Tranh cãi về chữ tín trong việc xử tù binh nhà Nguyên
Giáo dục - Ngày đăng : 05:30, 14/10/2017
Kỳ 1: Cha ông ta từng chỉ huy liên quân Đông Nam Á chống lại phương Bắc
Kỳ 2: Đinh Tiên Hoàng tự coi là cửa trên khiến phương Bắc bực dọc
Kỳ 3: Sứ giả phương Bắc bị hù dọa không dám bước chân vào nước ta
Kỳ 4: Vua Tống chém tướng kiếm chuyện ngoài biên giới để làm vui lòng Đại Việt
Kỳ 5: Vua Tống sợ trái ý Ngọa Triều nhà Lê
Kỳ 6: Đại Việt tặng ngựa, nhà Tống thất kinh
Kỳ 7: Hai nhà sư Việt bẻ gãy dã tâm của phương Bắc
Kỳ 8: Chính sách gả công chúa để phá âm mưu của phương Bắc
Kỳ 9: Khi nhà Tống lấn đất, ông cha ta sẵn sàng tuốt gươm
Kỳ 10: Trước Lý Thường Kiệt, quân ta nhiều lần Bắc phạt sang đất Tống
Kỳ 11: Chư hầu của Đại Việt uy hiếp nhà Tống, vua Lý toan động binh
Kỳ 12: Lý Thường Kiệt dùng vũ lực lấy lại đất yết hầu vùng biên trong tay quân Tống
Kỳ 13: Sợ Lý Thường Kiệt bắc phạt lần 2, vua Tống tính cắt đất
Kỳ 14: Bị áp lực từ biên giới, vua Tống phải nghiến răng trả đất
Kỳ 15: Lý Thường Kiệt dùng tù binh mở cho vua Tống con đường thể diện
Kỳ 16: Muốn nhà Tống trả đất, không thể dùng lý lẽ suông
Kỳ 17: Nhà Trần dẫn quân Bắc phạt, vua Tống vừa sợ vừa mừng
Kỳ 18: Nhà Trần 4 lần trói sứ giả Mông Cổ vì tội uốn lưỡi cú diều
Kỳ 19: Đại Việt Nguyên Mông thông hiếu, nhà Tống sợ hãi cầu thân
Kỳ 20: Nhà Trần dùng kế trừng trị các quan Đạt lỗ hoa xích
Kỳ 21: Ba đời vua Trần và 12 lần cự tuyệt nhà Nguyên
Kỳ 22: Nhà Trần kiên quyết không làm lính đánh thuê cho Nguyên Mông
Kỳ 23: Nhà Nguyên đòi vũ khí tối thượng, vua Trần từ chối
Kỳ 24: Căng thẳng đấu tranh trong lễ nghi triều kiến giữa nhà Trần và Nguyên Mông
Trong lần đánh bại quân Nguyên lần thứ nhất (1258), giặc chỉ mang 3 vạn quân tới Thăng Long với ý đồ tốc chiến tốc thắng. Quân ta khi phản công chỉ đặt nặng việc đuổi giặc chứ không bao vây tận diệt. Giặc bỏ chạy, để lại Thăng Long tất cả những gì chúng vơ vét được và trên đường rút chạy, giặc không dám dừng lại cướp bóc hoặc giết chóc mà chỉ tìm đường thoát thân. Không có ghi chép nhiều về tù binh trong cuộc chiến này.
Nhưng đến lần 2, quân Nguyên huy động lực lượng đến 50 vạn. Cuộc xâm lược này lấn sâu vào đất Việt và quân ta lập nhiều phòng tuyến bao vây nên bắt được đến 5 vạn tù binh. Muốn giải thoát cho đám tù binh này, triều đình Nguyên phải điều đình, thương lượng với triều đình Đại Việt, không có cách nào khác. Hốt Tất Liệt phải chủ động cho sứ sang Đại Việt về việc này. Cuối tháng 10.1285, sứ Nguyên lên đường sang Đại Việt.
Triều đình nhà Trần cũng không gây khó khăn gì trong việc trao trả tù binh cho địch, vì số tù binh nhiều quá. Trong hoàn cảnh đất nước vừa bị tàn phá sau chiến tranh thì việc nuôi 5 vạn miệng ăn và duy trì lực lượng trông nom thì rất tốn kém. Dân tộc ta cũng là những người nhân nghĩa nên dù giặc tàn ác song ta cũng không thể làm cái chuyện Bạch Khởi một đêm tàn sát 40 vạn tù binh nước Triệu thời Chiến Quốc. Do vậy, cách làm tốt nhất là trao trả tù binh để tỏ thiện chí muốn hòa bình. Xuất phát từ tinh thần nhân nghĩa của dân tộc và căn cứ trên thực tế đó, tháng 2.1286, triều đình nhà Trần chấp nhận yêu cầu của triều đình Nguyên, hạ lệnh tha cho tù binh về nưóc.
Thế nhưng, nhà Nguyên không cảm thấy biết ơn vì điều đó mà vẫn tìm cách hạch họe, gây sự. Khi ta đưa sứ giả sang thông hiếu thì nhà Nguyên giam sứ rồi lập Trần Ích Tắc lên làm vua bù nhìn. Năm 1287, nhà Nguyên phát động cuộc chiến lần 3 với quy mô 50 vạn người. Dám chắc rằng trong số 50 vạn người được huy động đó có rất nhiều kẻ từng là tù binh được Đại Việt thả vì chúng có kinh nghiệm , thông thạo thủy thổ, cách tác chiến của quân ta...
