Tần Thủy Hoàng nhập nhèm chuyện biên giới với người Việt

Giáo dục - Ngày đăng : 14:01, 20/11/2017

Sau khi thống nhất 6 nước, Tần Thủy Hoàng bắt đầu tính chuyện đất đai bằng việc cắm lộ giới, phân chia quận. Ngay từ đó, đã có sự nhập nhèm về biên giới giữa nhà Tần với khu vực người Việt sinh sống.
Tần Thủy Hoàng chỉ xuống được đến Cối Kê - Ảnh: Internet

Kỳ 1: Người Việt trước đêm đánh bại cuộc xâm lược của Tần Thủy Hoàng

Về việc chia quận thì nhà Tần đặt ra 36 quận* bao gồm lãnh thổ của các khu vực các nước thời Chiến Quốc bị Tần đánh bại. 36 là con số khá đẹp với quan điểm của người Trung Quốc thời ấy nhưng nhà Tần không hề hài lòng mà sau đó tiếp tục bành trướng lãnh thổ lớn hơn và lập ra 5 quận là Cửu Nguyên (quận trị phía tây Bao Đầu, Nội Mông Cổ hiện nay), Nam Hải (quận trị ở Quảng Châu, Quảng Đông hiện nay), Quế Lâm (quận trị phía tây Liễu Châu, Quảng Tây hiện nay), Tượng Quận (quận trị ở Sùng Tả, Quảng Tây hiện nay), Mân Trung (quận trị ở Phúc Châu, Phúc Kiến hiện nay) để thành 41 quận.

Trong số 5 quận này, chúng ta có thể thấy 4 quận mà Tần Thủy Hoàng lập thêm là các vùng lãnh thổ bành trướng xuống phương nam: Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận và Mân Trung. Điều đó không hề ngẫu nhiên mà là việc làm có chủ đích của nhà Tấn nếu chúng ta xét lộ giới kỳ lạ mà Tần Thủy Hoàng quan niệm khi đó.

Lộ giới nước Tần được Tần Thủy Hoàng quan niệm chỉ có 3 mặt chứ không phải 4 mặt như thông thường, cụ thể hơn là chỉ có 3 mạn Đông, Bắc, Tây chứ không hề có mạn nam. Sử ký Tư Mã Thiên ghi rất rõ chuyện này: Đất đai chạy dài phía đông đến biển và đất Triều Tiên, phía tây đến Lâm Thao (huyện Dận Cam Túc hiện nay), Khương Trung, phía nam tới Bắc hướng bộ, phía bắc lấy Hoàng Hà làm biên giới và men theo Âm Sơn đến tận Liêu Đông.

Biên giới phía Nam nhà Tần tự xác định Bắc hướng bộ nghĩa là gì? Theo giải thích của một số dịch giả thì Bắc hướng bộ tức là những nhà phải làm quay cửa về phía Bắc để lấy ánh mặt trời. Cách vạch biên giới này vô cùng trừu tượng đã thổi dã tâm xâm chiếm phương nam lên nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc sau này. Thậm chí, khi cả khu vực người dân Việt có thói quen làm nhà quay về phương nam để đón gió mát mùa hè, tránh gió lạnh đông, cũng bị người phong kiến phương Bắc coi là khu vực Bắc hướng bộ.

Thời Chiến Quốc, nước nằm ở phía Nam là Sở. Lãnh thổ của Sở kéo dài về phía nam cũng chỉ ở phía nam sông Dương Tử một chút và khu vực quanh hồ Động Đình, chứ không đủ sức vươn tầm ảnh hưởng xuống vùng người Việt sinh sống (không ám chỉ khu vực Cối Kê của nước Việt thời Xuân Thu). Nhà Tần chiếm được nước Sở còn muốn bành trướng sâu hơn nữa khu vực phía nam.

Chính vì chủ trương nam tiến lấn đất nên ngay thời Tần Thủy Hoàng, việc đó đã được thực hiện bằng việc lập thêm 4 quận ở phía nam với diện tích khá lớn. Tuy nhiên, ngay cả việc đặt thêm quận đó cũng chỉ mang tính hình thức chứ không hẳn đã kiểm soát trên thực tế.

Chúng ta có thể hiểu điều này qua việc Tần Thủy Hoàng đi tuần thú. Sau khi thống nhất, Tần Thủy Hoàng rất thích đi tuần thú khắp lãnh thổ của mình để vừa thể hiện uy quyền trên toàn lãnh thổ, vừa được dịp hưởng thụ của ngon vật lạ khắp đất nước.

