Mỹ có thể khiến Taliban khốn khổ với chiêu ra đòn vào dạ dày
Quốc tế - Ngày đăng : 15:08, 25/08/2021
Khi Mỹ tiến quân vào Afghanistan vào năm 2001, nền kinh tế toàn cầu khi ấy vốn rất khác hiện giờ: chưa có công ty Tesla Inc., iPhone không tồn tại và trí tuệ nhân tạo là khái niệm trừu tượng.
Giờ đây, cả ba đều đang chiếm vị trí đỉnh cao của nền kinh tế hiện đại được thúc đẩy bởi những tiến bộ trong công nghệ chip cao và pin dung lượng lớn, những thứ được tạo ra từ nhiều loại khoáng chất, đặc biệt là đất hiếm. Và Afghanistan đang ngồi trên đống tiền ước tính trị giá 1 nghìn tỉ USD nhờ các mỏ có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới.
Bốn thập kỷ chiến tranh - đầu tiên là với Liên Xô, sau đó là giữa các bộ tộc tham chiến, rồi với Mỹ - đã ngăn cản việc khai thác đất hiếm. Điều đó dự kiến sẽ sớm thay đổi, với việc Taliban đã ra dấu hiệu cho thấy họ muốn thiết lập lại một chế độ thần quyền đi ngược lại quyền của phụ nữ và các quyền tự do cơ bản khác thay vì đưa Afghanistan đến một tương lai thịnh vượng.
Nhưng cũng có một triển vọng lạc quan, hiện đang được thúc đẩy bởi Bắc Kinh, diễn ra như thế này: Taliban thành lập một chính phủ “hỗn hợp” với lãnh chúa của các nhóm sắc tộc kình địch, cho phép duy trì các quyền con người cơ bản dành cho phụ nữ và dân tộc thiểu số, và chống lại các phần tử khủng bố muốn tấn công Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác.
“Với sự rút lui của Mỹ, Bắc Kinh có thể cung cấp những gì Kabul cần nhất: sự bằng đẳng chính trị và đầu tư kinh tế”, Zhou Bo, người từng là đại tá cấp cao trong Quân đội Giải phóng Nhân dân từ năm 2003 đến năm 2020, viết trong một bài đăng trên New York Times cuối tuần qua. “Đổi lại, Afghanistan có những gì Trung Quốc muốn giành được nhiều nhất: cơ hội trong xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghiệp - những lĩnh vực mà năng lực của Trung Quốc được cho là chưa từng có - và khả năng tiếp cận với các mỏ khoáng sản chưa được khai thác với giá trị ước tính 1.000 tỉ USD”.
Viễn cảnh đó phụ thuộc nhiều vào những gì sẽ xảy ra trong vài tuần tới. Mặc dù Mỹ đang chạy đua để sơ tán hàng nghìn người Mỹ và những người Afghanistan đồng minh, Tổng thống Joe Biden vẫn có quyền cô lập bất kỳ chính phủ mới nào do Taliban lãnh đạo trên trường thế giới và ngăn chặn hầu hết các công ty trong nước hoạt động kinh doanh (tại Afghanistan).
Mỹ vẫn có khả năng duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Taliban và có thể phủ quyết bất kỳ động thái nào của Trung Quốc và Nga nhằm giảm bớt các hạn chế của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với nhóm chiến binh này. Washington đã đóng băng gần 9,5 tỉ USD dự trữ của Afghanistan và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cắt nguồn tài chính cho Afghanistan, trong đó có gần 500 triệu USD dự kiến sẽ được giải ngân vào khoảng thời gian Taliban nắm quyền kiểm soát.
Để có bất kỳ hy vọng nào trong việc tiếp cận các nguồn vốn đó, điều quan trọng là Taliban phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán người nước ngoài và những người Afghanistan dễ bị tổn thương, đàm phán với các lãnh chúa để ngăn chặn một cuộc nội chiến khác và ngăn chặn một loạt các vụ vi phạm nhân quyền. Căng thẳng đang gia tăng trong thời hạn cuối cùng để Mỹ rút quân (31.8), với việc Taliban cảnh báo Mỹ không được vượt qua cái mà họ gọi là “lằn ranh đỏ”.
Tuy nhiên, Taliban có một số lý do để thực hiện kiềm chế. Kabul phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng gia tăng, với giá các mặt hàng chủ lực như bột mì và dầu tăng cao, các hiệu thuốc thiếu thuốc và máy ATM cạn kiệt tiền mặt. Nhóm chiến binh tuần này đã phải bổ nhiệm một giám đốc ngân hàng trung ương mới để giải quyết những vấn đề đó, trong lúc người tiền nhiệm lưu vong cảnh báo về những cú sốc có thể dẫn đến đồng tiền yếu hơn, lạm phát nhanh hơn và mất kiểm soát vốn.