Quốc hội tiếp tục rút ngắn 3 ngày làm việc

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:55, 24/07/2021

Quốc hội cũng tiến hành họp liên tục vào 2 ngày cuối tuần, thay vì nghỉ Chủ nhật như dự kiến chương trình làm việc thông qua đầu kỳ họp. Như vậy, kỳ họp sẽ bế mạc sớm hơn dự kiến 3 ngày, vào ngày 28.7.

Báo cáo trước Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết hiện nay tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp khó lường. Các cơ quan hữu quan, các bộ ngành, địa phương cần tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Trước tình hình đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ đã chủ động, tích cực, khẩn trương, làm việc cả ngày và đêm, luôn thường trực tại nhà Quốc hội để phối hợp chặt chẽ, trao đổi thống nhất phương án, tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội… để chỉnh lý hoàn thiện đảm bảo các dự thảo nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp trên phạm vi cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh chương trình kỳ họp để lãnh đạo các địa phương có thời gian tập trung chống dịch bệnh.

quoc-hoi.jpg
Quốc hội biểu quyết rút ngắn thời gian họp 

Theo đó, Quốc hội nhất trí giảm 1 ngày thảo luận tại hội trường về đầu tư công, ngân sách tài chính, chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường phiên họp thêm các nội dung họp sau 11 giờ 30 phút buổi trưa và tiếp tục làm việc sau 17 giờ hằng ngày với các nội dung quan trọng về nhân sự và nhiều nội dung quan trọng khác.

Quốc hội cũng tiến hành họp liên tục vào 2 ngày cuối tuần, thay vì nghỉ Chủ nhật như dự kiến chương trình làm việc thông qua đầu kỳ họp. Như vậy, kỳ họp sẽ bế mạc sớm hơn dự kiến 3 ngày, vào ngày 28.7.

Với 95,59% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh ngày làm việc của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15.

Trước đó, tại 474/474 đại biểu quốc hội tán thành với chủ trương điều chỉnh, bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 15 nội dung liên quan đến công tác phòng chống COVID-19.

Quốc hội cũng thống nhất sẽ quyết nghị các giải pháp tăng cường phòng chống dịch COVID-19 trong Nghị quyết chung của kỳ họp thứ nhất nhằm cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện các nhiệm vụ cấp bách liên quan đến công tác phòng chống đại dịch COVID-19 trong điều kiện hiện nay.

Trên tinh thần đó, cuộc họp do Chủ tịch Quốc hội chủ trì sáng 24.7 nghe và cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về các giải pháp này. “Đây là trình tự theo thể thức rất đặc biệt nên chúng ta cũng cần phải có cách thức rất đặc biệt”, Chủ tịch Quốc hội đặt ra yêu cầu.

Sau khi nghe các đại biểu cho ý kiến đối với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội liên quan đến các giải pháp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với phạm vi điều chỉnh trong khuôn khổ công tác phòng chống dịch COVID-19, xác định thời hạn áp dụng cụ thể tới hết năm 2022.

Đối với các nội dung phòng chống dịch mà Chính phủ đề xuất đã được luật quy định thì Quốc hội cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ toàn quyền quyết định. Nếu luật chưa quy định thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động thực hiện thông qua các nghị quyết, quyết định, báo cáo Quốc hội sau. Nếu nội dung khác quy định của luật thì Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các đề nghị của Chính phủ, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Báo cáo tại cuộc họp, Chính phủ đề xuất Quốc hội 6 nội dung, trong đó có việc cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt, thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho công tác phòng, chống dịch bệnh; tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt, địa phương được trung ương hỗ trợ trong trường hợp cần thiết...

Lam Thanh