TP.HCM chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện quản lý F0 phát hiện qua xét nghiệm
Sự kiện - Ngày đăng : 21:26, 28/08/2021
Chiều 28.8, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.
Theo đó, tính đến 06 giờ ngày 28.8.2021, có 194.596 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 194.159 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 437 trường hợp nhập cảnh.
TP hiện đang điều trị cho 38.559 bệnh nhân, trong đó: có 2.310 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.739 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 27.8, có 2.236 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện từ 01.01.2021 đến nay là 99.955 người); 287 trường hợp tử vong trong ngày.
Về công tác xét nghiệm, từ 18 giờ ngày 26.8.2021 đến 18 giờ ngày 27.8.2021, TP đã lấy 433.183 mẫu, trong đó có 6.694 mẫu đơn và 10.853 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 352.388 mẫu.
Về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, đến ngày 27.8.2021, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm là 5.806.990 (tăng 65.336 mũi vắc xin so với ngày 26.8.2021); trong đó 5.533.223 mũi 1, 273.767 mũi 2; số người trên 65 tuổi, người có bệnh nền được tiêm là 615.139 người.
TP.HCM tiếp nhận, điều chỉnh thông tin tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên Sổ Sức khỏe điện tử (SSKĐT). Thông tin tiêm chủng của người dân tại TP.HCM đã được triển khai cập nhật lên SSKĐT. Trong đó, một số trường hợp khi kiểm tra phát hiện có sự nhầm lẫn thông tin cập nhật trên SSKĐT. Để thuận tiện cho việc chỉnh sửa các thông tin chưa chính xác, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố triển khai tiếp nhận thông tin cần chỉnh sửa liên quan vấn đề tiêm chủng vắc xin COVID-19 của người dân Thành phố trên SSKĐT. Các thông tin cần chỉnh sửa sẽ chuyển đơn vị liên quan cập nhật.
Bên cạnh đó, ngày 27.8.2021, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành công văn số 6065/SYT-NVY về tiếp tục cập nhật “Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0” (phiên bản 1.5); bổ sung loại hình “Tổ COVID dựa vào cộng đồng” và điều chỉnh danh mục thuốc chống đông dạng uống từ 03 loại xuống còn 02 loại.
Nhằm hỗ trợ các F0 cách ly tại nhà, Sở Y tế TP, Sở Thông tin và Truyền thông TP đã phối hợp với Tập đoàn VNPT, Công ty Cổ phần FPT, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với người dân là F0 cách ly tại nhà qua nhiều hình thức hỗ trợ. Theo đó, người dân TP.HCM sử dụng Hệ thống Khai báo Y tế điện tử thành phố để được hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời.
Trao đổi với các phóng viên báo chí về công tác xét nghiệm, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, từ ngày 23.8 đến nay, TP đã thực hiện 1.436.922 mẫu test nhanh và phát hiện 54.498 ca dương tính, tỷ lệ tổng số không khác nhiều so với số mẫu dương tính đã thực hiện, dao động trên dưới 3,5%.
Từ ngày 15.8 đến 15.9.2021, với mục tiêu xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. chiến lược xét nghiệm được thay đổi theo từng địa bàn với các mức nguy cơ dịch bệnh.
Trong đó, khu vực “vùng đỏ” và “vùng cam” sẽ làm test nhanh cho tất cả người dân với tần suất 2 ngày/lần. Khu vực “vùng xanh” và “vùng vàng” sẽ làm xét nghiệm RT-PCR với mẫu gộp 5 cho “vùng vàng” và mẫu gộp 10 cho “vùng xanh”; tần suất 7 ngày/1 lần. Việc test nhanh tại nhà được thực hiện dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của lực lượng y tế.
Theo ông Hưng, hiện nay số F0 vẫn đang tăng. Nếu không phân tầng và thay đổi chiến lược điều trị, quản lý F0 thì sẽ tạo nhiều áp lực hơn nữa cho ngành y tế. Vì vậy, trong chiến lược điều trị của TP, tầng 1 rất quan trọng, bao gồm các F0 đang cách ly tại nhà, xuất viện trở về và cả F0 ở những khu cách ly, điều trị tại quận, huyện. Nếu làm tốt việc chăm sóc, quản lý tại tầng 1 sẽ hạn chế bệnh nhân chuyển nặng, giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong.
Về vấn đề điều trị F0 tại nhà, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm trao đổi thêm, số F0 cách ly tại nhà hiện trên dưới 45.000 ca. Thành phố không chỉ tập trung điều trị F0 có điều kiện cách ly tại nhà thông qua các trạm y tế lưu động, mà còn chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện quản lý kể cả F0 phát hiện qua xét nghiệm.
Riêng việc cung cấp oxy cho F0 tại nhà sẽ do các trạm y tế lưu động đảm nhiệm, mỗi trạm có ít nhất 3 bình oxy lớn và 2 bình nhỏ.