Mỹ đã trao vũ khí tối thượng để giúp Úc kiềm chế Trung Quốc trên Thái Bình Dương

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:16, 16/09/2021

Mỹ và Anh có kế hoạch cử các đội kỹ thuật và chiến lược giúp vạch con đường tốt nhất để Úc có được vũ khí tối thượng là tàu ngầm hạt nhân trong vòng 18 tháng tới.

Như đã đưa tin, Tổng thống Joe Biden chiều 15.9 theo giờ Mỹ (rạng sáng nay theo giờ VN) đã công bố một nỗ lực mới để giúp Úc có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (có thể hoạt động dưới nước hằng năm thay vì phải nổi lên liên tục như tàu ngầm động cơ thường). Đây được coi là một bước tiến quan trọng nhằm chống lại Trung Quốc khi Mỹ đang nỗ lực xây dựng sự ủng hộ của quốc tế đối với cách tiếp cận với Bắc Kinh.

'Công nghệ cực kỳ nhạy cảm'

Các quan chức hàng đầu của Úc đã có mặt tại Washington vào hôm qua để gặp những người đồng cấp của họ, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, trước khi có thông báo chính thức. Trong bài phát biểu vào tối qua, ông Biden thông báo rằng ông Austin sẽ chỉ huy các nỗ lực của chính phủ Mỹ với sự cộng tác chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng.

Trên CNN, một vị quan chức Mỹ cho biết các chi tiết của mối quan hệ đối tác mới đã được giữ kín trong khi chúng được thúc đẩy trong những tuần và tháng qua, nhưng các đồng minh khác và các bên liên quan của chính phủ sẽ được thông báo chi tiết cụ thể trong những ngày tới.

Mỹ và Anh có kế hoạch cử các đội kỹ thuật và chiến lược giúp vạch con đường tốt nhất để Úc có được tàu ngầm hạt nhân trong vòng 18 tháng tới. Không rõ kế hoạch mới có ý nghĩa gì đối với thỏa thuận trị giá 90 tỉ USD mà Úc đã thực hiện với Pháp về tàu ngầm thông thường hay không.

Vị quan chức Mỹ mô tả nỗ lực hỗ trợ Úc động cơ hạt nhân là một bước đi cực kỳ hiếm hoi giữa các đồng minh, chỉ được thực hiện một lần trước đây. "Công nghệ này cực kỳ nhạy cảm. Thành thật mà nói, đây là một ngoại lệ đối với chính sách của chúng ta ở nhiều khía cạnh", vị quan chức này tiết lộ.

Giới quan sát Mỹ nói rằng đó là điều cần thiết để gửi một thông điệp trấn an tới các quốc gia ở châu Á, nhất là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, những người đang tìm cách để hạn chế ảnh hưởng toàn cầu của nhau.

Các quan chức Mỹ khẳng định mục đích của mối quan hệ đối tác mới không phải là để thách thức Trung Quốc một cách cụ thể. "Quan hệ đối tác này không nhằm mục đích hay vì bất kỳ quốc gia nào, mà là nhằm thúc đẩy các lợi ích chiến lược của chúng ta, duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế và thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", vị quan chức trong chính quyền Mỹ nói.

Lôi kéo đồng minh chống lại Trung Quốc

Tuy nhiên, động thái này là bước đi mới nhất của Mỹ nhằm đẩy lùi sự trỗi dậy về quân sự và công nghệ của Trung Quốc. Tuần tới, ông Biden sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp với nhóm Bộ tứ QUAD gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ - một nhóm khác được coi là một cách để khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á. Chính quyền Biden cũng đã tìm cách thu hút các nước châu Á khác và Phó Tổng thống Kamala Harris đã đến thăm Singapore và Việt Nam vào cuối tháng trước.

Tuần trước, Biden đã tổ chức một cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cuộc liên lạc trực tiếp đầu tiên của họ sau 7 tháng. Các quan chức mô tả cuộc trò chuyện là "cởi mở" và "thẳng thắn", nhưng cho biết Biden khi ấy không trực tiếp đề cập quan hệ đối tác chiến lược mới với Úc và Anh.

