Vắc xin Cuba có thể là phao cứu sinh cho các nước đang phát triển?
Quốc tế - Ngày đăng : 12:29, 08/09/2021
Trong khi phần còn lại của Mỹ Latinh đặt hy vọng vào việc mua càng nhiều vắc-xin nước ngoài càng tốt để lật ngược tình thế nhiễm coronavirus, thì Cuba đã chọn đi hướng đi của riêng mình.
Thay vì đàm phán với những gã khổng lồ dược phẩm hay tìm kiếm vào chia sẻ vắc xin COVAX, Cuba đặt toàn bộ niềm tin vào lĩnh vực công nghệ sinh học để tự sản xuất vắc xin chống COVID-19 của riêng mình. Và mặc dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng nhiều nhà khoa học bên ngoài vẫn tin rằng điều đó có thể sẽ thành công.
Cơ quan quản lý dược Cuba đã phê duyệt vắc xin Abdala vào ngày 9.7, đưa Cuba trở thành quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên phát triển thành công vắc xin COVID-19. Trung tâm Kiểm soát Nhà nước về Thuốc, Thiết bị và Dụng cụ Y tế báo cáo rằng Abdala có hiệu quả 92% sau ba liều.
Hơn nữa, ba ứng cử viên vắc-xin khác vẫn đang trong quá trình xin cấp phép sử dụng, gồm Soberana 2, mà cơ quan này cho biết có hiệu quả 91% khi kết hợp với vắc xin tăng cường có tên Soberana Plus. Những ứng viên vắc xin này cũng dự kiến sẽ nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý trong những tuần tới.
Bước đột phá về vắc-xin của Cuba là lần thứ hai nước này xuất hiện ở Mỹ Latinh trong đại dịch. Trong khoảng thời gian năm 2020, khi khu vực xung quanh ghi nhận số người chết trên 19 triệu dân nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác, Cuba vẫn gần như không bị nhiễm dịch. Chỉ có 11 863 ca nhiễm COVID và 146 ca tử vong được ghi nhận trong dân số 11 triệu người — tương đương với 13 ca tử vong trên một triệu người. So sánh cùng thời kỳ, Vương quốc Anh ghi nhận 1084 trường hợp tử vong trên một triệu người.
Thành công của Cuba được cho là nhờ vào chương trình thử nghiệm, truy tìm và phân lập (Tetris) tích cực, do các bác sĩ đứng đầu. Cuba có nhiều bác sĩ trên đầu người hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới và cử 2000 người trong số họ ra nước ngoài để chi viện các bệnh viện đang sụp đổ, gồm cả 1 nước trong G7 là Ý.
Nhưng đội quân các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cũng đóng một vai trò quan trọng ở quê nhà. Các bác sĩ, y tá và sinh viên y khoa đã được cử đến từng nhà, tư vấn cho công chúng về các triệu chứng của coronavirus và tìm kiếm các bệnh nhiễm trùng có thể xảy ra. Những người bị nhiễm coronavirus được xác nhận đã được gửi đến các trung tâm cách ly do nhà nước điều hành để cắt chuỗi lây truyền.
Tuy nhiên, hệ thống và chiến lược này không đủ để ngăn chặn vi rút khi Cuba mở cửa lại biên giới vào tháng 11.2020. Trong làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Delta, Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Cuba, Jose Moya Medina cho biết: “Khoảng 400.000 trường hợp đã được ghi nhận, với khoảng 9000 ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày”.
Những người đã được xác nhận nhiễm trùng hiện được theo dõi tại nhà thay vì ở các trung tâm cách ly. Amilcar Perez-Riverol, cựu nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học của Cuba, nơi đã phát triển vắc-xin Abdala, cho biết: “Mọi thứ hoạt động hiệu quả hồi năm 2020 bây giờ không hoạt động tốt lắm, hoặc hoàn toàn không hoạt động, nhất là khi xuất hiện biến thể delta. Tình hình nằm ngoài tầm kiểm soát".
Vắc xin là liệu pháp chống biến thể Delta
Để ngăn chặn sự gia tăng đột biến trong các trường hợp, Cuba đã bắt đầu tung ra hai ứng cử viên vắc xin hứa hẹn nhất của mình vào ngày 12.5, mặc dù cả hai đều chưa được cơ quan quản lý của đất nước chấp thuận cho sử dụng khẩn cấp.
Tuy nhiên, 1,9 triệu người dễ bị tổn thương nhất ở Cuba, gồm cả nhân viên y tế và người lớn tuổi, hiện đã được tiêm chủng như một phần của điều mà đất nước định danh là “nghiên cứu can thiệp”.
