Quân đội Afghanistan không thể chống đỡ Taliban vì tình trạng tham nhũng tràn lan
Góc nhìn - Ngày đăng : 10:34, 17/08/2021
2 đội quân ở 2 tình trạng khác nhau: một bên trang bị nghèo nàn nhưng có động lực cao về mặt tư tưởng; bên còn lại trang bị tốt nhưng phụ thuộc NATO, năng lực chỉ huy yếu kém và tham nhũng đầy rẫy.
Tháng trước, cơ quan giám sát viện trợ Mỹ dành cho Afghanistan (SIGAR) cảnh báo Washington có ít hoặc không có cách nào để biết năng lực tác chiến độc lập không cần lực lượng Mỹ hỗ trợ của lực lượng an ninh Afghanistan, mặc dù tính đến tháng 3.2021 đã chi đến hơn 88 tỉ USD cho nỗ lực tái thiết liên quan đến an ninh.
SIGAR nhận ra Mỹ đề cao lực lượng an ninh Afghanistan quá mức mặc dù chẳng hề có bất cứ bằng chứng đáng tin cậy nào. Họ còn lưu ý rằng sự ra đi của hàng nghìn nhà thầu theo thỏa thuận đạt được với Taliban năm ngoái tác động đáng kể đến lực lượng an ninh Afghanistan đặc biệt là khả năng bảo dưỡng máy bay cùng phương tiện.
SIGAR cũng nhiều lần khuyến cáo về tham nhũng trong đội ngũ, đồng thời nhắc nhở phụ thuộc trang bị tiên tiến và mù chữ khiến lực lượng an ninh Afghanistan không thể duy trì sức mạnh và sức chiến đấu một cách đáng tin cậy.
“Câu hỏi số tiền hơn 88 tỉ USD liệu có được chi tiêu hợp lý hay không cuối cùng vẫn phải chờ câu trả lời từ kết quả chiến đấu thực tế”, theo SIGAR.
Loạt cảnh báo trên sẽ được Quốc hội Mỹ xem xét nhằm tìm hiểu rõ vì sao bỏ ra khoản viện trợ lớn như vậy mà chính quyền ở Kabul do họ hậu thuẫn lại thất thủ quá chóng vánh, và vì sao Nhà Trắng lại nghĩ lực lượng an ninh Afghanistan đủ sức tự lực cánh sinh sau 2 thập kỷ phụ thuộc Mỹ (yểm trợ trên không, hậu cần, bảo trì trang bị, huấn luyện,…)
Bên cạnh bản thân quân đội yếu kém, một vấn đề nữa là chính quyền ở Kabul đang phải đối mặt với khủng hoảng tài chính nghiêm trọng do thất thu hải quan và viện trợ giảm. Nhiều quan chức phàn nàn họ nhiều tháng không có lương.
Thêm một yếu tố là nỗi sợ. Tốc độ tiến công thần tốc của Taliban được thúc đẩy bởi nỗi sợ bị trả thù, trong khi Mỹ rút quân quá nhanh và không thể đảo ngược.
Mỹ triển khai huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan từ năm 2002 – có nghĩa họ có đến gần 2 thập kỷ chuẩn bị cho tình huống chiến tranh với Taliban nổ ra lần nữa. Ngay từ đầu Mỹ đã chuyển đổi quân đội của quốc gia Trung Á từ lực lượng bộ binh hạng nhẹ thành thành lực lượng vũ trang hỗn hợp có đầy đủ lục quân, không quân, đặc nhiệm.
Năm 2005 Washington bắt đầu tìm cách đánh giá năng lực tác chiến của lực lượng an ninh Afghanistan, nhưng đến năm 2010 thừa nhận rằng cơ chế đánh giá thiếu toàn diện.
Cơ chế được thay đổi một lần nữa vào năm 2013, một năm sau báo cáo được phân loại. Trọng tâm chuyển từ các tiểu đoàn sang sở chỉ huy.
SIGAR cũng chỉ ra khác biệt giữa những gì tướng lĩnh và sĩ quan cấp thấp hơn báo cáo. Ví dụ như tháng 3.2011, tướng David Petraeus - chỉ huy lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế thời điểm đó - tuyên bố viện trợ đem lại lợi ích đáng kể cho lực lượng an ninh Afghanistan, giúp họ đảm nhiệm vai trò quan trọng trong nỗ lực chống Taliban. Cảnh sát Afghanistan cũng hạn chế được việc Taliban đe dọa cuộc sống người dân.
Vài tướng lĩnh Mỹ cũng tuyên bố tương tự. Tuy nhiên có một số thông tin phản ánh tình hình thực tế không thành công như vậy: trung tướng Daniel Davis - người từng dành 1 năm làm việc với quân đội Mỹ và Afghanistan - trong bài viết đăng trên tạp chí Armed Forces Journal năm 2012 cho biết những gì ông quan sát “chẳng giống loạt phát ngôn màu hồng giới lãnh đạo quân sự đưa ra”.