Năm thứ 33 trị vì, Tần Thủy Hoàng lập 4 quận thì 4 năm sau, vị quân vương nhà Tần thực hiện chuyến tuần thú tới Vân Mộng, vọng tế Ngu Thuấn ở núi Cửu Nghi, lại theo Trường Giang đi xuống qua Đan Dương, tới Tiền Đường, ra Chiết Giang lên núi Cối Kê tế Đại Vũ, nhìn ra Nam Hải khắc bia ca tụng công đức nhà Tần rồi lại trở về đất Ngô (Tô Châu, Chiết Giang hiện nay), men theo bờ biển lên bắc, sau cùng chết giữa đường và đó cũng lần Tần Thủy Hoàng đi xa nhất về phía nam.

Cái mà Sử ký Tư Mã Thiên gọi là Nam Hải thực ra là biển Hoa Đông hiện giờ vì từ Cối Kê thì chỉ nhìn được ra biển Hoa Đông chứ thời đó khu vực duyên hải phía nam vẫn là nơi sinh sống của các dân tộc trong Bách Việt. Cho tới lúc chết, Tần Thủy Hoàng cũng chưa bao giờ được nhìn thấy Biển Đông.

Nếu thực sự mà nhà Tần kiểm soát được các vùng đất mới phía nam, giao thông dễ dàng thì có lẽ bánh xe của vua Tần không chỉ dừng ở Cối Kê. Trong lúc xe của Tần Thủy Hoàng lăn khắp nước thì vị hoàng đế nhà Tần vẫn có các chính sách để thực hiện dã tâm đặt nền móng cai trị lên 4 quận mới phía nam và tiếp tục lấn sâu xuống tiếp khu vực người Việt sinh sống. Đó là phần chúng tôi sẽ đề cập trong lần sau.

(còn nữa)

Anh Tú

Bản đồ thời Chiến Quốc trước khi nhà Tần thống nhất trong đó:

Chu: nước Sở

Yan: nước Yên

Qi: nước Tề

Qin: nước Tần

Han: nước Hàn

Wei: nước Ngụy

Zhao: nước Triệu

ngôi sao ở nước Sở là vị trí của Cối Kê

Ghi chú:

*36 quận ban đầu mà nhà Tần đặt gồm:

Lũng Tây (quận trị ở Lâm Thao, Cam Túc hiện nay), Đắc Địa (quận trị ở tây nam Khồnh Đương (Cam Túc hiện nay), Thượng Quận (quận trị ở Hán Trung, Thiểm Tây hiện nay), Hán Trung (quận trị ở hiện nay), Thục Quận (quận trị ở Thành Đô, Tứ Xuyên hiện nay), Đa Quận (quận trị ở Trùng Khánh hiện nay), Hàm Đan (quận trị ở Hàm Đan, Hà Bắc hiện nay), Cự Lộc quận trị ở tây nam Binh Hương, Hà Bắc hiện nay), Thái Nguyên (quận trị phía nam Thái Nguyên, Sơn Tây hiện nay), Thượng Đảng (quận trị ở Trưởng Tử, Sơn Tây hiện nay), Nhạn Môn (quận trị phía ty Đại Đồng, Sơn Tây hiện nay), Đại Quận (quận trị phía đông bắc huyện Úy, Hà Bắc hiện nay), Vân Trung (quận trị phía đông bác Thác Khắc Thác, Nội Mông Cổ hiện nay), Hà Đông (quận trị ở huyện Hạ, Sơn Tây hiện nay), Đông Quận (quận trị phía nam Bộc Dương, Hà Nam hiện nay), Nãng Quận (quận trị ở Thương Khâu, Hà Nam hiện nay), Hà Nội (quận trị phía nam Vũ Thiệp, Hà Nam hiện nay), Tam Xuyên (quận trị phía đông Lạc Dương, Hà Nam hiện nay), Dĩnh Xuyên (quận trị ở huyện Võ, Hà Nam hiện nay), Nam Quận (quận trị ở Giang Lăng, Hồ Bắc hiện nay), Kiềm Trung (quận trị ở Nguyên Lăng Hồ hiện nay), Nam Dương (quận trị ở Nam Dương, Hà Nam hiện nay), Trường Sa (quận trị ở Trường Sa, Hồ Nam hiện nay), Cửu Giang trị ở huyện Thọ, An Huy hiện nay), Tứ Thủy (quận tri phía tây Hoài Bắc, An Huy hiện nay), Tiết Quận (quận trị ở Khúc Phụ, Sơn Đông hiện nay), Đông Hải (quận trị ở Viêm Thành, Sơn Đông hiện nay), Cối Kê (quận trị ở Thiệu Hưng, Chiết Giang hiện nay), Tề Quận (quận trị ở Trị Bắc, Sơn Đông hiện nay), Lang Nha (quận trị phía nam Giao Nam, Sơn Đông hiện nay), Quảng Dương (quận trị Mật Vân, Bắc Kinh hiện nay), Thượng Cốc (quận trị phía đông nam Hoài Lai Hà Bắc hiện nay), Thượng Bình (quận trị ở huyện Tô, Hà Bắc hiện nay), Liêu Đông (quận trị ở Liêu Dương, Liêu Ninh hiện nay)