An ninh vắc xin

Góc bình luận - Ngày đăng : 21:02, 19/09/2021

Lâu nay, trong các hoạt động điều hành của Nhà nước, Chính phủ, chúng ta thường hay nghe các thuật ngữ: An ninh lương thực, An ninh tiền tệ, An ninh kinh tế, An ninh năng lượng, An ninh trật tự xã hội…

Theo tôi hiểu, đây là những lĩnh vực rất quan trọng mà các cơ quan Nhà nước, Chính phủ cần phải có kế hoạch và thực hiện, thiết lập để đảm bảo sự vận hành của xã hội, của quốc gia một cách an toàn, hiệu quả trong mọi tình huống, hoàn cảnh.

Chẳng hạn, khi nói An ninh lương thực (hay An ninh lương thực quốc gia) được hiểu là sự đảm bảo của mỗi quốc gia về nguồn cung cấp lương thực cho người dân để hạn chế và đẩy lùi tình trạng thiếu lương thực, nạn đói và tình trạng phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu. Theo định nghĩa của FAO thì An ninh lương thực là mọi người có quyền tiếp cận các thực phẩm một cách an toàn, bổ dưỡng, đầy đủ mọi lúc mọi nơi để duy trì cuộc sống khỏe mạnh và năng động. 

Còn theo thiển nghĩ của cá nhân tôi, An ninh lương thực là chúng ta phải có chiến lược dự trữ, tổ chức sản xuất, biện pháp thực hiện nhằm đảm bảo các nguồn lương thực như lúa, gạo… luôn sẵn sàng cung cấp cho nhân dân trong mọi tình huống, từ trạng thái bình thường đến những tình huống bất thường không muốn xảy ra trong cuộc sống, như thiên tai, chiến tranh… Tất cả phương án đã và phải được lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo đâu vào đấy một cách lâu dài cũng như trước mắt.

vaccine.jpg

Còn trong tình hình cấp bách hiện nay, thực tiễn cuộc sống nhân loại, trong đó đặc biệt là Việt Nam chúng ta, tôi cho rằng Nhà nước, Chính phủ cần phải gấp rút xây dựng một chiến lược An ninh mới. Cụ thể, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành dữ dội và dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, kéo dài. Con người buộc phải chung sống lâu dài với vi rút SARS-CoV-2 với nhiều biến chủng mới phát sinh, nguy hiểm khó lường, không dễ điều trị. Vì vậy, mỗi quốc gia cần phải chuẩn bị những điều kiện để người dân của mình có thể sống chung với nó với mức thiệt hại thấp nhất về kinh tế, tinh thần và tính mạng; đảm bảo duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động xã hội, nền kinh tế không bị đứt gãy.

Muốn làm được điều này, không còn cách nào khác là Nhà nước phải đảm bảo, chủ động được nguồn cung cấp, nhất là phải tự chủ sản xuất được vắc xin trong nước, với số lượng không bao giờ thiếu để cung cấp cho người dân khi cần. Thậm chí, xuất khẩu vắc xin, nâng cao uy tín đất nước ta trên bình diện quốc tế trong tình hình mới.
Đảm an ninh vắc xin ở đây như tôi đã nói là đảm bảo được nguồn cung vắc xin cho người dân trong cả nước, tự chủ được nguồn vắc xin. Để làm được điều đó chúng ta phải chuẩn bị và hoạch định một chiến lượt tổng thể. Thứ nhất, đẩy mạnh và sớm chuyển giao công nghệ của các hãng vắc xin lớn trên thế giới để sản xuất tại Việt Nam. Thứ hai là Nhà nước, Chính phủ cần có cơ chế tạo điều kiện về nguồn lực, vật lực để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất vắc xin trong nước sớm đưa ra thị trường những vắc xin của mình theo đúng chuẩn của WHO. Từ đó chúng ta mới tự chủ được vắc xin trong nước và đảm bảo được An ninh vắc xin trong tình hình mới của toàn thế giới.

Khi đó, chúng ta không phải đi ngoại giao để xin, mượn hay đàm phán mua vắc xin… trong thế bị động như lâu nay.

Đây chính là An ninh vắc xin! Một vấn đề và cũng là một phạm trù rất cấp thiết nhưng căn bản, cần phải sớm thực hiện. Nếu chậm, chúng ta sẽ ở thế bị động và khó khăn trong việc chung sống với dịch bệnh, cũng như trong trạng thái bình thường mới của toàn thế giới. Nên việc đảm bảo An ninh vắc xin vì thế cũng trở thành một nhân tố trọng yếu đối với an ninh - kinh tế của mỗi quốc gia.

Nguyễn Đình Mười