý do tại sao mọi người đừng chăm chăm tập trung quá nhiều vào hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nhẹ. Hiệu quả ngăn bệnh khi được tiêm cách nhau 6 tuần hoặc 12 tuần không phải là dữ liệu mà mọi người chú trọng.
Bảo vệ chống lại bệnh tật nghiêm trọng và khỏi tử vong mới là điều quan trọng và dữ liệu cho thấy vắc xin AstraZeneca cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại điều nguy hiểm đó, kể cả với biến thể Delta.
“Chỉ là chúng ta đã bị ám ảnh bởi những con số ngay từ đầu, cho dù đó là tỷ lệ đông máu hay hiệu quả, và chúng ta đánh mất đi bức tranh toàn cảnh”, Phó giáo sư Bartlett nói. "Lý do chính mà chúng tôi làm điều này là để ngăn mọi người khỏi nhập viện ồ ạt và khiến hệ thống y tế quá tải".
Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Victoria, Vasso Apostolopoulos, cho biết sẽ rất đáng lo ngại nếu mọi người chỉ tin rằng việc giảm khoảng cách giữa các liều vắc xin sẽ làm giảm khả năng bảo vệ khỏi tình trạng trở nặng.
“Khoảng thời gian tiêm thực sự không quan trọng”, Apostolopoulos nhận định. “Mọi người ở Victoria và New South Wales không nên lo lắng rằng họ sẽ không có được phản ứng miễn dịch tốt. Họ cần phải đi tiêm vắc xin ngay bây giờ, càng sớm càng tốt, bởi vì chúng ta cần kiểm soát điều này”.
Như vậy có thể thấy việc tiêm AstraZeneca từ 12 tuần xuống 6 tuần vẫn nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất và Bộ y tế nước ta. Trước đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố căn cứ khuyến cáo của WHO, hướng dẫn của nhà sản xuất, của Bộ Y tế về tiến độ tiêm chủng, hiệu lực của việc bảo vệ khi tiêm mũi 2 và tham mưu cho UBND về thời gian tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca. Hiện nay, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vắc xin này, mũi 2 nên được tiêm vào khoảng 4-12 tuần sau mũi 1.
Do đó, người dân có thế vững tâm hưởng ứng việc tiêm sớm AstraZeneca để tăng khả năng bảo vệ trước coronavirus, nhanh chóng giúp TP.HCM phủ xanh vắc xin. Việc sớm hoàn thành tiêm vắc xin sẽ giúp TP.HCM nhanh chóng trở về bình thường mới, phục hồi phát triển kinh tế theo tinh thần “thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.