ISIS-K nhận trách nhiệm đánh bom liều chết tại sân bay Kabul là nhóm khủng bố nào?

Quốc tế - Ngày đăng : 13:23, 27/08/2021

Tại sân bay Kabul nơi đang diễn ra hoạt động sơ tán vừa xảy ra 2 vụ đánh bom liên tiếp. Chủ mưu được cho là nhóm khủng bố ISIS-K.

Trước đó giới chức Mỹ đã lưu ý đến mối nguy trên, Tổng thống Joe Biden từng cảnh báo nguy cơ sân bay Kabul bị ISIS-K tấn công đang tăng cao. Phía Taliban cũng thừa nhận khả năng “một số đối tượng phiền toái” thừa dịp sơ tán di tản hỗn loạn để gây rối.

ISIS-K là nhóm khủng bố nào?

Vài tháng sau khi IS tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria năm 2014, các chiến binh ly khai từ lực lượng Taliban ở Pakistan liên kết cùng chiến binh ở Afghanistan lập nên một nhóm lấy tên Islamic State-Khorasan (ISIS-K) thề trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi.

Chính thức được IS thừa nhận vào năm 2015, ISIS-K “bám rễ” ở vùng đông bắc Afghanistan, đặc biệt là 3 tỉnh Kunar, Nangarhar, Nuristan. Liên Hợp Quốc xác định nhóm này còn thiết lập chi nhánh tại nhiều nơi khác trên lãnh thổ Pakistan và Afghanistan (có cả Kabul).

Theo báo cáo công bố tháng trước của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ISIS-K ước tính có khoảng từ 500 đến vài nghìn chiến binh.

Khorasan là tên gọi cũ của một khu vực rộng lớn gồm vài phần lãnh thổ của Pakistan, Iran, Afghanistan và Trung Á ngày nay.

0_sdc_mdg_-isis-k_26868jpg.jpg
Một ảnh tuyên truyền về lực lượng ISIS-K tại Afghanistan - Ảnh: Getty Images

ISIS-K tiến hành không ít vụ tấn công đẫm máu ở cả Pakistan lẫn Afghanistan. Nhóm này từng tàn sát thường dân tại nhà thờ Hồi giáo, quảng trường, thậm chí bệnh viện, thường chọn mục tiêu là người theo các giáo phái mà nhóm xem là dị giáo (kể cả Hồi giáo Shi'ite).

Năm ngoái ISIS-K được xác định là thủ phạm tấn công cơ sở hộ sinh trong một khu dân cư của người theo Hồi giáo Shi'ite, giết chết 16 bà mẹ và phụ nữ sắp làm mẹ.

Dù gây ra nhiều vụ đánh bom và thảm sát, ISIS-K lại không thể chiếm đóng vùng lãnh thổ nào trong khu vực vì Taliban cũng như lực lượng chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu hoạt động mạnh mẽ. Nhóm chủ yếu hoạt động ngầm.

Quan hệ giữa ISIS-K với Taliban

Cả hai đều theo phái Hồi giáo Sunni cứng rắn, nhưng quan hệ giữa hai nhóm không mấy tốt đẹp. Hai nhóm bất đồng về vài điều liên quan đến tôn giáo và chiến lược, đều tự tuyên bố mình mới là lực lượng lãnh đạo thánh chiến thực sự.

Bất đồng đã dẫn đến giao tranh đẫm máu giữa hai nhóm. Sau năm 2019, phần thắng nghiêng về Taliban, ISIS-K liên tục thất bại giống như IS tại Iraq và Syria.

IS trong nhiều tuyên bố đã chỉ trích Taliban bội đạo, xem thỏa thuận Taliban đạt được với Mỹ năm ngoái là minh chứng cho thấy Taliban từ bỏ mục tiêu thánh chiến.

Cẩm Bình