Chuyện quan lại tham nhũng bán thông tin cơ mật cho phương Bắc

Giáo dục - Ngày đăng : 07:43, 17/07/2016

Tuyên phủ sứ Nguyễn Tông Trụ nhận riêng đồ lễ của quan nhà Minh tiết lộ việc Lê Thái Tổ vì nghe lời gièm pha mà giết hại các công thần Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo cho viên quan Lã Hồi của Long Châu biết.
Vua Lê Tương Dực

Các kỳ trước

Kỳ 1: Nạn tham nhũng ở nước Việt được ghi chép từ thời Hùng vương

Kỳ 2: Các quan thái thú tham nhũng hút máu người dân Việt

Kỳ 3: Nhà Lý oai hùng thắng Tống nhưng lại chịu thua trước sâu mọt

Kỳ 4: Vua siêng ăn chơi nhưng lại đòi mạnh tay chống quan tham nhũng​

Kỳ 5: Tham nhũng nhà Trần và chuyện vua Minh Tông xử chết cha vợ

Kỳ 6: Nhà Trần đánh quan tham nhũng bằng gậy để bêu nhục​

Là triều đại tạo được ấn tượng tốt đối với hậu thế bởi những thành tựu đạt được trên nhiều mặt. Nhưng nạn tham nhũng vẫn hiện diện và là một “ung nhọt” nguy hiểm mà các vị vua nhà Lê sơ (1428 - 1527) tìm mọi biện pháp để khắc chế, diệt trừ.
Nạn tham nhũng thời Lê sơ bắt đầu manh nha thời vua đầu triều Lê Thái Tổ và khởi phát từ thời vua Lê Thái Tông trở về sau, dần hiển hiện rõ nét vào thời hậu kỳ của nhà Lê sơ, tương ứng với thời vua Lê Uy Mục và các đời vua sau. Tức là khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ XVI.
Trong 100 năm tồn tại của nhà Lê sơ, sử cũ ghi lại khoảng hơn 30 vụ việc lớn nhỏ liên quan tới tham nhũng, hối lộ của quan lại, tôn thất nhà Lê sơ. Hơn 30 vụ án hay việc liên quan đến tham nhũng, hối lộ thuộc về 40 năm đầu thời Lê sơ. Thời trị vì của vua Lê Thái Tổ (1428 - 1433) ghi nhận có vụ tham nhũng của Cầm Quý dựa vào hành động cát cứ. Toàn thư có ghi: “Quý là người tham lam, tàn bạo, cấm dân không được trồng trọt tranh với mình, xây dựng cung thất lớn, lấy đồng làm cột, vợ cả vợ lẽ phải kể hàng trăm, bắt dân đóng góp nặng, nói láo là để nộp cống, nhưng thực ra là vơ vét hết về mình. Thái Tổ định giết hắn, nhưng vì bấy giờ còn đương có việc, nên chưa rảnh tính đến”.
Vụ án tham nhũng cuối cùng được sử chép trong 40 năm đầu thời Lê sơ là vụ án của nội quan Phan Tông Trinh cùng đồng bọn xảy ra tháng 11 năm Mậu Tý (1468) thời vua Lê Thánh Tông. Những nội thần gồm Nguyễn Thư, Chu Đức Đại, Dương Minh Phong, Ngô Át và Phan Tông Trinh hầu cận trong cung vua, nhưng nhiều lần ăn hối lộ, bị phát giác và khép vào tội chết. Sau đó vua Lê Thánh Tông xem xét và có mức xử cụ thể cho từng người.
Trong khoảng 30 vụ tham nhũng, hối lộ sử cũ ghi chép lại, thì chủ yếu là những vụ xảy ra với quan lại trong triều. Ở cấp địa phương được ghi chép ít hơn nhưng không phải là không có. Điển hình là sự kiện năm Ất Mão (1435) được Việt sử cương mục tiết yếu ghi lại, vua Lê Thái Tông cho người đi khắp cả nước bí mật điều tra, bắt và xét hỏi tới 53 kẻ tham quan ô lại bao gồm những Tuyên phủ, Chuyển vận, Tuần sát các lộ, trấn, huyện.
60 năm cuối nhà Lê sơ từ niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497) của vua Lê Thánh Tông cho đến thời vua Lê Cung Hoàng (1522 - 1527), chính sử không ghi rõ số vụ, việc tham nhũng, nhưng chắc chắn tình trạng tham nhũng đã gia tăng và tính chất ngày càng trầm trọng. Bởi, với một Lê Uy Mục dùng ngoại thích tạo điều kiện cho những kẻ bất tài như Thừa Nghiệp vốn là kẻ chăn trâu mà coi phủ Tôn nhân, Tử Mô làm nghề bán cá lại trông quân Túc vệ… Một Lê Tương Dực về cuối thời trị vì chăm lo việc thổ mộc, bòn rút sức lực, tiền tài của dân xây điện trăm nóc, Cửu trùng đài… Vua Lê Chiêu Tông (1516 - 1522) và Lê Cung Hoàng tài năng hạn chế, không có thực quyền trị nước, chắc chắn tham nhũng, hối lộ càng có cơ hội để phát triển nhiều hơn khi mà trên không ngay, dưới ắt chẳng thẳng. Ngay như vua Lê Hiến Tông nối nghiệp vua Lê Thánh Tông trị nước cũng được xem là sáng suốt thế, còn phải tỏ ra lo lắng với nạn tham nhũng ở thời trị vì của mình thì lấy gì làm hi vọng sự công bằng, thanh sạch ở những vị vua đức kém, tài hèn về sau.
