TP.HCM phân lớp rõ ràng vùng xanh, vùng cận xanh, vùng vàng, vùng cam, vùng đỏ
Sự kiện - Ngày đăng : 16:28, 16/08/2021
Ngày 16.8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM công bố kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 86 của Chính phủ.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM vừa ký ban hành Kế hoạch khẩn số 2715 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch theo Nghị quyết 86 của Chính phủ từ ngày 15.8 đến ngày 15.9 theo 3 giai đoạn.
Cụ thể từ ngày 15.8 đến ngày 22.8 là giai đoạn giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỷ lệ nhiễm cao. Thời gian này, TP.HCM tập trung kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong do COVID-19; không để xảy ra trường hợp người bệnh COVID-19 (F0) chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị; xác định chiến lược chuyển đổi “vùng đỏ", “vùng cam", “vùng vàng" và mở rộng “vùng xanh" tại các quận, huyện, TP Thủ Đức.
Từ ngày 23.8 đến ngày 31.8 là giai đoạn tách nguồn lây nhiễm mạnh. Thời gian này, TP.HCM mở rộng “vùng xanh", phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với các quận, huyện: Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Phú Nhuận, quận 5, quận 7 và quận 11.
Từ ngày 1.9 đến ngày 15.9, TP.HCM duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng, số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày (số nhập viện dưới 2.000 người/ngày, tương đương dưới 200 trường hợp/triệu dân); đảm bảo hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1, 15% người dân được tiêm mũi 2.
Bên cạnh đó, TP.HCM tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 16.8 đến ngày 15.9 năm 2021 với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó", hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự quản bảo vệ “vùng xanh", phát triển “vùng xanh".
TP.HCM tiếp tục siết chặt giãn cách xã hội một cách thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ, đặc biệt trong khung giờ từ 6 giờ - 18 giờ cùng ngày; thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", phát hiện, xử lý ngay những trường hợp vi phạm.
Định nghĩa, phân lớp rõ ràng "vùng xanh", "vùng cận xanh" với "vùng vàng", "vùng cam", "vùng đỏ"
Trong xét nghiệm, TP.HCM đảm bảo tính khoa học, thiết thực, hiệu quả; có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát hiện kịp thời bệnh nhân COVID-19 để điều trị hiệu quả; thu hẹp “vùng đỏ", “vùng cam", “vùng vàng", mở rộng “vùng xanh" trên địa bàn.
Tiếp tục nhân rộng các mô hình tự quản “vùng xanh" của nhân dân, vừa góp phần nâng cao ý thức của nhân dân vừa ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Tổ dân phố, Tổ nhân dân có mức bình thường mới được chia thành 2 mức: Tổ dân phố, Tổ nhân dân đạt "vùng cận xanh" khi không có hộ gia đình có ca F0 mới trong vòng 7 ngày. Nếu trên 14 ngày không có ca F0 mới thì được xác định là Tổ dân phố, Tổ nhân dân đạt "vùng xanh".
Đối với Tổ dân phố, Tổ nhân dân có mức nguy cơ (vùng vàng) khi có 1 hộ gia đình có ca F0, nhưng không có mối giao lưu, tiếp xúc với các hộ gia đình khác trong Tổ; có mức nguy cơ cao (vùng cam) khi có 2 hộ có ca F0 hoặc có 1 hộ gia đình có ca F0, nhưng có mối giao lưu, tiếp xúc với các hộ gia đình khác trong Tổ; có mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ) khi có từ 3 hộ gia đình có ca F0 trở lên.
TPHCM duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng bằng giải pháp giám sát, phát hiện sớm những người có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, hoặc người có yếu tố nguy cơ là những người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh lý nền, người béo phì cộng với yếu tố dịch tễ (sống chung nhà với F0, hoặc có tiếp xúc với F0). Cụ thể là thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc bằng test nhanh phát hiện kháng nguyên SARS-CoV-2 (nếu dương tính thì thực hiện tiếp RT-PCR).
Đối với các đơn vị đang được phép hoạt động ở một số lĩnh vực có tiếp xúc nhiều như: y tế, quân đội, công an, nhà máy, doanh nghiệp, giao hàng (shipper)... cần chủ động giám sát bằng xét nghiệm (test kháng nguyên nhanh hoặc RT-PCR) đối với nhân viên của đơn vị định kỳ mỗi 7 ngày.
Đối với các trường hợp dương tính không có triệu chứng, xác định bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh, được phát hiện ở cộng đồng thì tổ chức cho cách ly, chăm sóc, theo dõi tại nhà theo hướng dẫn của ngành y tế. Nếu những trường hợp này có triệu chứng hoặc có các yếu tố nguy cơ (như mắc các bệnh nền, béo phì hoặc ở trong khu dân cư có nguy cơ lây lan cao) thì cho chuyển đến các cơ sở điều trị để được theo dõi và xử lý kịp thời những diễn biến nặng.