Nhiệm vụ mới của cấp tiểu học là đa dạng cách dạy, ứng phó COVID-19
Giáo dục - Ngày đăng : 17:36, 12/08/2021
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh căng thẳng nên nền giáo dục bị tổn thương, cần thời gian rất dài để phục hồi. Bộ trưởng nhấn mạnh, "vì thế, trách nhiệm trong thời gian tới của ngành giáo dục rất nặng nề.
"Để chuyển sang trạng thái bình thường mới, phải tính toán lâu dài chứ không phải tạm thời. Mọi sự điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với dịch bệnh, đảm bảo an toàn trên cơ sở không thay đổi mục tiêu đảm bảo chất lượng, chuẩn đầu ra cho chất lượng và phương pháp" - Bộ trưởng phát biểu.
Đặc biệt, với hệ tiểu học, việc học online là cả một thách thức lớn. Các điểm trường còn nhiều khó khăn, dồn ghép khi sử dụng lớp học, đây cũng chính là khó khăn chung dễ dẫn đến việc các học sinh sẽ bỏ học, bỏ trường.
Đưa ra những lưu ý cho giáo dục tiểu học, Bộ trưởng cho biết: Bộ GD-ĐT đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học, từ đó, các địa phương triển khai sao cho linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn. Tận dụng “thời gian vàng” dạy trực tiếp. Cần phải linh hoạt trong quá trình thực hiện nội dung; linh hoạt trong thực hiện chương trình và triển khai nội dung dựa theo chuẩn đầu ra và yêu cầu nội dung cốt lõi chương trình học tập.
Bộ trưởng yêu cầu Vụ giáo dục tiểu học ban hành hướng dẫn những nội dung giảng dạy cốt lõi, căn bản. Cần tập trung vào chương trình cốt lõi (trên cơ sở chương trình chung) ưu tiên giải dạy trực tiếp nếu có thể. Cân nhắc về kiểm tra, đánh giá sao cho phù hợp. Cùng với đó, địa phương đề xuất điều chỉnh về cơ chế chính sách cho phù hợp và chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện cho sự chuyển hướng này.
Rà soát theo hướng tinh giản nội dung lớp 1
Về chương trình SGK cho các học sinh cấp 1, đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho biết hiện các trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong thực hiện Chương trình cấp tiểu học đối với lớp 1. Tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 bảo đảm theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.
Bộ GD-ĐT sẽ rà soát lại nội dung chương trình của SGK lớp 1, theo hướng tinh giản những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng lớp; Tinh giản những nội dung trùng lặp trong môn học và giữa các môn học; Tích hợp một số nội dung trong cùng môn học và giữa các môn học thành các chủ đề học tập trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình.
Để thực hiện nhiệm vụ mới của giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận việc triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. SGK theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện. Lần đầu tiên thực hiện một chương trình, nhiều SGK nên việc lựa chọn, sử dụng SGK ở các địa phương rất đa dạng, khó khăn trong việc in ấn, phát hành, cơ sở vật chất không đồng đều,...
Năm học 2021-2022 tới đây, 2 mục tiêu mới cho giáo dục tiểu học được đặt ra là: Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Khai thác, sử dụng SGK, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn. Vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Nhiệm vụ mới thứ hai là đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch COVID-19. Chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học. Tổ chức xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình...
Về chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6, Bộ GD-ĐT cho hay các cơ sở giáo dục đã ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, chủ động khắc phục khó khăn để triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên.
Về SGK, mỗi tỉnh/thành phố, mỗi môn học/hoạt động giáo dục được chọn từ 1 đến 5 bộ sách, trong đó tỉ lệ chọn 1 bộ/môn học khoảng 50%; 2 bộ/môn học khoảng 30%. Chính vì thế, trong thời gian tiếp theo Bộ GD-ĐT vẫn xác định thực hiện tốt mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm trường học an toàn và nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời triển khai một cách hiệu quả nhất chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 6 và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tiếp đối với lớp 7, lớp 10 cho năm học tiếp theo.