An Giang: Chốt chặn gắt gao, thương lái bó chân, nông dân than trời
Sự kiện - Ngày đăng : 07:05, 20/07/2021
Giãn cách xã hội, chốt chặn, thương lái, cò bỏ chạy nông dân than trời
Tối 19.7, một số máy di động 0986594xxx gọi đến PV Một Thế Giới giới thiệu là Trần Thanh Danh (38 tuổi, ngụ P.Mỹ Hòa, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) - hiện là nông dân đang canh tác 25 công đất trong vụ lúa hè thu ở xã Vĩnh Phú, H.Thoại Sơn. Anh Danh than thở với người viết bài là đang trong tình trạng "cò" và thương lái không đến được để dằn cọc hay thu mua lúa của mình.
Anh Danh cho biết, hiện còn 10 ngày nữa là đến thời điểm thu hoạch 25 công lúa hè thu, những ngày qua, anh có nhờ “cò” địa phương hỏi dùm thì thông báo thu mua với giá 4.900 đồng/kg. Nhưng do giãn cách xã hội nên anh không vào ruộng lúa của mình được (vì nếu vào phải làm giấy tờ lu bu để qua các chốt chặn - PV). Vì vậy, anh có nhờ người bạn ở trong xã Vĩnh Phú hỏi “cò” dùm. Sáng nay, bạn anh báo là “cò” bỏ chạy hết rồi và không thu mua.
Anh Danh cho biết thêm, việc giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tất cả địa phương đều đóng chốt kiểm soát dịch gắt gao nên "cò" và thương lái không lưu thông và mua được. Người dân nào bán được lúa thời điểm này là “hên” lắm!.
“Theo tui biết, thì cánh bên Vĩnh Nhuận, H.Châu Thành nông dân được thương lái thu mua và ra giá 5.100 đồng/kg. Còn Vĩnh Phú thì bị chốt chặn nên thương lái không vào được thì giá lúa đang giảm sâu. Đợt vừa rồi trước dịch nông dân trúng lớn, giá lúa cao, kì này bị đợt giãn cách, chốt thì chặn gắt gao, kho phân thì không bán thuốc bảo vệ thực vật, thêm lúa bị rầy, thương lái không mua, tui chỉ còn biết đứng nhìn và than “trời sao không ngó xuống”, chứ biết làm sao bây giờ”, anh Danh than thở.
Cũng theo anh Danh, chỉ mong chính quyền tạo điều kiện cho “cò”, thương lái thông chốt (mần giấy tờ từ địa phương này đến địa phương kia mua lúa” để thu mua thuận lợi, đồng thời tạo điều kiện cho các ghe các tỉnh khác qua thu mua và tăng giá lúa lên chứ hiện giờ chỉ từ 4.900 đồng/kg đến 5.100 đồng/kg, thì mùa vụ tới nông dân không biết sống ra sao.
Địa phương đang kiểm soát và liên tục hỗ trợ hằng ngày cho nông dân trong việc thu mua lúa
Để trao đổi rõ hơn về tình hình hỗ trợ tiêu thụ lúa trên địa bàn tỉnh An Giang, ông Trương Kiến Thọ - Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết, hiện nay tình hình kết nối ngày càng tốt giữa thương lái và doanh nghiệp thu mua. Cái khó hiện nay là khâu vận chuyển từ địa phương lên trên các thị trường lớn TP.HCM
“Khâu vận chuyển thì phải có tài xế mà tài xế đến An Giang hoặc ra ngoài tỉnh phải test PCR âm tính mới được địa phương cho vào. Còn vấn đề “ứ đọng” lúa ở đâu? Nếu báo chí phản ánh, ngành sẽ cử người kiểm tra và thực hiện liền. Như anh thấy, trong tuần qua tại các H.Châu Thành, Thoại Sơn, ngành đã xử lý những tình trạng “ùn ứ” lúa của bà con rất kịp thời”, ông Thọ nói.
Ông Thọ cho biết thêm, việc kết nối hỗ trợ thu mua lúa và công tác bố trí lực lượng phòng chống dịch thì do Ban chỉ đạo của tỉnh và Ban chỉ đạo của từng địa phương đã có hướng dẫn chi tiết cụ thể và lên phương án rồi. Còn ngành nông nghiệp chỉ ưu tiên cho thu hoạch lúa, và yêu cầu các địa phương chủ động đội ngũ đầy đủ không để thiếu. Những địa phương còn thiếu như H.Tịnh Biên, Tri Tôn thì ngành cũng cho phương án phối hợp với các huyện lân cận để điều phối việc thu hoạch này.
