Tướng nhà Trần không thèm ăn cơm của giặc phương Bắc

Giáo dục - Ngày đăng : 17:09, 11/10/2016

Trần Bình Trọng tuyệt thực không ăn uống. Quân giặc gạ hỏi việc quân, việc nước nhưng ông đều lặng im không đáp. Tướng giặc lại đem chức tước ra dụ dỗ, hỏi ông: “Có muốn làm vương đất Bắc không?”. Kiến Đức hầu Trần Bình Trọng bèn khẳng khái đáp: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”.

Các kỳ trước

Kỳ 1: Đại Việt đêm trước cơn bão kháng Nguyên Mông lần thứ 2

Kỳ 2: Đất Trung Quốc máu chảy thành sông, Đại Việt tọa sơn quan hổ đấu

Kỳ 3: Vua Trần dùng kế hoãn binh, nhà Nguyên không dám manh động

Kỳ 4: Ngoại giao ăn miếng trả miếng sòng phẳng giữa vua Trần Thánh Tông và Hốt Tất Liệt

Kỳ 5: Trần Hưng Đạo cạo đầu lừa sứ giả phương Bắc

Kỳ 6: Ngại Đại Việt, Nguyên Mông xua quân đánh Chiêm Thành​

Kỳ 7: Đại Việt khẳng khái từ chối yêu sách phương Bắc, bảo vệ đồng minh

Kỳ 9: Nhà Nguyên huy động nhiều quân Hán khai chiến với Đại Việt​

Kỳ 10: Vì sao nhà Trần phải hỏi ý kiến nhân dân trước khi đánh Nguyên?​

Kỳ 11: Giặc Nguyên đổ quân như nước lũ, Hưng Đạo vương chia tướng giữ thành

Kỳ 12: 30 vạn quân Đại Việt quyết chiến 50 vạn quân Nguyên tại Vạn Kiếp

Kỳ 13: Tướng Nguyên nướng quân dưới chân thành Thăng Long

Kỳ 14: Quân Nguyên Mông tung đòn gió, Trần Nhật Duật phá thế gọng kìm​

Kể từ khi từ vùng biên giới tiến xuống đồng bằng, đội thủy quân của luôn được Thoát Hoan trọng dụng cho làm mũi tiên phong. Sau khi chiếm được thành Thăng Long, đội chiến thuyền lại tiếp tục nhận nhiệm tiên phong vụ truy kích vua tôi nhà Trần. Chỉ huy thủy quân bấy giờ ngoài Ô Mã Nhi còn có viên Tả thừa Lý Hằng được tăng cường thêm. Theo sau tiếp ứng đội thuyền chiến này là đám kỵ binh thiện chiến dưới quyền chỉ huy của viên Hữu thừa Khoan Triện (Koncak), Vạn hộ Mang Cổ Đải (Mangqudai), Vạn hộ Bột La Cáp Đáp Nhi (Bolqadar)…

Mỗi cánh thủy bộ đều có vài vạn quân. Số quân này là những thành phần tinh nhuệ nhất mà Thoát Hoan có được trong tổng số toàn bộ đội quân sang xâm lược Đại Việt. Tại Thăng Long, Thoát Hoan vẫn đóng một lực lượng lớn làm dự bị. A Lý Hải Nha, tên tướng lão luyện luôn ở bên cạnh chủ soái Thoát Hoan dự trù kế sách. Kỳ thực, A Lý Hải Nha mới chính là bộ óc cho cuộc xâm lược Đại Việt.

Về phía quân ta, sau khi rút đại quân khỏi thành Thăng Long thì Hưng Đạo vương đưa vua Trần Nhân Tông, Thượng hoàng Trần Thánh Tông cùng đầu não triều đình cùng phần lớn lực lượng về phủ Thiên Trường. Vua Trần sai sứ sang trại giặc xin hoãn binh, dẫn An Tư công chúa đến cống cho Thoát Hoan để làm Mỹ Nhân kế, hòng khiến Thoát Hoan chậm trễ việc truy kích.

Hy sinh thân mình làm thê thiếp cho giặc, An Tư công chúa góp phần làm chậm nhịp tấn công của giặc. Cần lưu ý rằng, ngay cả đại quân của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cũng chỉ chặn giặc được hơn 1 ngày tại trận Nội Bàng, 4 ngày tại trận Vạn Kiếp. Trong khi đó, sự truy kích của giặc chỉ cần chậm trễ trong vài giờ đã dẫn đến những khác biệt lớn về chiến lược. Sự hy sinh của An Tư tuy thầm lặng nhưng rất đáng được ghi nhận.

