Vì giả thuyết vi rút rò rỉ từ phòng thí nghiệm, Trung Quốc bác kế hoạch của WHO điều tra nguồn gốc COVID-19 lần 2

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:43, 22/07/2021

Chính phủ Trung Quốc sẽ không tham gia vào giai đoạn hai cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nguồn gốc COVID-19 sau khi khả năng vi rút rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán được đưa vào đề xuất.

Hôm 22.7, ông Tăng Ích Tân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia, nói trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh rằng ông ngạc nhiên khi thấy “rò rỉ vi rút từ phòng thí nghiệm” được liệt kê là một mục tiêu nghiên cứu trong giai đoạn hai cuộc điều tra.

Ông Tăng Ích Tân nói: "Ở một số khía cạnh, kế hoạch điều tra nguồn gốc COVID-19 của WHO trong giai đoạn tiếp theo không tôn trọng lẽ phải và trái với khoa học. Chúng tôi không thể chấp nhận một kế hoạch như vậy".

Tăng Ích Tân cũng xuất hiện để trả lời các tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng một số lao động tại Viện Vi rút học Vũ Hán đã bị bệnh ngay trước khi các trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 đầu tiên được ghi nhận, nói rằng "không có lao động hoặc nhà nghiên cứu nào tại Viện Vi rút học Vũ Hán nào nhiễm coronavirus".

vi-gia-thiet-vi-rut-ro-ri-tu-phong-thi-nghiem-trung-quoc-bac-ke-hoach-dieu-tra-nguon-goc-covid-19-1.jpg
Ông Tăng Ích Tân - Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc

WHO đã công bố báo cáo ban đầu từ cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19 vào tháng 3.2021, trong đó xác định rằng vi rút này có thể bắt nguồn từ động vật trước khi lây lan sang người vào khoảng tháng 12.2019.

Thế nhưng ngày càng nhiều quốc gia phương Tây, bao gồm cả các nhà lãnh đạo G7 (Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Canada), đã đặt câu hỏi về tính kỹ lưỡng của báo cáo ban đầu.

Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ có một cái nhìn mới về nguồn gốc đại dịch Covid-19, lưu ý rằng các nhà quan sát phương Tây vẫn chưa được cấp quyền truy cập vào các phòng thí nghiệm quan trọng để xác định xem "liệu đó có phải là một thử nghiệm trở nên tồi tệ hay không".

Rất ít bằng chứng mới xuất hiện để hỗ trợ giả thuyết rằng vi rút là kết quả của một vụ rò rỉ tình cờ từ Viện Vi rút học Vũ Hán, nơi nghiên cứu về coronavirus được cho đã được tiến hành trên dơi, và nhiều nhà khoa học quen thuộc với nghiên cứu nói rằng một vụ rò rỉ như vậy là không chắc.

Vào tháng 3.2021, một thành viên của nhóm WHO, người đã giúp giám sát cuộc điều tra ban đầu, cho biết giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm Vũ Hán "không nhận được sự chú ý và thực tế như giả thuyết lây truyền qua động vật".

Hôm 15.7, Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tham gia kêu gọi Trung Quốc hợp tác toàn diện hơn với cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 thứ hai. Ông cho biết cuộc điều tra đầu tiên đã bị cản trở do thiếu dữ liệu thô vào những ngày đầu của đại dịch.

"Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc minh bạch và cởi mở và hợp tác. Chúng tôi nợ hàng triệu người phải chịu đựng và hàng triệu người chết để biết điều gì đã xảy ra", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một cuộc họp báo.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Triệu Lập Kiên ngày 16.7 cho biết chính phủ đã hợp tác toàn diện với cuộc điều tra ban đầu và bác bỏ cáo buộc rằng các nhà nghiên cứu đã bị từ chối tiếp cận bất kỳ địa điểm hoặc dữ liệu nào.

"Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề truy xuất nguồn gốc toàn cầu là nhất quán và rõ ràng. Nghiên cứu nguồn gốc là một vấn đề khoa học. Tất cả các bên nên tôn trọng ý kiến ​​của các nhà khoa học và kết luận khoa học, thay vì chính trị hóa vấn đề", ông Triệu Lập Kiên nói.

Bất chấp báo cáo đầu tiên của WHO từ Vũ Hán kết luận rằng COVID-19 có khả năng lây truyền sang người từ động vật, cơ quan Liên Hợp Quốc này hiện cho biết nỗ lực loại trừ giả thuyết vi rút này thoát khỏi phòng thí nghiệm của chính phủ Trung Quốc là "quá sớm".

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) muốn mở cuộc điều tra thứ hai về nguồn gốc COVID ở Trung Quốc, bao gồm cả việc kiểm tra các phòng thí nghiệm tại thành phố Vũ Hán.

Động thái này xảy ra sau khi Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết đã có một "sự thúc đẩy quá sớm" để loại trừ giả thuyết vi rút đã thoát khỏi một phòng thí nghiệm của chính phủ Trung Quốc tại Vũ Hán, nơi những ca COVID-19 đầu tiên ở người được phát hiện vào cuối năm 2019.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus hiện đã trình bày các đề xuất cho giai đoạn hai của nghiên cứu ở Trung Quốc, bao gồm cả cuộc kiểm tra các phòng thí nghiệm. 

Tuy nhiên như đã nêu trên, Trung Quốc sẽ không chấp nhận cuộc điều tra quốc tế khác.

Nhân Hoàng