Quảng Ninh và Hà Tĩnh có chỉ số nóng bức ở mức nguy hiểm

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:26, 25/08/2021

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 25/8, hai tỉnh Quảng Ninh và Hà Tĩnh có chỉ số nóng bức (HI- Heat Index) cực đại ở mức 41-54 (mức nguy hiểm).

Tại mức nhiệt này, người dân có khả năng bị say nắng, kiệt sức vì nóng, thậm chí có thể bị sốc nhiệt nếu tiếp xúc với nắng nóng hoặc hoạt động thể chất kéo dài. 

Ngoài ra, nhiều khu vực trên cả nước có chỉ số nóng bức từ 32-41, thuộc mức đặc biệt cẩn trọng gồm: Thủ đô Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), thành phố Quy Nhơn (Bình Định), TP Hồ Chí Minh. Ở mức nhiệt này, người dân có khả năng chuột rút hoặc kiệt sức vì nóng khi tiếp xúc với nắng nóng ngoài trời hoặc hoạt động thể chất kéo dài.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chỉ số nóng bức ở mức dưới 27 là an toàn; từ 27-32 là ở mức cẩn trọng, có thể gây mệt mỏi nếu duy trì tiếp xúc với nắng nóng hoặc hoạt động thể chất kéo dài; từ 32-41 thuộc mức đặc biệt cẩn trọng, có khả năng chuột rút hoặc kiệt sức vì nóng khi tiếp xúc với nắng nóng ngoài trời hoặc hoạt động thể chất kéo dài.

Khi chỉ số này ở mức 41-54 là nguy hiểm, người dân có khả năng bị say nắng, kiệt sức vì nóng, thậm chí có thể bị sốc nhiệt nếu tiếp xúc với nắng nóng hoặc hoạt động thể chất kéo dài. Chỉ số trên 54 là cực kỳ nguy hiểm, người dân rất dễ bị say nắng, sốc nhiệt ở ngoài trời.

Trong thời gian nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 như hiện nay, cùng với tình trạng nắng nóng diện rộng tại Bắc Bộ và Trung Bộ, người dân không nên ra ngoài trời khi không cần thiết nhằm đảm bảo tuân thủ quy định giãn cách xã hội và hạn chế tác động tiêu cực của nắng nóng.

Đối với những người bắt buộc phải ra ngoài thực hiện những công việc thiết yếu, đặc biệt là các lực lượng công an, dân phòng tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19, các y, bác sỹ thường xuyên mặc đồ bảo hộ khi cứu chữa bệnh nhân COVID-19, thời tiết nóng bức trong những ngày qua rất dễ gây ra tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt.

Do đó, các lực lượng này cần nghỉ giải lao khoảng 15 phút sau mỗi một giờ làm việc ngoài trời nắng nóng hoặc trong không gian kín; luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi làm việc ngoài trời nắng như: quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính…; luôn đảm bảo đủ nước uống cho cơ thể và đảm bảo các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Trong ngày 25.8, các thành phố thuộc Bắc Bộ, Trung Bộ và Cần Thơ đều có chỉ số tia cực tím (UV) cao nhất trong ngày ở mức nguy cơ gây hại rất cao. Tại các thành phố thuộc Bắc Bộ, tia UV đạt cực đại vào khoảng từ 11-13 giờ. Thành phố Cần Thơ có khoảng thời gian tia UV đạt cực đại từ 10-13 giờ. Các thành phố thuộc Trung Bộ và TPHồ Chí Minh có chỉ số tia UV bớt gay gắt hơn so, tuy nhiên vẫn đạt mức nguy cơ gây hại cao; riêng thành phố Cà Mau (Cà Mau) có chỉ số tia UV chỉ ở mức trung bình.

Dự báo từ ngày 26-28.8, chỉ số tia UV cực đại tại các thành phố thuộc Bắc Bộ chủ yếu có nguy cơ gây hại rất cao, riêng Thủ đô Hà Nội ngày 27-28.8 có chỉ số tia UV ở mức nguy cơ gây hại trung bình.

Tại Trung Bộ, ngày 27.8 chỉ số tia UV giảm xuống mức nguy cơ gây hại trung bình; trong khi hai ngày 26 và 28.8, thành phố Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hoà) có chỉ số tia UV ở mức nguy cơ gây hại rất cao.

Tại các thành phố thuộc Nam Bộ, chỉ số tia UV từ ngày 26-27.8 đều ở mức nguy cơ gây hại cao, đến ngày 28.8 chỉ số này tăng lên mức nguy cơ gây hại rất cao.

TTXVN