Sử gia nhà Nguyễn phủ nhận yếu tố hoang đường của Con Rồng - Cháu Tiên
Giáo dục - Ngày đăng : 18:27, 13/12/2017
Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ là câu chuyện rất quen thuộc với người dân Việt Nam và gần đây lại nóng lên khi Phim Con Rồng cháu Tiên đạt kỷ lục người xem. Sau sau ba ngày công chiếu miễn phí trên Youtube, phim đạt 5 triệu lượt người xem. Nhưng mấy ai biết được ý nghĩa của các yếu tố hoang đường đằng sau câu chuyện này.
Trong các bộ chính sử trước thời Nguyễn như Đại Việt sử ký toàn thư thì câu chuyện tình Lạc Long Quân - Âu Cơ cũng được nhắc trong phần kể về Lạc Long Quân. Sử chép: "Vua tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương. Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam, phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua".
Ngay cả chi tiết mang yếu tố hoang đường như sinh bọc trăm trứng cũng được sử gia Ngô Sỹ Liên lý giải như sau: Khi trời đất mới mở mang, có thứ do khí hóa ra, đó là Bàn Cổ thị. Có khí hóa ra rồi sau có hình hóa, không thứ gì ngoài hai khí âm dương cả.
Kinh Dịch nói: "Trời đất nung ủ, vạn vật thuần hóa, đực cái hợp tinh, vạn vật hóa sinh". Cho nên có vợ chồng rồi sau mới có cha con, có cha con rồi sau mới có vua tôi. Nhưng thánh hiền sinh ra, tất có khác thường, đó là do mệnh trời. Nuốt trứng chim huyền điểu mà sinh ra nhà Thương, giẫm vết chân người khổng lồ mà dấy nhà Chu, đều là ghi sự thực như thế. Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao?"
Còn bộ Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục thời nhà Nguyễn thì không chịu về chi tiết sinh ra bọc trứng trăm con mà chỉ chép như sau: "Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh trăm con trai. Ấy là tổ tiên của Bách Việt, suy tôn người trưởng lên làm Hùng Vương, nối ngôi vua, dựng nước gọi là nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu; truyền nối mười tám đời đều gọi là Hùng Vương". Những chi tiết mà các sử gia nhà Nguyễn cho là hoang đường như sinh ra bọc trứng hay Lạc Long Quân là con của rồng đều chỉ ghi phụ vào lời chua mà thôi.
(lời chua như sau: Sinh trăm con trai: Sử cũ chép Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, con gái Đế Lai, sinh được trăm con trai; tục truyền đẻ ra trăm trứng. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ: "Ta là loài rồng, mình là giống tiên, một người mình thủy, một người mình hỏa, xung khắc nhau, khó ở chung mãi với nhau được". Hai người bèn từ biệt nhau, chia năm mươi con theo mẹ về miền núi, chia năm mươi con theo cha về miền Nam, suy tôn người con trưởng lên làm Hùng Vương nối ngôi vua).
Để nêu rõ quan điểm về những chi tiết nêu trên, các sử gia nhà Nguyễn có tấu: "Vâng tra sử cũ, danh xưng Kinh Dương vương, Lạc Long quân trong Hồng Bàng thị kỷ , vốn từ thời thượng cổ, thuộc thuở hồng hoang, tác giả căn cứ vào cái không và làm ra có, sợ rằng không đủ độ tin cậy, lại phụ hội với Liễu Nghị truyện của nhà viết tiểu thuyết đời Đường, lấy đó làm chứng cứ".
Chuẩn tấu những lời của sử quan, vua Tự Đức đã nhận định đây là những "câu truyện đề cập đến ma trâu, thần rắn, hoang đường không có chuẩn tắc" và kiên quyết loại Kinh Dương và Lạc Long ra khỏi chính sử bằng cách đưa xuống phụ chú dưới niên kỷ Hùng vương, để "cho hợp với cái nghĩa lấy nghi truyền nghi". Nhưng ngay cả khi bỏ những chi tiết mà các sử gia nhà Nguyễn cho là hoang đường đi chăng nữa thì chúng ta có thể tin rằng Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra được 100 người con trai hay không?
Theo sách kỷ lục Guinness, người phụ nữ sinh nhiều con nhất tên là Vassilyev, vợ của ông Feodor Vassilyev, một nông dân người Nga sống ở vùng Shuya hồi thế kỷ 18. Trong khoảng thời gian hơn 30 năm làm vợ ông Feodor, người phụ nữ này đã sinh được cả thảy 69 người con. Tuổi sinh nở của phụ nữ bị giới hạn nên nhiều người thắc mắc tại sao cụ Vassilyev lại có thể sinh được nhiều người như vậy. Bí quyết của bà Vassilyev là sinh nhiều con trong một lần. Trong suốt khoảng thời gian sinh nở kéo dài 3 thập kỷ, điều thú vị là bà Vassilyev không hề có lần nào sinh 1 con, mà bà luôn sinh ít nhất từ 2 con trở lên. Trong tổng số 27 lần sinh, có đến 16 lần sinh đôi, 7 lần sinh ba và 4 lần sinh tư. Người như cụ Vassilyev có lẽ chỉ có một trong lịch sử mà cũng đang bị nghi ngờ là không có kỳ tích như vậy vì không ai kiểm chứng được số liệu từ thế kỷ 18. Nếu tính những phụ nữ đang sống hiện giờ thì bà Maria Benita Olivera (sinh năm 1939) ở San Juan, Argentina đang là người nhiều con nhất khi sinh đến 32 đứa con và con út của bà năm nay mới 28 tuổi.
Các sử gia nhà Nguyễn muốn làm rạch ròi giữa yếu tố hoang đường và những điều rõ ràng trong chính sử. Tuy nhiên, điều chúng ta cần tìm hiểu ở đây không phải là xác định yếu tố hoang đường để rồi phủ nhận câu chuyện như các sử gia nhà Nguyễn. Hơn hết, chúng ta phải nhìn rộng ra, đối chiếu với văn minh nhân loại để nhận ra điều kỳ diệu đằng sau câu chuyện tưởng như rất hoang đường này. Đó là nội dung chúng tôi sẽ đề cập trong phần tiếp theo.
(còn nữa)
Anh Tú
Liễu Nghị truyện là truyện truyền kỳ thời nhà Đường kể về một sĩ tử là Liễu Nghị thi trượt, trên đường về gặp một thiếu phụ chăn dê xinh đẹp nhưng dáng vẻ tiều tụy. Người ấy nói rằng mình là con gái của Long vương ở hồ Động Đình, vốn lấy con trai thứ của Kinh Xuyên, nhưng bị bạc đãi, bắt đi chăn dê, nên muốn nhờ Liễu Nghị chuyển thư đến cho cha để báo tình cảnh của mình. Liễu Nghị đem thư xuống Long cung. Em trai Động Đình là Tiền Đường giận quá nên giết con trai của Kinh Xuyên, cứu cháu về, rồi định gả cho Liễu Nghị. Nghị từ chối, xin về, được Long vương ban cho nhiều vàng bạc châu báu. Rốt cuộc Liễu Nghị đến Quảng Lăng lấy vợ, nhưng hễ lần nào thành hôn xong vợ cũng chết. Con gái Long vương thấy vậy bèn nhớ lại việc tao ngộ xưa, muốn báo đáp bèn hóa làm người con gái xinh đẹp mà kết hôn với Liễu Nghị. Sau hai vợ chồng đều thành tiên.