Trên tuyến đường thủy bộ trải dài từ Thăng Long đến Thiên Trường, các chốt phòng thủ vốn đã được bố trí từ trước nay được giao cho những đội quân tinh nhuệ lĩnh nhiệm vụ chặn hậu, kéo giãn thời gian cho đại quân bố trí lại lực lượng.

10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất

1. Trận Đà Mạc:

Chốt chặn thứ nhất do Kiến Đức hầu Trần Bình Trọng phụ trách, trấn giữ bãi Đà Mạc (nay thuộc xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên), một cù lao nằm giữa sông Thiên Mạc (đoạn sông Hồng chảy qua các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình ngày nay). Địa hình nơi này thích hợp cho một thế trận thủy bộ phối hợp. Thời bấy giờ, nơi đây là một khúc sông nhỏ, thuận lợi để lấy ít địch nhiều. Cù lao chia con sông làm hai nhánh, giúp cho quân Đại Việt có thể bố trí thủy quân ở hai cánh và bộ binh đóng ở giữa phối hợp với nhau. Thủy quân Nguyên dù đông hơn nhưng khi kéo tới đây tự nhiên rơi vào thế bị bao vây từ ba hướng. Trần Bình Trọng chỉ có trong tay một ít chiến thuyền và vài ngàn quân, dựa vào địa thế hiểm yếu đã bày ra một trận thế cảm tử để chặn đứng quân giặc.

Quân Nguyên kéo đến Đà Mạc vào khoảng ngày 21.2.1285, thủy quân bị dồn ứa lại. Quân tiên phong nước Nguyên giao chiến với quân Đại Việt hồi lâu không vượt qua được, đánh liên tiếp mấy đợt đều bị Trần Bình Trọng đẩy lui. Trần Bình Trọng đã chặn đứng đoàn truy binh hơn chục vạn quân Nguyên trong quãng thời gian đến 3 – 4 ngày trời, tiêu diệt rất nhiều quân địch. Quân Nguyên hết đợt tấn công này đến đợt tấn công khác không chọc thủng được tuyến phòng thủ tưởng chừng mỏng manh của quân Đại Việt. Chúng vừa tức giận, vừa nể phục tài năng của Trần Bình Trọng và quân sĩ dưới trướng của ông.

Đến ngày 24.2, quân Nguyên dưới trướng Tả thừa Lý Hằng, Hữu thừa Khoan Triện phối hợp thủy bộ cùng đánh. Bấy giờ quân của Trần Bình Trọng thế cô, tên cùn giáo gãy vẫn chiến đấu ngoan cường đến sức cùng lực kiệt, hầu hết đều hy sinh. Kiến Đức hầu bị giặc bắt sống. Chủ tướng giặc là Lý Hằng thấy ông dũng mãnh thiện chiến, sinh lòng thương tiếc anh hùng, bày tiệc chiêu đãi hòng dụ dỗ ông quy hàng. Quân Nguyên khi chinh phạt các nước cũng đã từng chiêu mộ khá nhiều hàng tướng. Trong số các hàng tướng, không ít người đã lập được nhiều chiến công lớn.

Tuy nhiên, lần này bọn giặc đã gặp phải khí phách hiên ngang của một vị tướng kiêu dũng, một người con đất Việt. Trần Bình Trọng tuyệt thực không ăn uống. Quân giặc gạ hỏi việc quân, việc nước nhưng ông đều lặng im không đáp. Tướng giặc lại đem chức tước ra dụ dỗ, hỏi ông: “Có muốn làm vương đất Bắc không?”. Kiến Đức hầu Trần Bình Trọng bèn khẳng khái đáp: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Câu nói mãi đi vào sử sách Việt Nam như một tuyên ngôn lớn về lòng yêu nước, về ý chí kiên cường, bất khuất trước cường bạo. Biết không thể lung lạc được, giặc giết ông vào ngày 26.2.1285.

