Thủ tướng Úc xát muối vào nỗi đau của Pháp khi nói thẳng tàu ngầm Pháp là thứ không đáng xài
Quốc tế - Ngày đăng : 18:39, 19/09/2021
Tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã thông báo việc thiết lập một liên minh mới với Úc và Anh, tạo điều kiện xây dựng một hạm đội gồm ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc. Việc theo đuổi tàu ngầm mới buộc Úc phải xé bỏ hợp đồng của Pháp.
Pháp cáo buộc Úc che giấu ý định buông hợp đồng 90 tỉ AUD (66 tỉ USD) với Tập đoàn Hải quân Pháp để đóng 12 tàu ngầm diesel-điện thông thường.
Sau hủy bỏ hợp đồng đóng tàu ngầm của Pháp gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao, Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm nay 19.9 cho biết Pháp sẽ hiểu ra rằng Úc có "những lo ngại sâu sắc và nghiêm trọng" về hạm đội tàu ngầm mà Pháp đóng sẽ không đáp ứng được nhu cầu của Úc.
Thủ tướng Morrison cho biết việc chuyển đổi này là do môi trường chiến lược đang xấu đi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông không đề cập cụ thể đến mối lo với sức mạnh quân sự khổng lồ của Trung Quốc, vốn có tốc độ phát triển trong những năm gần đây.
Thủ tướng Morrison nói: “Khả năng của các tàu ngầm lớp Attack không phải là thứ mà Úc cần để bảo vệ các lợi ích chủ quyền của chúng tôi. Họ (Pháp) sẽ có mọi lý do để biết rằng chúng tôi có những lo ngại sâu sắc và nghiêm trọng rằng khả năng của tàu ngầm lớp Attack sẽ không đáp ứng lợi ích chiến lược của chúng tôi và chúng tôi đã nói rất rõ ràng rằng Úc sẽ đưa ra quyết định dựa trên lợi ích chiến lược quốc gia”.
Thủ tướng Morrison cũng cho biết việc hủy hợp đồng với Pháp sẽ khiến chính phủ của ông tiêu tốn ít nhất 2,4 tỉ AUD (1,7 tỉ USD). Nhưng Úc chấp nhận bồi thường để phủi tay với lô tàu ngầm mà họ chê là vô năng của Pháp.
Pháp đã phản ứng trước việc hủy hợp đồng bằng cách triệu hồi các đại sứ của họ từ Úc và Mỹ về nước. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian hôm 19.9 đã tố cáo điều mà ông gọi là "coi thường và dối trá" xung quanh việc đột ngột chấm dứt hợp đồng và cho biết Pháp hiện đang đặt câu hỏi về sức mạnh của liên minh.
Pháp đã giành được hợp đồng vào năm 2016 với Úc trước các đề nghị từ Đức và Nhật Bản. Shortfin Barracuda là một thiết kế tàu ngầm hạt nhân được điều chỉnh để chạy bằng động cơ diesel trên mặt nước và bằng pin dưới nước.
Nhật Bản hồi năm 2016 đặc biệt thất vọng vì trước đó, Thủ tướng Úc khi ấy là Tony Abbott đã hứa với Nhật về việc ưu tiên hợp đồng cho Tokyo trước khi ông bị chính đảng của mình phế truất vào năm 2015.
Gần đây, Chính phủ Úc đã tiết lộ cho truyền thông về các cuộc đấu giá giữa các đối tác trong dự án tàu ngầm và sự chậm trễ trong ngày giao hàng của Pháp vốn dự kiến là năm 2027.
Các tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Úc dự kiến sẽ không được chuyển giao cho đến gần năm 2040. Do vậy, đã có những lo ngại về lỗ hổng khả năng quốc phòng xuất hiện khi các tàu ngầm cũ lớp Collins do Úc sản xuất không thể đảm đương.
Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton cho biết chính phủ Úc sẵn sàng thuê các tàu ngầm hạt nhân từ Mỹ trong thời gian hạm đội của Úc đang được đóng.
Dutton và Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne đang ở Mỹ để tiến hành cuộc họp thường niên với những người đồng cấp Mỹ. Còn Thủ tướng Morrison sẽ bay đến Mỹ vào 20.9 để có một cuộc họp với Tổng thống Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo của Ấn Độ và Nhật Bản trong khuôn khổ diễn đàn an ninh Quad.