“Đến thời điểm này tình hình thu hoạch lúa ngành nông nghiệp đã và đang rất chủ động, ngành chỉ lo khâu vận chuyển lúa từ địa bàn An Giang ra ngoài thôi!. Hiện nay chỉ có Tập đoàn Lộc Trời có khả năng đảm đương khoảng 25% việc thu mua lúa và vận chuyển. Còn về hai văn bản của Bộ Y tế và Bộ GT-VT hướng dẫn theo tôi thấy đã khả quan nhiều, còn về nông sản ngành cũng đang kết nối với các doanh nghiệp thu mua từ TP.HCM.
Nói chung khó thì khó nhưng hiện tỉnh cũng đang kiểm soát được và cũng đang liên tục hỗ trợ hằng ngày cho người dân. Tâm đắc của tôi là các địa phương cùng các Sở Công Thương và Sở NN-PTNT tỉnh phối hợp nhịp nhàng, điều phối hỗ trợ nhau rất kịp thời, từ đó tạo hướng vận chuyển lúa gạo từ các vùng thu hoạch trong tỉnh, lân cận được thuận lợi trôi chảy”, ông Thọ nhận định.
Tỉnh ban hành kế hoạch và Bộ Y tế ra văn bản hỏa tốc việc xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển.
Trước đó, vào ngày 18.7, UBND tỉnh An Giang ban hành kế hoạch về việc tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong tình hình dịch COVID-19.
UBND tỉnh An Giang yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung hỗ trợ nông dân thu hoạch, tiêu thụ các loại nông sản, như: lúa, gạo, nếp, rau màu, cây ăn trái và đảm bảo tiến độ thu hoạch, tiêu thụ hoàn toàn trong điều kiện toàn tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo UBND tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, mua bán, vận chuyển nông sản hàng hóa đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận, kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, chợ, điểm bán nông sản trong và ngoài nước. Tổ chức thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, không để chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản bị đứt gãy, trong đó tập trung các sản phẩm lúa, gạo, nếp, rau màu, cây ăn trái…Mời gọi các chợ đầu mối toàn quốc, các đối tác tiêu thụ lớn, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm đến tỉnh khảo sát, liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ các mặt hàng nông sản…
Và ngày 19.7, ông Đỗ Xuân Tuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế vừa ký văn bản hỏa tốc số 5753/ BYT-MT về việc xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an, Bộ GT-VT, Bộ Công thương, Trung ương Đoàn thanh niên, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo: không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm Sars-Cov-2 đối với người điều khiển xe và vận chuyển hàng hóa (lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc xếp, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe) chỉ lưu thông trong phạm vi nội bộ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 hoặc bổ sung các biện pháp ở mức cao hơn so với Chỉ thị 16.
Trong trường hợp người điều khiển xe, vận chuyển hàng hóa lưu thông từ khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16, khu vực phong tỏa sang khu vực liền kề đang áp dụng cấp độ phòng chống dịch bệnh thấp hơn, phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Sars-Cov-2 ( theo phương pháp PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu). Yêu cầu người điều khiển xe hạn chế dừng đỗ, hạn chế tiếp xúc với người khác, điều khiển xe đúng lộ trình vận chuyển, ghi chép hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp tiếp xúc và phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển, sử dụng trang phục phòng chống dịch tron quá trình bốc dỡ hàng hóa nếu cần thiết, sát khuẩn tay thường xuyên, khử khuẩn xe hằng ngày.
Bộ Y tế cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công an, Bộ GT-VT, Bộ Công thương và Trung ương Đoàn thanh niên chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan, công an địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và y tế địa phương bố trí các địa điểm đừng nghỉ để tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Sars-Cov-2 thuận lợi (xét nghiệm miễn phí cho người điều khiển xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh đã được cơ quan có thẫm quyền cấp thẻ nhận diện ưu tiên luồng xanh trên các tuyến giao thông, có mã QR code).
Các đơn vị nhà nước từ cấp xã, trở lên hoặc các cơ sở y tế (kể cả tư nhân) được phép thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm Sars-Cov-2 cho người điều khiển xe vận chuyển hàng hóa.
Bộ Y tế yêu cầu Bộ GT-VT tổ chức phân luồng giao thông, điều phối các điểm dừng nghỉ đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, có thể bổ sung các điểm khi cần thiết và kiểm tra, giám sát thực hiện đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, tránh tình trạng ùn ứ xe trên cung đường.