Ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:58, 19/07/2021

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, do đó cần phải có cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.

nong-nghiep.gif
Ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết do yêu cầu sản xuất nông nghiệp hiện nay đang phát sinh một số yếu tố và yêu cầu mới nên cần thiết phải xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.

Cụ thể, giá thịt heo hiện nay của nước ta tăng cao (gấp 4 - 5 lần giá tại Mỹ. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá thịt heo nạc tại Chicago giao kỳ hạn tháng 7.2020 giao dịch ở mức 45,18 UScent/lb, tương đương 23.195 đồng/kg).

Do vậy, cần bổ sung loại thực phẩm này và một số loại gia súc khác vào chính sách hỗ trợ để khôi phục, đẩy mạnh sự phát triển của ngành chăn nuôi gia súc, tạo cạnh tranh bình đẳng, đưa giá thành sản phẩm gia súc về mặt bằng hợp lý.

Bộ cũng cho rằng dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, chế biến nông lâm sản, do đó cần phải có cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất.

Hơn nữa, Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam đã bắt đầu có hiệu lực, tạo ra sân chơi mới, cơ hội mới, thách thức mới cho nông sản Việt Nam, nhất là nông sản hữu cơ và nông sản hiệu quả cao.

Theo đó cần có chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp để đảm bảo có thể chủ động, đủ khả năng hòa nhập khi các hiệp định thương mại dự do EVFTA được thực thi.

Ngoài ra, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, cơ chế hỗ trợ trong Nghị định 57/2018/NĐ-CP còn chưa thật rõ ràng, nên khi thực hiện còn lúng túng. Việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ đất nông nghiệp, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn khó thực hiện do khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ...

Do vậy, việc xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP là thực sự cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản tại khu vực nông thôn.

Mục tiêu là tập trung rà soát, sửa đổi các nội dung tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP đảm bảo phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với các luật, đặc biệt là các luật mới được ban hành là Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp tập trung vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp theo quy định tại điều 16 Luật Đầu tư năm 2020 gồm “Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng; làm muối; khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học”.

Theo dự thảo, các chính sách ưu đãi và hỗ trợ gồm miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước.

Cụ thể, doanh nghiệp thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước để thực hiện dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thì được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước hai phần ba (2/3) thời gian thuê, tính từ ngày Nhà nước có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước.

Doanh nghiệp thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước để thực hiện dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư thì được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước một phần hai (1/2) thời gian thuê, tính từ ngày Nhà nước có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước.

Về hỗ trợ tập trung đất đai: Doanh nghiệp thuê, thuê lại đất, mặt nước của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thì được Nhà nước hỗ trợ tối đa 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước 5 năm đầu tiên kể từ khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động.

Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, chế biến nông sản được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu như sau: Mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha, không quá 40% tổng mức đầu tư dự án, tối đa 10 tỉ đồng/dự án.

Đối với hỗ trợ tín dụng đầu tư, dự thảo quy định, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại để thực hiện dự án như sau: Mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước, tính trên số vốn vay dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hỗ trợ.

Thời gian hỗ trợ lãi suất kể từ thời điểm đề nghị hỗ trợ: Tối đa 9 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, tối đa 7 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và tối đa 5 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư. Hạn mức hỗ trợ lãi suất không quá 70% tổng vốn vay của dự án…

Về nguồn vốn thực hiện, phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước theo từng thời kỳ và hằng năm; năng lực của các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh nông nghiệp tại khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, để có căn cứ cho các bộ, địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công, dự toán chi từ ngân sách nhà nước dự kiến giữ quy định mức 5% vốn chi cho ngành nông nghiệp, nông thôn hằng năm như tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.

Theo đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cân đối bố trí nguồn vốn từ ngân sách trung ương dự kiến cho thực hiện Nghị định trong giai đoạn 2021-2025 để đảm bảo tính khả thi của nghị định; làm cơ sở để các địa phương đối ứng nguồn vốn địa phương để thực hiện nghị định.

Lam Thanh