Đánh giá về “phong độ sĩ phu” thời Lê sơ mà Lê Quý Đôn gọi là Tiền Lê, qua đó thể hiện một phần hiện trạng xã hội, trong Kiến văn tiểu lục, ông cho rằng: “Từ năm Đoan Khánh (niên hiệu của Lê Uy Mục – Người dẫn) trở về sau, lời bàn luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh mỗi ngày một thịnh, người có chức vị ít giữ được phong độ thanh liêm nhún nhường, trong triều đình không nghe có lời can gián, gặp có việc thì rụt rè cẩu thả, thấy lúc nguy thì bán nước để toàn thân, dầu người gọi là bậc danh nho, cũng đều yên tâm nhận sủng vinh phi nghĩa, rồi nào thơ ca nào trao đổi, khoe khoang tán tụng lẫn nhau, tập tục sĩ phu thối nát đến thế là cùng, tệ hại biến đổi lần này không thể nào nói cho xiết được”.
Có nhiều vụ tham nhũng liên đới trực tiếp tới nhiều công thần, đại thần. Tiêu biểu trong những trường hợp tham nhũng đó có Thái phó Lê Văn Linh cho người làm quan để nhận hối lộ riêng vào đời Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông; Thái úy Lê Thụ sắm lễ cưới cho con trai là Lê Quát năm Mậu Thìn (1448) bằng cách nhận lễ vật của quan lại cấp dưới, nên mới gây nên cảnh còn chứng cứ ở Khâm định Việt sử thông giám cương mục: “những kẻ bon chen xu phụ đua nhau đem lễ đến dâng”… “Các trấn, các lộ nhân đó bắt dân đóng góp cung ứng để mua lòng Lê Thụ”…
Những đại thần ở chức vụ Thái phó, Thái úy như trên, theo Lê triều quan chế đều là những chức giữ trọng trách cao nhất trong hàng ngũ đại thần thời Lê sơ. Trong khi ấy, Đô đốc thuộc hàng Chánh nhất phẩm, còn Thượng thư sáu bộ thuộc hàng Tòng nhị phẩm, đều là những phẩm hàm cao trong hàng cửu phẩm thời Lê sơ. Việc lợi dụng chức vụ để tham nhũng của những viên đại thần không chỉ diễn ra một lần là dứt. Sũ cũ còn chép việc Nguyễn Nhữ Soạn phạm tội tham ô đến ba lần, hay Lê Thụ đều ít nhất hai lần tham nhũng năm Giáp Dần (1434) khi là Tổng quản tiền quân và năm Mậu Thìn (1448) khi là Thái úy. Thậm chí như cha con công thần Nguyễn Xí còn đều cùng nhau phạm tội tham ô.
Các vụ tham nhũng thời Lê sơ đa phần lợi dụng chức vụ để vơ vét của công hoặc nhận quà, tiền biếu xén của cá nhân với mục đích kinh tế là chính hòng làm giàu cho bản thân. Những trường hợp của Tổng quản lộ An Bang Nguyễn Tông Từ cùng Đồng tổng quản Lê Dao bán trộm hàng hóa, chiếm riêng mỗi người 100 quan tiền năm Giáp Dần (1434), hay Chuyển vận sứ Nguyễn Liêm của huyện Thủy Đường (thuộc Hải Dương) nhận hối lộ hai tấm lụa năm Ất Mão (1435)… không phải là việc hiếm. Hoặc các viên quan lợi dụng việc công mà làm việc tư. Thế nên mới có sự thể là Kim ngô vệ đồng tổng tri Lê Quát sai 70 tên lính làm thuyền riêng, phí tổn tới 18 quan tiền của quân đội vào năm Bính Tý (1456).
Hiện tượng tham nhũng rất nguy hại còn hiện diện trong lĩnh vực ngoại giao, thể hiện ở trường hợp đầu năm Giáp Dần (1434), Tuyên phủ sứ Nguyễn Tông Trụ trong chuyến đi sứ sang nhà Minh cầu phong cho vua Lê Thái Tông không giữ được thể diện của kẻ đại diện nhà nước. Ngược lại, y còn nhận riêng đồ lễ của quan nhà Minh ở đất Long Châu (thuộc tỉnh Quảng Tây) rồi tiết lộ việc Lê Thái Tổ vì nghe lời gièm pha mà giết hại các công thần Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo cho viên quan Lã Hồi của Long Châu biết. Không chỉ phạm tội lợi dụng vị trí sứ thần để tư túi riêng cho bản thân ở nước người, Tông Trụ còn phạm cả tội làm lộ bí mật quốc gia.
Cũng trong lĩnh vực ngoại giao, sử còn ghi lại việc nhiều viên quan to thời vua Lê Nhân Tông gồm: Tư khấu Lê Khắc Phục, Tả hữu nạp ngôn Nguyễn Mộng Tuân, Hữu ty thị lang Đào Công Soạn, Trung thừa Hà Lật (thuộc Ngự sử đài), Tây đạo tham tri Nguyễn Thúc Huệ, Thẩm hình viện phó sứ Trịnh Mân, Nội mật viện tham tri Lê Văn năm Mậu Thìn (1448) được triều đình giao trọng trách lên biên giới miền Đông đạo để hiệp đồng xem xét tình hình biên giới với các quan trấn thủ Quảng Đông của nhà Minh. Khi đi, các viên quan được ban cho tiền theo thứ bậc. Nhưng khi việc hiệp đồng hai bên không diễn ra, những viên quan đại diện nhà nước thay vì trả lại tiền cho triều đình, lại lấy tiền được ban mua hàng hóa của Trung Hoa rồi về.
Trần Đình Ba (trích từ tác phẩm Nhà Lê sơ (1428 - 1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân, mọt nước”)