Với vắc xin tự sản xuất, khoảng 1/3 người dân Cuba đã được tiêm chủng đầy đủ (phải mất ít nhất hai tháng để tiêm đủ ba liều) - vượt mức trung bình của khu vực cho dù chưa đạt mục tiêu quốc gia là 70% người dân Cuba tiêm chủng vào tháng 8 do chờ đợi sự chấp thuận của cơ quan quản lý với vắc xin Soberana.
Khi đạt được mục tiêu đó, Cuba có khả năng trở thành quốc gia đầu tiên tiêm chủng vắc-xin cho toàn dân. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên sản xuất "vắc xin liên hợp" phòng chống SARS-CoV-2 — một loại vắc-xin kết hợp kháng nguyên yếu với kháng nguyên mạnh để tăng cường phản ứng miễn dịch. Trong trường hợp của Soberana 2, protein từ vùng liên kết thụ thể của vi rút, hoặc vùng tăng đột biến, được kết hợp với một độc tố uốn ván.
Tất cả các ứng cử viên vắc xin của Cuba — Abdala, Soberana 1, Soberana 2, Soberana Plus và Mambisa, đều là vắc xin protein tiểu đơn vị, giống như vắc xin Novavax của Mỹ. Chúng được tạo ra bằng cách nuôi cấy trong tế bào động vật có vú, một quy trình mà Cuba đã sử dụng để tạo ra các kháng thể đơn dòng. Với sự tự tin của mình, hôm 6.9, Cuba đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm vắc xin COVID-19 "cây nhà lá vườn" cho trẻ em từ 2 tuổi.
Nếu vắc xin của Cuba phát huy hiệu quả thành công thì đó sẽ là điều rất vui mừng cho y học thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Lý do quan trọng là vắc-xin của Cuba không yêu cầu lưu trữ quá khắt khe, không cần các tủ trữ lạnh với nhiệt độ âm sâu, sản xuất rẻ và dễ dàng cho quốc gia sản xuất ở quy mô lớn.
Cuba đã có kế hoạch chia sẻ vắc xin của mình với phần còn lại của khu vực, phần lớn trong số đó tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu vắc xin và bùng phát lớn. Argentina, Mexico và Jamaica nằm trong số những nước đang thảo luận về các thỏa thuận tiềm năng. Iran, một nước có nền khoa học mạnh cũng vừa bắt đầu sản xuất hàng loạt Soberana 2 sau khi chạy thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III vào tháng 1 năm nay.
Dù là nước có nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng nền y học của Cuba nói chung và lĩnh vực công nghệ sinh học do nhà nước quản lý nói riêng có lịch sử đáng tự hào trong việc sản xuất vắc xin thành công. Thành tựu này được hỗ trợ rất nhiều bởi Fidel Castro, người đã chủ trương đầu tư ít nhất một tỉ USD vào lĩnh vực này, bắt đầu từ những năm 1980, để biến sức khỏe thành nguyên tắc cốt lõi trong xây dựng xã hội và tìm kiếm ngoại tệ cần thiết cho đất nước thông qua xuất khẩu.
Nước này sản xuất 8 trong số 11 loại vắc xin được sử dụng trong chương trình tiêm chủng quốc gia, loại bỏ bệnh bại liệt, bạch hầu, sởi, rubella và ho gà. Cuba cũng xuất khẩu hàng trăm triệu vắc-xin mỗi năm, bao gồm vắc-xin viêm màng não B đầu tiên trên thế giới, cho từ 18 đến hơn 40 quốc gia.
Thành công bước đầu của vắc xin Cuba luôn được Việt Nam đánh giá cao và sẵn sàng học hỏi. Tối 23.8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel.
Chủ tịch nước đánh giá cao kinh nghiệm của Cuba trong ứng phó với đại dịch COVID-19 và kết quả thảo luận giữa hai bên trong cung ứng và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Abdala của Cuba cho Việt Nam; khẳng định hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Cuba về vắc xin phòng COVID-19 sẽ thể hiện sống động tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước trong tình hình hiện nay. Chủ tịch Miguel Díaz-Canel khẳng định Cuba hết sức coi trọng hợp tác về vắc xin với Việt Nam, nỗ lực từ nay tới cuối năm 2021 cung ứng số lượng lớn vắc xin Abdala phòng COVID-19 của Cuba và sẵn sàng cử chuyên gia sang chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam.
Được sự giúp đỡ của bạn bè thế giới, trong đó có Cuba thì Việt Nam sẽ có thêm phương án để tự chủ trong việc sản xuất vắc xin, giúp sức khỏe người dân được đảm bảo trong đại dịch, sớm khôi phục lại nền sản xuất trở lại bình thường.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”