Và cuộc chiến lần 3, giặc Nguyên cũng thua thảm hại. Lần này, chắc chắn số tù binh bị bắt cũng rất nhiều nhưng ta không dễ dàng trao trả như lần trước. Tháng 5.1288, sứ bộ nước ta gồm Nguyễn Đức Vinh, Đoàn Khải Khung sang tặng cống phẩm, đưa biểu “tạ tội”. Trong tờ biểu có viết: "Thấy bách tính đưa đến một người là đại vương Tích Lệ Cơ, nói là bậc quý thích của đại quốc. Thần từ hôm đó đã lễ đối đãi rất mực tôn trọng, kính hay không kính thì vương tất rõ"... rồi " Vi thần kính xin sắm đủ lễ vật kíp đường sai người đến biên giới đưa đại vương về nước, ngoài ra đại quân rơi rớt lại còn hơn nghìn người, thần đã lệnh cho trở về hết, sau này nếu còn tìm được ngưòi nào, thần cũng sẽ cho về".
Chắc chắn tù binh phải hơn con số ngàn người rất nhiều nhưng nhà Trần không thể nào tin tưởng nhà Nguyên để trả tù binh một cách fair-play như trước nữa. Riêng Tích Lệ Cơ, tuy là đại vương, nhưng không quan trọng nên ta trả cho khỏi phải giam và phục vụ một ông vương. Tuy là là thân thích của Hốt Tất Liệt nhưng Tích Lệ Cơ chống lại Hốt Tất Liệt, nên bị đưa vào đội quân trừng giới .
Người mà Hốt Tất Liệt mong trả nhất là Ô Mã Nhi, người thạo thủy chiến bậc nhất triều Nguyên Mông khi ấy. Bởi vậy, khi nhận Tích Lệ Cơ thì Hốt Tất Liệt viết thư nói rằng: “Tích Lệ Cơ là người tộc thuộc của ta, ngươi đã lấy lễ cho về… Nếu ngươi lấy chuyện đó tô vẽ thêm thì hãy đem bọn quân quan Ô Mã Nhi Bạt Đô trả về, như thế mới tỏ được lòng trung thuận. Ngày tiếp được chiếu thư này, bọn quân quan Ô Mã Nhi Bạt Đô phải cùng đến triểu kiến. Bọn ấy nếu phải xử lý thế nào, trẫm sẽ khu xử hoàn bị. Ngươi phải cho đưa họ về tất cả” (theo Thiên Nam hành ký, dẫn theo Hà Văn Tấn).
Nhà Trần dù đồng ý trả nhưng ngầm cho người đi đục thuyền để bắt kẻ tàn ác phải đền tội. Đại việt sử ký toàn thư chép: "Duy có Ô Mã Nhi chém giết cướp bóc dân ta một cách tàn khốc, nhà vua căm giận lắm, nên theo kế của Quốc Tuấn, sai Nội thư gia Hoàng Tá Thốn đưa trả về nước, dùng người tài lội nước sung làm phu chèo thuyền, nhân đêm dùi thủng thuyền cho đắm, Ô Mã Nhi bị chết đuối. Nhân đấy, nhà vua phúc thư với nhà Nguyên rằng: "Vì thuyền rỉ nước bị đắm, quan tham chính sức vóc to lớn, không sao cứu vớt được, thành ra chết đuối". Nhà Nguyên cũng không tra cứu gì đến việc này".
Về sau một số sử gia nước ta chê việc này là bất tín. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Chữ tín là vật báu của nước, mà làm cho người khác phục mình sâu sắc thì đó là gốc của vương chính. Hưng Đạo Vương dùng bá thuật, muốn được thành công trong một thời mà không biết làm như thế là đã thất tín với muôn đời. Đã nói là đưa về nước lại dùng mưu kế để giết đi, thì thực quỷ quyệt quá lắm. Thái Tổ Cao Hoàng Đế nước Đại Việt ta (Lê Lợi) đang khi dẹp loạn, định tha người Minh về nước. Bọn nguỵ quan có kẻ viện dẫn cho người Minh nghe câu chuyện dùi thuyền của Hưng Đạo Vương khi trước nhằm ngăn cản ý muốn về nước của họ.
Sách Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thì Sĩ bình rằng: “Chữ tín là quí báu nhất của nước. Đã bảo cho về, lại còn dùng kế giết đi, quỉ quyệt như thế, thủ tín với lân bang sao được. Đến sau này vua Lê Thái Tổ cũng trả người Minh về nước, có người nói đến sự đục thuyền cho đắm. Vua không dùng, người Minh cũng không nghi gì. Như thế mới thật là Vương giả có đại tín”.
Suy nghĩ của 2 sử quan họ Ngô có lẽ chưa cân nhắc đến bối cảnh khi đó. Hưng Đạo Vương và triều đình nhà Trần mới là người nắm rõ tình thế khi đó để xử trí. Hãy nhớ rằng vua tôi nhà Trần có đức hiếu sinh rất lớn, đã thả giặc một lần sau cuộc chiến lần 2 nhưng giặc không hề biết điều mà lại phát động cuộc chiến lần 3 khiến thêm bao cảnh đầu rơi máu đổ. Nếu tiếp tục thả tù binh, đặc biệt là Ô Mã Nhi thì không biết chừng sẽ lại có cuộc chiến tiếp theo rất nhanh. Như vậy, không thể vì chữ tín nhỏ mà làm bách tính Đại Việt khi ấy rơi vào cảnh lầm than.
A.T