Thừa Thiên - Huế làm giàu từ mô hình trồng nấm linh chi công nghệ cao
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:02, 24/08/2021
Nấm linh chi là một loại thảo dược quý, có nhiều công dụng cho sức khỏe cũng như mang lại thu nhập cao hơn so với trồng các loại cây trồng khác, chính vì vậy quy trình sản xuất cũng như chăm sóc là vô cùng tỉ mỉ.
Để có được những cây nấm linh chi đúng chuẩn cho ra thị trường phải trải qua rất nhiều công đoạn và nhiều thành phần, bao gồm mùn cưa gỗ cây cao su, bột cám bắp, với tỷ lệ 95% mùn cưa cao su, 5% bột cám bắp. Sau khi các thành phần giá thể được trộn với nhau, chúng sẽ được đóng bao và đưa vào máy sấy khoảng 36 độ C rồi đem đi ủ trong 7 ngày. Sau khi ủ khoảng 7 ngày các giá thể sẽ được cấy giống và đem lên kệ để chăm sóc.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Một Thế Giới, ông Nguyễn Cho - chủ cơ sở trồng nấm linh chi Hàn Quốc, trú tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, từ tháng 3 năm nay, cơ sở của ông đã được Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế chọn là nơi thí điểm đầu tiên áp dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật vào trồng nấm linh chi Hàn Quốc của huyện Quảng Điền.
Với ý chí dám nghĩ, dám làm và sự hỗ trợ từ Sở Khoa học - Công nghệ, ông Cho đã khẳng định rằng việc áp dụng khoa học công nghệ vào trồng nấm linh chi Hàn Quốc sẽ là hướng đi mới và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
“Nấm linh chi Hàn Quốc là một loại thuốc quý, rất tốt cho sức khỏe. Để trồng được nấm linh chi này cần phải nắm rõ 3 yếu tố là ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm. Về nhiệt độ thì phải đảm bảo dưới 30 độ C. Độ ẩm trong trại nấm lúc nào cũng phải đảm bảo khoảng 75%. Ánh sáng không được sáng quá hoặc tối quá”, ông Cho khẳng định.
Theo ông Cho, để cho ra những sản phẩm nấm linh chi tốt và chất lượng, ngoài việc ủ nấu, cấy men giống đúng kỹ thuật thì việc chăm sóc thời gian sau đó vô cùng quan trọng. Từ công đoạn phun nước dạng hơi sương cho những ngày nắng nóng như thế này đến công đoạn chống bụi và mạng nhện bám lên tai nấm ảnh hưởng đến việc nấm thụ phấn. Khi bào tử nấm phát tán viền trắng bên ngoài tai biến mất trở thành màu sẫm đỏ thì lúc đó nấm mới đạt tiêu chuẩn và bắt đầu thu hoạch.
Vụ mùa chính của nấm linh chi Hàn Quốc là vụ Thu – Đông, đối với những ngày nắng nóng như thế này việc chăm sóc, theo dõi độ ẩm là rất quan trọng. Chính vì thế, ông Cho đã ứng dụng được các giải pháp công nghệ hiện đại để giữ độ ẩm nhờ thế đã kết hợp trồng được nhiều vụ trong một năm thu về lợi nhuận cao.
Sau khi thu hoạch 10 kg nấm tươi qua phơi khô, sấy và hút chân không sẽ thu được 1 kg nấm khô thành phẩm để xuất ra thị trường với giá 700.000 đồng/kg. Trước đây chưa áp dụng được hết các công nghệ, nấm khi thu hoạch chủ yếu bán ra nấm tươi tại các thị trường tự do là chính.
Ngoài nấm linh chi, ông Cho còn trồng thêm các loại như nấm sò, nấm trắng và nấm tím để cung cấp cho thị trường cũng như tạo thêm thu nhập cho đầu ra.
Trao đổi về vấn đề chế biến nấm, ông Cho chia sẻ: “Trung tâm Nghiên cứu giống thuộc tỉnh Quảng Trị kết hợp với Trung tâm Ứng dụng Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ mở rộng quy mô trồng nấm linh chi trên cả huyện với công nghệ cao, tạo ra nhiều việc làm trên địa bàn tỉnh. Cơ quan chức năng của huyện Phong Điền cũng hứa sẽ hỗ trợ cơ sở chúng tôi một lò sấy và một máy hút chân không trong thời gian sắp tới.”
Một số hình ảnh tại cơ sở trồng nấm của ông Cho: