Sáng 8.9: Có 6.369 ca COVID-19 nặng đang điều trị
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:52, 08/09/2021
Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 550.996 ca mắc COVID-19 đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.601 ca nhiễm).
Nếu tính riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 546.683 ca, trong đó có 308.936 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Hiện có 9/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.
Có 8 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Lào Cai.
Năm tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (265.846), Bình Dương (138.593), Đồng Nai (30.365), Long An (26.432).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
Trong ngày 7.9, có thêm 10.253 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 311.710 người.
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.369 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.015
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.274
- Thở máy không xâm lấn: 119
- Thở máy xâm lấn: 926
- ECMO: 35
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.701 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm và tiêm chủng
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 415.446 xét nghiệm cho 1.118.641 lượt người. Tính chung, số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 18.111.288 mẫu cho 41.278.424 lượt người.
Tổng số liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm là 22.675.644 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 19.231.238 liều, tiêm mũi 2 là 3.444.406 liều.
Đồng Nai: Khẩn trương thành lập Trạm y tế lưu động trước ngày 15.9
Sở Y tế Đồng Nai vừa ban hành văn bản khẩn gửi UBND và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh về việc thành lập Trạm y tế lưu động trước ngày 15.9.
Theo đó, Sở Y tế giao Giám đốc Trung tâm y tế các huyện, thành phố xây dựng, thiết lập các Trạm y tế lưu động trình UBND huyện phê duyệt; làm đầu mối triển khai tổ chức các trạm y tế lưu động, tổ chức tập huấn hướng dẫn chuyên môn cho trạm y tế lưu động. Đồng thời, chỉ đạo các Trạm y tế lưu động thực hiện nhiệm vụ theo phân công; trực cấp cứu 24/7 để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; lập hồ sơ khám chữa bệnh của người dân gửi về trạm y tế cấp xã để tổng hợp chi phí khám chữa bệnh, lưu trữ...
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mỗi Trạm y tế lưu động có ít nhất 5 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất một bác sĩ. Ngoài nhân viên y tế trong biên chế, có thể huy động sự tham gia của đội ngũ y tế tư, nhân viên y tế đã nghỉ hưu, nhân viên y tế và tình nguyện viên từ địa phương khác.(Theo SK & ĐS)