Nhiều ‘ông lớn’ ngân hàng đồng loạt giảm tiếp lãi suất cho vay
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:05, 23/08/2021
‘Ông lớn’ ngân hàng giảm lãi suất cho vay
Vietinbank mới thông báo sẽ tiếp tục triển khai bổ sung gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4 %/năm với quy mô 20.000 tỉ đồng đối với các khách hàng hoạt động trong ngành nghề, địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Theo đó, các ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch được ưu tiên như: dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ; lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp; vận tải; hàng tiêu dùng thiết yếu…
Vietcombank cũng đã thông báo giảm lãi suất tiền vay trong thời gian từ 18.8 đến hết 31.12.2021 đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía nam đang áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Cụ thể, Vietcombank giảm lãi suất 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP.HCM, tỉnh Bình Dương và giảm 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các địa bàn tỉnh, thành phố phía nam khác đang áp dụng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…
Trong khi đó, BIDV công bố dành 1.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất cho vay các doanh nghiệp tại 19 tỉnh, thành phía nam. Theo đó, BIDV giảm 0,5 - 1,5%/năm lãi suất cho vay VND đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15.7 đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Ngoài ra, BIDV triển khai gói tín dụng mới với quy mô 30.000 tỉ đồng, áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn có thời gian vay tối đa 12 tháng, với mức giảm lãi suất lên đến 1,5%/năm so với lãi suất thông thường.
Bên cạnh các ngân hàng lớn, trước đó, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng đã công bố mức giảm lãi suất phổ biến là 1%/năm cho khách hàng gặp khó khăn, áp dụng từ ngày 15.7.2021.
Điển hình, Sacombank thực hiện giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19, đồng thời tiếp tục ưu đãi/miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.
MB Bank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của nhiều đối tượng khách hàng từ 1,5%-2%/năm so với mức cho vay và giảm 50% số tiền lãi phải thu của các khách hàng đến thời điểm hiện tại (tương đương mức lãi suất cho vay giảm 3%-4%/năm).
ACB giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn. VIB giảm trung bình 1,5%/năm, TPBank, MB, VietCapital Bank, Kienlongbank giảm trung bình 1 - 1,5%/năm…
Như vậy, mức lãi suất cho vay của các ngân hàng trung bình đang dao động từ 5,7 - 6,2%/năm, tùy mục đích và hạn mức vay vốn của doanh nghiệp.
Tăng cường giám sát việc giảm lãi suất
Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trước tình hình dịch lan rộng ở các địa phương, đặc biệt là tỉnh phía nam, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm tiếp lãi suất cho các doanh nghiệp thông qua 2 nguồn gồm: cắt giảm tối đa chi phí hoạt động và chia sẻ lợi nhuận.
Do vậy, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận và cam kết sẽ giảm tiếp lãi suất cho các đối tượng, với tinh thần khó khăn nhiều giảm nhiều, khó khăn ít giảm ít. 16 ngân hàng cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm tổng số 20.300 tỉ đồng thông qua các nguồn trên.
Ngoài phần 16 ngân hàng thương mại đã cam kết giảm kể trên, 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước cũng đã đồng thuận giảm thêm 4.000 tỉ đồng nữa cho các địa phương như TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ. Đồng thời, 4 ngân hàng này cam kết sẽ giảm 100% các loại phí dịch vụ tại TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh đặc biệt khó khăn bởi dịch bệnh.
“Việc giảm lãi suất và giảm phí này là hết sức thiết thực. Tuy nhiên, để đảm bảo việc giảm phí, giảm lãi suất một cách thực chất cũng như đảm bảo việc tiếp cận vốn lãi suất rẻ của các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết trên của các ngân hàng thương mại để làm sao từ nay đến cuối năm, những cam kết này sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp. Việc triển khai quyết liệt giảm lãi suất thể hiện trách nhiệm đối với xã hội và thực hiện tinh thần của Thủ tướng Chính phủ trước sự khó khăn cấp bách của nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng”, ông Tú nói.
Mới đây, một số hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị ngân hàng giảm lãi suất 3-5%/năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, ngân hàng thương mại bản chất cũng là một doanh nghiệp, lời ăn lỗ chịu. Vì vậy, nếu giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng, ngân hàng buộc phải đi ngược lại lợi ích của cổ đông. Mặt khác, nếu giảm mạnh lãi suất cho vay thì buộc lãi suất huy động cũng phải giảm theo. Khi đó, khách hàng gửi tiền sẽ đồng loạt rút tiền để đầu tư vào kênh khác, gây bất ổn cho hệ thống.
Chuyên gia kinh tế - tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết hiện tại, dư địa giảm lãi vay của hệ thống ngân hàng đã chạm đáy, nếu giảm nữa có thể sẽ gây rủi ro cho chính ngân hàng. Theo ông Hiếu, các ngân hàng đang báo cáo lợi nhuận tăng trưởng tốt, song thực tế là một lượng lớn nợ xấu đang được “trì hoãn” bởi Thông tư 03/2021/TT-NHNN (cho phép giãn thời hạn cơ cấu lại nhóm nợ cũng như kéo dài thời gian trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu). Khi thông tư này hết hiệu lực, nợ xấu sẽ “bùng lên” và ngân hàng buộc phải lấy lợi nhuận để trích lập dự phòng.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng ngân hàng cần hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn nhưng họ vẫn phải bảo đảm an toàn hệ thống một cách cao nhất.