CDC Mỹ: Người tiêm 2 liều vắc xin vẫn phải đeo khẩu trang để phòng biến thể Delta

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:20, 31/07/2021

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết cuộc chiến chống lại COVID-19 đã thay đổi vì biến thể Delta rất dễ lây lan, đề xuất một thông điệp rõ ràng hơn, tiêm vắc xin bắt buộc cho nhân viên y tế và quay trở lại việc đeo khẩu trang.

Một tài liệu nội bộ của CDC cho biết biến thể Delta (được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và hiện thống trị trên toàn cầu) có khả năng lây lan như bệnh thủy đậu và dễ lây lan hơn nhiều so với bệnh cảm lạnh hoặc cúm thông thường. Biến thể Delta có thể được lây truyền ngay cả bởi những người đã được tiêm vắc xin và có thể gây ra bệnh nghiêm trọng hơn các chủng trước đó.

Tài liệu có tựa đề “Cải thiện thông tin liên lạc xung quanh sự nhiễm đột phá và hiệu quả của vắc xin”, nói yêu cầu một cách tiếp cận mới để giúp công chúng hiểu được mối nguy hiểm của Delta, bao gồm cả việc làm rõ rằng những người chưa được tiêm phòng có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc chết.

CDC nói: “Hãy thừa nhận rằng cuộc chiến đã thay đổi. Cải thiện thông tin liên lạc về nguy cơ của từng cá nhân trong số những người được tiêm chủng”.

Các biện pháp phòng ngừa được khuyến nghị bao gồm việc đưa vắc xin trở thành bắt buộc với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để bảo vệ những người dễ bị tổn thương và quay trở lại việc đeo khẩu trang.

CDC đã xác nhận tính xác thực của tài liệu, lần đầu tiên được báo cáo bởi tờ Washington Post.

Dù những người được tiêm vắc xin ít có khả năng nhiễm bệnh hơn nhưng khi họ bị nhiễm đột phá do Delta thì không giống trường hợp của các biến thể trước đó, giờ đây họ có thể giống những ai không được tiêm chủng để truyền bệnh cho người khác.

Người đứng đầu CDC - Rochelle Walensky cho biết: “Tải lượng vi rút cao cho thấy nguy cơ lây truyền cao hơn và gây ra lo ngại rằng, không giống như các biến thể khác, những người được tiêm chủng nhiễm Delta có thể truyền vi rút”.

Hôm 30.7, CDC đã công bố dữ liệu từ nghiên cứu về một đợt bùng phát ở bang Massachusetts, trong đó cho biết 3/4 số người mắc COVID-19 đã được tiêm vắc xin đầy đủ. Nghiên cứu đó đóng vai trò then chốt trong quyết định của CDC tuần này nhằm một lần nữa khuyến nghị những người đã tiêm chủng nên đeo khẩu trang trong một số tình huống, bà Rochelle Walensky nói.

CDC cho biết tính đến ngày 26.7, 6.587 người ở Mỹ đã nhiễm COVID-19 đột phá sau khi được tiêm chủng đầy đủ và phải nhập viện hoặc đã tử vong. CDC đã ngừng báo cáo về các trường hợp nhiễm trùng nhẹ vào mùa xuân này nhưng trong báo cáo, ước tính có khoảng 35.000 trường hợp nhiễm trùng có triệu chứng mỗi tuần ở Mỹ.

cdc-my-cuoc-chien-da-thay-doi-nhieu-nguoi-tiem-2-lieu-vac-xin-nhiem-bien-the-delta.jpg
Nhân viên y tế làm việc trong đơn vị chăm sóc đặc biệt về bệnh COVID-19 tại Trung tâm Y tế Intermountain ở thành phố Murray, bang Utah, Mỹ, nơi họ đang đối phó với sự gia tăng các trường hợp nhiễm biến thể Delta - Ảnh: Reuters

Ở những nơi trên thế giới có nhiều người vẫn chưa được tiêm vắc xin, biến thể Delta một lần nữa khiến tỷ lệ tử vong và nhập viện tăng cao.

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hệ thống y tế ở nhiều quốc gia đang bị quá tải. "Những thành quả khó giành được sẽ gặp nguy hiểm hoặc bị mất", ông nói trong một cuộc họp báo.

Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO - Mike Ryan nói với các phóng viên rằng vắc xin vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh tật nghiêm trọng và tử vong.

Ngay cả ở các nước giàu có, gồm cả những quốc gia đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm chủng, số ca mắc COVID-19 đã tăng lên. Mặc dù vắc xin cho đến nay vẫn giữ tỷ lệ tử vong thấp hơn, nhưng nhiều người dễ bị tổn thương, đặc biệt là những ai từ chối tiêm vắc xin, một vấn đề cụ thể ở các vùng của Mỹ có cử tri ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump.

Ông Trump là cựu Tổng thống Mỹ duy nhất còn sống không tham gia vào các chiến dịch dịch vụ công cộng khuyến khích người dân tiêm vắc xin.

Gần 1/3 số người trưởng thành ở Mỹ vẫn chưa tiêm mũi đầu tiên. Các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp đã chứng kiến ​​sự gia tăng mạnh về số ca COVID-19 trong những tuần gần đây và các nhà chức trách lo ngại các trường hợp nhập viện, tử vong không còn xa.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Mỹ, nói với Reuters rằng ông hy vọng các loại vắc xin, cho đến nay mới chỉ nhận được phê duyệt khẩn cấp, có thể bắt đầu nhận được phê duyệt đầy đủ theo quy định vào tháng 8 và điều này có thể giúp thuyết phục nhiều người hơn đi tiêm chủng.

Tại Anh, nơi biến thể Delta gây ra sự gia tăng mạnh về số ca mắc COVID-19 trong những tháng gần đây dù là một trong những nước triển khai chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới, một hội đồng tư vấn cho chính phủ nói khả năng bảo vệ của vắc xin có thể sẽ suy yếu theo thời gian, nghĩa là các chiến dịch tiêm chủng có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm.

Từng khuyến cáo những người Mỹ đã tiêm phòng cách đây nhiều tháng rằng họ không cần đeo khẩu trang nữa, CDC hôm 27.7 đã đảo ngược hướng đi, nói rằng ngay cả những người đã được tiêm vắc xin đầy đủ cũng nên đeo khẩu trang trong các tình huống vi rút có khả năng lây lan.

Hôm 29.7, Tổng thống Joe Biden kêu gọi các chính quyền địa phương trả tiền cho người dân đi tiêm vắc xin và đặt ra các quy định mới yêu cầu nhân viên liên bang cung cấp bằng chứng về việc tiêm chủng hoặc đối mặt với xét nghiệm thường xuyên, yêu cầu đeo khẩu trang và hạn chế đi lại.

Carlo Federico Perno, Trưởng khoa vi sinh và chẩn đoán miễn dịch học tại Bệnh viện Bambino Gesù ở Roma (Ý), cho biết: “Điều chính thay đổi vì Delta là khẩu trang vẫn sẽ được sử dụng và ở những quốc gia đã dỡ bỏ yêu cầu này, nó sẽ phải được giới thiệu lại”.

Các quốc gia châu Á áp đặt hạn chế mới

Ở châu Á, với nhiều nước tránh được những kết quả tồi tệ nhất xảy ra so với phương Tây vào năm 2020, đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong những tuần gần đây. Một số hạn chế mới đã công bố hôm 30.7.

Từ 2.8, các nhân viên quân đội sẽ giúp cảnh sát Sydney, thành phố lớn nhất Úc, kiểm tra xem những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 có đang bị cách ly hay không.

Philippines đã công bố kế hoạch tái phong tỏa thủ đô Manila, nơi sinh sống của hơn 13 triệu người, trong 2 tuần.

Tại Nhật Bản, nơi số ca COVID-19 gia tăng đã làm lu mờ Thế vận hội (Olympic), chính phủ đã đề xuất tình trạng khẩn cấp đến hết tháng 8 tại ba quận gần Tokyo và quận phía tây Osaka.

Tình trạng nhiễm trùng đang ngày càng lan rộng. Tình hình vô cùng nghiêm trọng”, Bộ trưởng Kinh tế Nhật - Yasutoshi Nishimura cho biết, cảnh báo tình trạng nhiễm COVID-19 vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm.

Sơn Vân