TP.Hà Nội ban hành chỉ thị điều chỉnh nhiều nội dung phòng chống dịch

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 23:32, 03/09/2021

Ngày 3.9, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị số 20 về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Chỉ thị nêu rõ, tại một số khu vực còn biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác tổ chức chưa thực sự quyết tâm, chặt chẽ trong việc thực hiện giãn cách xã hội, có nơi còn hiện tượng “chặt ngoài, lỏng trong”.

Ngoài ra, các ca bệnh mới vẫn phát sinh trong cộng đồng, khu phong tỏa, tại các khu chợ dân sinh, siêu thị không rõ nguồn lây nhiễm bệnh; một số cá nhân lợi dụng việc xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu được cấp luồng xanh, xe cứu thương đã vận chuyển những người dân từ vùng có dịch bệnh về thành phố.

Phân 3 vùng để thực hiện giãn cách

Chủ tịch UBND TP yêu cầu từ 6 giờ, ngày 6.9.2021 đến 6 giờ ngày 21.9.2021, TP quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng cụ thể như sau:

Vùng 1 gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô.

Những nơi này tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

Vùng 2 là toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Khu vực này thiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

Vùng 3 là toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện/thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín chủ yếu được chia bởi Sông Nhuệ, Sông Đáy.

dich.jpg
TP Hà Nội điều chỉnh nhiều nội dung trong phòng chống dịch bệnh

Biện pháp áp dụng trong phòng chống dịch là thực hiện Chỉ thị số 15 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

Chỉ thị cũng nêu rõ việc phân vùng này là để phòng chống dịch, không phải là phân vùng để quản lý hành chính; phân cấp, ủy quyền cho quận, huyện, thị xã quyết định các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất phù hợp với tình hình dịch bệnh cụ thể theo từng địa bàn tại vùng 2, vùng 3.

Ngoài ra, tăng cường giãn cách xã hội với những biện pháp mạnh hơn nữa tại vùng 1 để kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm; khoanh vùng xử lý triệt để các ổ dịch; thực hiện chặt chẽ các yêu cầu người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, “ai ở đâu, ở đó”, không để “chặt ngoài, lỏng trong”.

Theo đó, cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP; hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường. Nguyên tắc là phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”.

Chuẩn bị 30.000 giường cho cơ sở điều trị

TP.Hà Nội cũng yêu cầu triển khai kế hoạch xét nghiệm diện rộng; đảm bảo công tác lấy mẫu, xét nghiệm thống nhất, hiệp đồng linh hoạt giữa các đơn vị, tránh để mẫu tồn quá 24 giờ; bảo đảm việc cung ứng, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân; tổ chức tiêm vắc xin khẩn trương, an toàn.

UBND TP cũng giao Sở Y tế và các đơn vị liên quan rà soát tăng công suất chuẩn bị đầy đủ 20.000 giường và sẵn sàng lên 30.000 giường cho các cơ sở thu dung, điều trị chăm sóc theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế; đảm bảo đủ ô xy, trang thiết bị, vật tư, thuốc điều trị và nhân lực y tế cho các cơ sở y tế tại các tầng điều trị.

Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn cụ thể và sử dụng ứng dụng CNTT cấp giấy đi đường, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức; phát huy vai trò trách nhiệm của Tổ COVID cộng đồng, giám sát chặt chẽ những di biến động của người dân trên địa bàn.

Bộ Tư lệnh Thủ đô được yêu cầu đảm bảo khả năng cách ly trên 100.000 chỗ cách ly cho các đối tượng F1; chuẩn bị đầy đủ vật dụng để đáp ứng 20.000 đến 30.000 giường bệnh tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh.

Sở Giao thông vận tải được giao tổ chức lại hoạt động vận tải đảm bảo yêu cầu tại chỉ thị này; xây dựng phương án bố trí “luồng xanh” cho xe vận chuyển hàng thiết yếu, vận chuyển công nhân, chuyên gia được lưu thông thông suốt.

UBND TP cũng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội đối với đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động mất việc làm; cố gắng cao nhất với phương châm “không có ai trên địa bàn TP khó khăn do dịch bệnh COVID-19 mà không được hỗ trợ”.

Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn được phép quyết định áp dụng các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao hơn và chịu trách nhiệm trước thành phố.

Khi xuất hiện ca nhiễm mới trên địa bàn, các đơn vị chức năng nhanh chóng thực hiện các hoạt động dịch tễ trong vòng 12 giờ; đưa ra phương án đề xuất gửi Sở chỉ huy quận, huyện, thị xã và thành phố để nhanh chóng khống chế dịch bệnh; gửi danh bạ điện thoại, số điện thoại trực đường dây nóng để người dân tiếp cận khi có nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp.

Đối với các khu vực phong tỏa chật hẹp, đông dân cư, căn cứ tình hình thực tiễn, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng phương án, kịch bản đảm bảo an toàn, lắp camera, siết chặt kiểm soát, tăng cường xét nghiệm; trường hợp cần thiết có thể tổ chức đưa các đối tượng có nguy cơ cao đi cách ly tập trung để giãn mật độ dân cư trong khu vực phong tỏa, tránh lây nhiễm trong khu phong tỏa.

Lam Thanh