Ngày đầu giãn cách TP.HCM: Thực phẩm đầy ắp siêu thị, giá tăng nhẹ
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:11, 09/07/2021
Sáng 9.7, nhiều siêu thị tại TP.HCM không còn cảnh người dân chen nhau để mua thực phẩm và xếp hàng dài chờ thanh toán như các ngày trước đó. Hàng hóa, thực phẩm các loại từ đồ khô như mì, bún, gạo… đến các thực phẩm tươi sống như thịt cá, hải sản, rau tươi, trái cây cũng đầy ắp các quầy, kệ.
So với ngày hôm qua, sáng nay 9.7 giá nhiều loại thực phẩm đã ổn định, không còn tình trạng tăng giá đột biến. Tuy nhiên, một số loại rau xanh cũng tăng nhẹ do khó khăn trong việc vận chuyển.
Tại hệ thống siêu thị Co.opMart, Co.opXtra, Co.opFood..., đại diện chuỗi bán lẻ này cho biết những ngày qua, do nhu cầu mua sắm tăng mạnh nên nhiều kệ thiếu một số mặt hàng. Thế nhưng, sự thiếu này mang tính cục bộ, hàng hóa sẽ được lấp đầy sau đó. Người dân cứ yên tâm, không nên hoang mang hay lo thiếu hàng.
Hiện nay, doanh nghiệp này đã trữ 12 nhóm hàng thiết yếu, bình ổn và thực hiện lưu trữ duy trì cả năm, không thay đổi giá. Lượng dự trữ có thể cung ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân thành phố từ 1-3 tháng.
Trước đó, thông tin TP.HCM giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 trong 15 ngày để phòng chống dịch COVID-19 khiến người dân đã dồn về các chợ, siêu thị để mua hàng do tâm lý lo lắng nguồn cung sẽ thiếu.
So với các lần giãn cách trước, tâm lý người dân TP.HCM đợt này có phần lo lắng hơn do cả 3 chợ đầu mối tại TP.HCM là chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức - nơi cung ứng khoảng 70% hàng hóa các loại cho thành phố đều đang tạm ngưng hoạt động. Song song đó, hơn một nửa số chợ truyền thống tại TP.HCM cũng đang tạm đóng để phòng dịch.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định việc 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động không có nghĩa là hàng hóa sẽ không được về TP.HCM, mà chỉ là thay đổi cách mua bán. Từ trước đến nay, hàng từ các tỉnh sẽ tập trung về chợ đầu mối sau đó phân phối về các chợ truyền thống thì hiện nay, hàng sẽ được đưa trực tiếp về chợ truyền thống và các điểm bán lẻ tại TP.HCM.
Về việc này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã giao Sở Công Thương tổ chức các tiểu thương và thương nhân tại 3 chợ đầu mối tổ chức tiếp nhận hàng hóa thông qua các điểm trung gian, trung bình một ngày đêm tiếp nhận khoảng 4.000 - 5.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống. Đây cũng là sản lượng trung bình khoảng một tuần trở lại đây của các chợ đầu mối, kể từ khi chợ đầu mối Hóc Môn ngưng hoạt động. Như vậy, về cơ bản việc các chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động nhưng hàng hóa vẫn sẽ về TP.HCM.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã yêu cầu tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại, chủ lực là các hệ thống phân phối lớn như SaigonCo.op, Satra, Bách Hóa Xanh… Đồng thời, thành phố gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 - 150.000 tấn/tháng, kích hoạt chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng đủ hàng và đúng giá cho người dân.
Theo thống kê của ngành công thương, hiện TP.HCM có 106 siêu thị, 124 chợ truyền thống đang hoạt động, hơn 2.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và 28.000 điểm bán hàng của các địa phương. Để tạo thuận lợi cho người dân mua sắm trong những ngày giãn cách xã hội, mới đây, Sở Công Thương cũng đã công bố danh sách 2.833 điểm bán hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm trên toàn thành phố, cập nhật theo từng quận huyện, phường xã và thông tin liên lạc để đặt hàng trực tuyến các điểm bán này.
"Với năng lực dự trữ và cung ứng của các hệ thống phân phối, các doanh nghiệp bình ổn thị trường, thành phố đủ lượng hàng cung ứng và các điểm bán phân phối hàng hóa, đảm bảo duy trì ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân", ông Phong nói.
Lãnh đạo TP.HCM cũng đề nghị người dân không tập trung đông người mua sắm tích trữ hàng hóa, không đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, mà hãy cùng đồng hành trách nhiệm với thành phố để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.