Do đâu Nga, Trung hụt bước trong ngoại giao vắc xin COVID-19?

Góc nhìn - Ngày đăng : 11:15, 06/07/2021

Chỉ vài tháng ngắn ngủi với sự lan tràn của biến thể Delta, cuộc đua ngoại giao vắc xin COVID-19 chứng kiến Mỹ bứt phá ngoạn mục.

Trung Quốc và Nga trong khoảng thời gian trước tháng 4 triển khai mạnh mẽ chiến lược bán hoặc viện trợ vắc xin cho hàng loạt quốc gia, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng phê duyệt sử dụng khẩn cấp 2 loại vắc xin Sinopharm cùng Sinovac do Trung Quốc sản xuất. Loạt diễn biến này được đánh giá giúp Bắc Kinh, Moscow tăng cường nhiều mối quan hệ qua đó mở rộng ảnh hưởng toàn cầu – khiến giới chức Mỹ đặc biệt lo ngại.

Tuy nhiên báo The New York Times cuối tháng 6 chỉ ra một tình trạng cực kỳ đáng lo: hơn 90 nước triển khai tiêm chủng vắc xin Trung Quốc sản xuất đều đang hứng chịu những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng.

Seychelles, Chile, Bahrain, Mông Cổ đều sử dụng vắc xin Trung Quốc sản xuất, 50 - 68% dân số đã được tiêm đầy đủ (cao hơn Mỹ) nhưng lại thuộc nhóm nước có tình hình COVID-19 diễn biến tồi tệ nhất gần đây. Theo nhà vi rút học Kim Đông Nhạn thuộc đại học Hồng Kông: “Nếu vắc xin đủ tốt thì không thể nào xảy ra tình trạng như vậy. Phía Trung Quốc phải chịu trách nhiệm giúp đỡ khắc phục”.

sundaytimes_prod_web_bin_1f967d92-bafb-11eb-88a0-2b24633e3d76.jpg
Seychelles triển khai tiêm vắc xin Sinopharm rất nhanh chóng - Ảnh: The Sunday Times

Sputnik V do Nga sản xuất chưa được WHO phê duyệt sử dụng toàn cầu, nhưng Moscow cũng cam kết cung cấp vắc xin cho nhiều nước châu Phi, Mỹ Latin,…

Moscow dường như không đủ sức thực hiện cam kết. Algeria vào tháng 1 tuyên bố nhận 500.000 liều Sputnik V miễn phí, đến đầu tháng 4 chỉ mới có 50.000 liều giao đến và kế hoạch sản xuất tại chỗ hoãn đến mùa thu năm 2021; tổng số vắc xin cho 3 nước Tunisia, Algeria, Guinea tính đến ngày 12.3 chỉ mới đạt 100.000 liều; Guatemala vừa lên tiếng yêu cầu Nga hoàn tiền nếu không giao đủ 8 triệu liều trong vòng 20 ngày tính từ 30.6; hàng giao cho Argentina, Mexico, Philippines cũng chậm trễ.

Phía Mỹ không hoàn thành được mục tiêu của Tổng thống Joe Biden, cung cấp 80 triệu liều vắc xin cho khoảng 50 quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc tổ chức quốc tế vào cuối tháng 6 do hàng loạt rào cản về hậu cần và quy định vắc xin. Tuy nhiên trong 2 tháng qua họ vận chuyển gần 24 triệu liều cho 10 quốc gia/ vùng lãnh thổ như Colombia, Bangladesh, Peru, Hàn Quốc, Đài Loan,… – một tốc độ đáng kinh ngạc.

Không như Sinovac, Sinopharm hay Sputnik V dùng công nghệ vi rút bất hoạt nên hiệu quả chống lại biến thể mới của vi rút (đặc biệt là biến thể Delta) kém, vắc xin của Pfizer, Moderna mà Mỹ cung cấp sử dụng công nghệ mRNA đạt hiệu quả trên 90% kể cả với biến thể. Sản phẩm của Johnson&Johnson chỉ cần tiêm 1 mũi cũng đạt hiệu quả hơn 66%, chống lại được biến thể.

us.jpg
Một lô vắc xin Moderna đến Đài Loan vào giữa tháng 6 - Ảnh: France24

Nga, Trung “chùn bước” là tin vui cho Mỹ và các nước dân chủ khác. Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) giữa tháng 6 tuyên bố cung cấp 1 tỉ liều vắc xin trong năm tới, đồng thời đẩy mạnh tự nguyện cấp phép và sản xuất phi lợi nhuận vắc xin trên toàn cầu.

Tất nhiên cuộc chiến chống lại đại dịch là cuộc chiến toàn cầu. Trong bối cảnh biến thể Delta khiến COVID-19 tái bùng phát, đẩy nhanh chiến dịch chủng ngừa trên thế giới - bất kể dùng loại vắc xin nào - mới là ưu tiên hàng đầu. Chính quyền Tổng thống Biden nên tập trung cho mục tiêu này, đạt lợi ích trước đối ngủ Nga, Trung sẽ là “phần thưởng” kèm theo.

Cẩm Bình