'Kháng thể tồn tại đến 9 tháng ở người khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19'
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:26, 19/07/2021
Theo nghiên cứu mang tính bước ngoặt đã kiểm tra gần như toàn bộ một thị trấn nhỏ của Ý, các kháng thể ở người mắc COVID-19 khỏi bệnh vẫn còn cao, thậm chí 9 tháng sau khi nhiễm vi rút.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications, tập trung vào thị trấn Vo, nơi trở thành tâm dịch đất nước vào tháng 2.2020 khi ghi nhận cái chết đầu tiên do COVID-19 của người Ý.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Padua và Đại học Hoàng gia London đã kiểm tra hơn 85% trong số 3.000 cư dân của thị trấn Vo về kháng thể chống lại COVID-19.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 98,8% những người đã nhiễm SARS-CoV-2 khỏi bệnh trong đợt đại dịch đầu tiên vẫn còn kháng thể có thể phát hiện được 9 tháng sau đó, bất kể bệnh của họ có triệu chứng hay không.
Mức độ kháng thể của cư dân được theo dõi bằng cách sử dụng ba xét nghiệm khác nhau, hoặc xét nghiệm phát hiện các loại kháng thể riêng biệt đáp ứng với các phần khác nhau của vi rút.
Kết quả cho thấy rằng tất cả các mức kháng thể đều giảm sau khi cơ thể vượt qua nhiễm trùng, nhưng tốc độ suy giảm là khác nhau tùy thuộc vào xét nghiệm được thử nghiệm.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện mức độ kháng thể tăng lên ở một số cư dân, gợi ý khả năng tái nhiễm vi rút đã giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
Tiến sĩ Ilaria Dorigatti từ Đại học Hoàng gia London, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy mức độ kháng thể giữa nhiễm trùng có triệu chứng và không triệu chứng khác nhau đáng kể, cho thấy sức mạnh của phản ứng miễn dịch không phụ thuộc vào các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mức độ kháng thể thay đổi, đôi khi rõ rệt, tùy thuộc vào xét nghiệm được sử dụng. Điều này có nghĩa là cần thận trọng khi so sánh các ước tính về mức độ nhiễm trùng trong một quần thể thu được ở các vùng khác nhau trên thế giới với các xét nghiệm khác nhau và tại các thời điểm khác nhau".
Nhóm nghiên cứu cũng điều tra cách thức lây nhiễm sang các thành viên trong gia đình và phát hiện ra rằng có 25% khả năng vi rút được truyền theo kiểu này.
Đáng ngạc nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy rằng phần lớn trường hợp lây truyền (79%) là do 20% các ca mắc COVID-19.
"Sự khác biệt lớn về cách một người nhiễm bệnh có thể lây nhiễm sang những người khác trong quần thể cho thấy các yếu tố hành vi là chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh và giãn cách vật lý cũng như hạn chế số lần tiếp xúc, đeo khẩu trang vẫn quan trọng để giảm nguy cơ mắc COVID-19 và có thể truyền bệnh, ngay cả ở những quần thể được tiêm chủng cao”, các nhà nghiên cứu cho biết thêm.
Một khía cạnh khác của nghiên cứu là phân tích hai chiến dịch xét nghiệm PCR hàng loạt được thực hiện vào tháng 2 và tháng 3, cũng như các cuộc khảo sát về kháng thể vào tháng 5 và tháng 11, cho phép họ phân tích tác động của các biện pháp kiểm soát khác nhau.
Dữ liệu này cho thấy rằng, nếu không có trường hợp cách ly và phong tỏa ngắn, chỉ theo dõi tiếp xúc thủ công sẽ không đủ để ngăn chặn dịch bệnh.
Giáo sư Andrea Crisanti, Trưởng dự án từ Đại học Padua, nói: "Nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra rằng theo dõi tiếp xúc thủ công - tìm kiếm những cá nhân dương tính với COVID-19 trên cơ sở những liên hệ đã biết và khai báo - sẽ có tác động hạn chế đến việc ngăn chặn dịch bệnh , nếu nó không đi kèm với cuộc sàng lọc hàng loạt".
Tiến sĩ Ilaria Dorigatti nói thêm: "Rõ ràng là dịch bệnh vẫn chưa kết thúc ở Ý cũng như nước ngoài. Về phía trước, tôi nghĩ rằng điều quan trọng cơ bản là tiếp tục sử dụng liều vắc xin thứ nhất và thứ hai cũng như tăng cường giám sát, bao gồm cả truy tìm tiếp xúc. Khuyến khích sự thận trọng và hạn chế rủi ro nhiễm SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục là điều cần thiết".