Hôm 14.9, ông Biden bác bỏ thông tin rằng trong cuộc điện đàm của họ, ông Tập đã từ chối lời mời gặp mặt trực tiếp. Phía Mỹ cho biết họ vẫn hy vọng thiết lập một cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo, nhưng không chắc nó sẽ diễn ra bên lề G20 vào cuối tháng 10. Nguyên nhân chủ yếu là do ông Tập chưa xác nhận ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Rome hay không. Ông Tập đã không rời Trung Quốc trong khoảng 600 ngày, kể từ trước khi bùng phát đại dịch coronavirus.

Có thể ông Tập vẫn tham gia hội nghị thượng đỉnh và phía Mỹ không loại trừ một cuộc gặp trực tuyến giữa Biden và ông Tập. Tuy nhiên, ông Biden cho biết việc gặp trực tiếp với các nhà lãnh đạo nước ngoài thích hợp hơn các cuộc gặp trực tuyến hay điện đàm. Người đứng đầu Nhà Trắng không tin rằng đối thoại từ xa lại có thể giải quyết được nhiều việc.

Mỹ cần thể diện sau sụp đổ tại Afghanistan

Sau cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan, xuất hiện những câu hỏi về việc ông Biden có sẵn sàng tiếp tục can thiệp ở nước ngoài hay không? Nguồn tin của CNN cho rằng tuyên bố hôm 15.9 sẽ đóng vai trò là bằng chứng cho thấy Tổng thống Mỹ tiếp tục sẵn sàng sát cánh với các đồng minh và duy trì một trật tự dựa trên luật lệ ở châu Á.

"Trong nhiều năm qua, đã có những câu hỏi đặt ra: liệu Mỹ có còn tham vọng, liệu chúng ta có sự thông minh và khôn ngoan, rằng chúng ta muốn tiếp tục đóng vai trò đó không?", vị quan chức chính quyền cấp cao Mỹ đưa ra câu hỏi rồi tự trả lời:

"Những gì Tổng thống Biden với sáng kiến ​​này đang nói là 'Hãy tin vào chúng tôi' Tất cả chúng ta đều hướng tới một cam kết bền vững và sâu sắc hơn đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Và chúng ta nhận ra rằng một trong những vai trò quan trọng của chúng ta là việc thực sự duy trì hòa bình và ổn định ở đó".

Cũng hy vọng đóng một vai trò lớn hơn ở châu Á là Vương quốc Anh, quốc gia dưới thời Thủ tướng Boris Johnson đã tìm cách theo đuổi chiến lược "Nước Anh toàn cầu" nhằm gắn kết nhiều hơn ở nước ngoài. Nỗ lực đó đôi khi đã bị ảnh hưởng, đặc biệt là khi Johnson đang nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19 ở quê nhà và đưa đất nước thoát khỏi sự suy thoái kinh tế sau Brexit.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã nhận được dấu hiệu từ những người đồng cấp Anh rằng Vương quốc Anh hy vọng sẽ "đẩy mạnh cuộc chơi của mình ở Ấn Độ-Thái Bình Dương" và tin rằng quan hệ đối tác mới với Úc có thể giúp thúc đẩy mục tiêu đó.

Trước thông báo này, Johnson đã tiến hành một cuộc cải tổ lớn đối với các Bộ trưởng trong nội các, gồm cả việc điều chỉnh lại chiếc ghế ngoại trưởng, dù động thái này dường như không liên quan trực tiếp đến thông báo sau đó của ông với Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Úc Scott Morrison.

Vị quan chức Mỹ cho biết sự hợp tác giữa ba nước chỉ giới hạn ở động cơ hạt nhân, và cho biết Úc không có ý định theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Trong phát biểu hôm 15.9, Biden nhấn mạnh rằng dự án tàu ngầm AUKUS sẽ sử dụng các tàu ngầm vũ trang thông thường, không phải các tàu trang bị vũ khí hạt nhân.

Chính Tổng thống Mỹ tuyên bố: "Chúng ta không nói về tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân. Đây chỉ là những tàu ngầm vũ trang thông thường chạy bằng lò phản ứng hạt nhân. Công nghệ này đã được chứng minh an toàn và Mỹ cùng Anh đã vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong nhiều thập kỷ".

Anh Tú