Tin Trần Bình Trọng tử tiết về đến đại doanh, vua Trần vật vã khóc thương ông, truy phong làm Bảo Nghĩa vương để nêu gương cho các tướng sĩ. Về sau, vua Trần truy phong Trần Bình Trọng tước Đại vương, là tước vị sánh ngang với Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và Chiêu Văn vương Trần Quang Khải nhờ chiến công chặn giặc xuất sắc và ý chí hiên ngang của ông. Sau trận Đà Mạc, quân Nguyên hầu như không còn hy vọng đuổi bắt vua Trần nữa. Về mặt cục bộ, tất nhiên quân Nguyên với lực lượng đông hơn hàng chục lần đã thắng đội quân của Trần Bình Trọng. Nhưng về mặt chiến lược toàn cục, trận Đà Mạc là một chiến thắng quan trọng của Đại Việt.

10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất

2. Trận Hải Thị:

Chốt chặn thứ hai trên sông Hồng là tại ngã ba sông Hải Thị, nơi sông Luộc hợp lưu với sông Hồng (vùng ngã ba sông giáp ranh hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình ngày nay). Tại đây địa thế cũng giống với bãi Đà Mạc nhưng khác biệt là có các cù lao lớn nằm ở giữa sông. Tranh thủ thời gian quân của Trần Bình Trọng cầm chân Lý Hằng, Ô Mã Nhi, Khoan Triệt ở Đà Mạc thì quân Đại Việt trấn giữ tại Hải Thị đã chuẩn bị một cụm cứ điểm phòng ngự mới. Quân ta cắm cọc ngăn sông tại những chỗ ven bờ, làm hẹp thủy lộ của địch. Trên bờ quân Đại Việt đặt bộ binh yểm trợ cho đội chiến thuyền dưới lòng sông.

Ban đầu trong kế hoạch của Hưng Đạo vương, phải cần đến hai chốt chặn hậu mới đảm bảo đủ thời gian cho quan quân Đại Việt tổ chức lại lực lượng sau khi rút lui khỏi Thăng Long, ổn định lại đội ngũ, bố trí thế trận ở Thiên Trường – Trường Yên. Nhưng trong diễn biến thực tế, Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng đã hoàn thành nhiệm vụ quá xuất sắc, giúp cho quãng thời gian của quân đội Đại Việt được kéo dài hơn dự kiến. Chốt phòng ngự tại Hải Thị từ chỗ giữ vai trò phòng thủ chặn hậu, nay trở thành một cứ điểm để đánh tiêu hao lực lượng truy binh của địch.

Có lẽ đã rút được nhiều kinh nghiệm từ trận Đà Mạc, lần này quân Nguyên tổ chức hiệp đồng thủy bộ rất bài bản. Lý Hằng chỉ huy thủy quân, Khoan Triệt chỉ huy bộ binh phối hợp với nhau tấn công dồn dập vào căn cứ. Quân Đại Việt dựa vào địa lợi tiếp tục lối đánh tiêu hao lực lượng quân địch, sau đó dong thuyền rút về Thiên Trường.

Quân Nguyên nhanh chóng vượt qua được Hải Thị nhưng bấy giờ chúng đã mất đi thế truy đuổi. Quân Đại Việt ở căn cứ mới đã ổn định thế trận, với lực lượng phòng thủ tập trung đông hơn hẳn truy binh của Lý Hằng. Tả thừa Lý Hằng, tổng chỉ huy lực lượng quân Nguyên truy đuổi bấy giờ nhận ra trước mặt hắn đang có hàng chục vạn quân Đại Việt vẫn có khá nguyên vẹn bộ khung đang rình rập ở vùng sông nước ven biển. Trong khi đó, lực lượng của Lý Hằng càng đuổi xa, càng hao hụt và mệt mỏi như mũi tên bay hết đà. Lý Hằng vì vậy không dám mạo hiểm tiến vào vùng Thiên Trường – Trường Yên mà trở về hội quân cùng Thoát Hoan. Đó là một quyết định thể hiện sự thận trọng và lão luyện của viên tướng từng dày dặn trận mạc.

Thoát Hoan bấy giờ đang đóng quân ở Thăng Long, có ý chờ đợi Toa Đô từ mặt nam đánh ra để phối hợp. Quân Nguyên ra sức củng cố vùng chiếm đóng, dựng nhiều đồn trại. Vì sao Thoát Hoan không dốc toàn lực tấn công vào Thiên Trường – Trường Yên ngay lập tức? Đó là do những yếu tố khách quan mà bất kỳ đội quân xâm lược nào cũng gặp phải khi chiến đấu dài ngày ở nước ngoài, buộc địch phải tạm dừng cuộc truy kích. Những yếu tố này xin được phân tích kỹ ở kỳ sau.

(còn tiếp)

Quốc Huy

10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất