Lý Thường Kiệt dùng lính thủy đánh bộ chống quân Tống
Giáo dục - Ngày đăng : 19:18, 29/04/2016
Các kỳ trước
Kỳ 1: Từ cuộc chiến nội cung nhà Lý đến cuộc Bắc phạt phá Tống của Lý Thường Kiệt
Kỳ 2: Nhà Lý nhiều lần uy hiếp nhà Tống sau khi bị khiêu khích
Kỳ 3: Trước khi phạt Tống, Lý Thường Kiệt nam chinh đại phá Chiêm Thành
Kỳ 4: Chỉ có 7 vạn quân, Lý Thường Kiệt vẫn đánh phủ đầu 100 vạn quân Tống
Kỳ 5: Lý Thường Kiệt phạt Tống, tấn công toàn biên giới, chém tướng phá đồn
Kỳ 6: Lý Thường Kiệt vượt Thập Vạn đại sơn, bắt sống hàng ngàn tù binh Tống
Kỳ 7: Lý Thường Kiệt dùng tượng binh, máy bắn đá công phá Ung châu
Kỳ 8: Lý Thường Kiệt hạ thành Ung châu, xác quân Tống chất cao như núi
Kỳ 9: Bị Lý Thường Kiệt phá Ung châu, triều Tống mang vũ khí tối tân nhất đối phó Đại Việt
Sau khi hoàn thành cuộc bắc phạt đánh phủ đầu nước Tống và rút quân an toàn về nước, Lý Thường Kiệt – vị chỉ huy tối cao của quân đội Đại Việt đã biết chắc thế nào quân Tống cũng sẽ tiến sang báo thù. Ông đã cùng với triều đình và quân dân cả nước tích cực chuẩn bị để quyết chiến với quân xâm lược. Trai tráng cả nước được tuyển mộ vào đội ngũ, ngày đêm tập luyện chiến đấu.
Ở biên giới, thế phòng thủ của Đại Việt chủ yếu dựa vào các lực lượng thổ binh của các tù trưởng. Tù trưởng Lưu Kỷ giữ châu Quảng Nguyên. Phò mã Thân Cảnh Phúc ở châu Quang Lang đóng quân tại động Giáp giữ ải Giáp Khẩu và ải Quyết Lý. Châu Môn có quân của các tù trưởng Hoàng Kim Mãn, Sầm Khánh Tân, Nùng Thuận Linh án ngữ tuyến đường bộ từ Bình Gia đến Thái Nguyên. Vi Thủ An giữ đường từ Tư Lăng đến Lạng Châu. Trong các đội quân này mạnh nhất là quân của Lưu Kỷ và Thân Cảnh Phúc.
Quân của các tù trưởng châu động trên là những lực lượng người dân tộc thiểu số Tày, Nùng. Họ là những chiến binh can đảm và võ nghệ cao cường, lại thông thuộc địa thế, thạo chiến đấu trên những vùng núi non. Đó là những lực lượng đáng gờm đối với bất kỳ đội quân nào. Tuy nhiên có một yếu điểm là những sắc dân biên cương này không hoàn toàn trung thành với Đại Việt. Họ là những xứ tự trị, đối với vương triều Lý về căn bản vẫn chỉ là một liên minh lợi ích. Các đời vua triều Lý thường cố gắng chiêu dụ các tù trưởng bằng tước vị, tiền bạc và hôn nhân để mong có được sự quy phục và đã mang lại nhiều hiệu quả.
Sự đoàn kết như những người đồng chủng đồng văn giữa người miền đồng bằng trung tâm và người miền thượng du về căn bản vẫn khá lỏng lẻo. Chính vì vậy, khi bố trí một thế trận chống ngoại xâm, Lý Thường Kiệt phải chọn địa bàn châu thổ sông Hồng gần kinh thành Thăng Long làm trọng tâm với lực lượng đóng vai trò then chốt là các đội quân chính quy người Kinh sống ở đồng bằng trung châu nước Đại Việt. Đó là những đạo quân đặc biệt trung thành, có thể chiến đấu tới cùng trong mọi hoàn cảnh để bảo vệ đất nước.
Đặc biệt, vai trò của thủy quân là tối quan trọng trong thế trận chống ngoại xâm. Có thể nói đa phần quân chính quy Đại Việt là lính thủy đánh bộ hoặc thủy quân. Tướng Lý Kế Nguyên nắm giữ một đạo thủy quân tinh nhuệ đóng tại biên thùy châu Vĩnh An để đề phòng quân Tống dùng thuyền chở quân vượt biển hoặc phối hợp với bộ binh của tướng Quách Quỳ. Lý Kế Nguyên phụ trách che chắn cho cả một vùng bờ biển phía đông bắc Đại Việt, với những tuyến đường thủy yếu huyệt là vịnh Đông Kênh, cửa biển Bạch Đằng. Quân số đạo thủy quân mà Lý Kế Nguyên chỉ huy ước chừng dưới 2 vạn quân.
Hai hoàng thân Hoằng Chân, Chiêu Văn nắm giữ 2 vạn thủy quân với 400 chiến thuyền đóng tại Vạn Xuân. Từ vị trí này, chiến thuyền Đại Việt có thể kiểm soát cả một hệ thống sông ngòi che chắn cho thành Thăng Long từ phía bắc, bao gồm các con sông lớn là sông Lục Nam, sông Thương, sông Đuống, sông Thái Bình, sông Bạch Đằng … đặc biệt là sông Cầu. Con sông Cầu thời bấy giờ là một con sông lớn, là nơi mà các tuyến đường quan trọng từ bắc xuống nam đều phải đi qua, với bến đò Như Nguyệt gần như là đường độc đạo để cho một đội quân lớn có thể vượt sông. Vào thời kỳ này, bến đò này là một chốt giao thông huyết mạch, cùng với vùng lân cận là điểm khả thi nhất, thậm chí gần như là sự lựa chọn duy nhất cho quân Tống nếu muốn vượt sông Cầu đánh chiếm Thăng Long.
Chính vì đây là yếu địa, Lý Thường Kiệt đã cho xây dựng ở đây một chiến tuyến quy mô dài gần 30 km, cùng các điểm phụ trợ nằm ở bờ nam. Chiến tuyến Như Nguyệt là một chuỗi những cụm chiến lũy được làm bằng gỗ, tre, nứa được liên kết bằng vữa đất. Chiến lũy được đắp theo những nơi được đánh giá là có thể vượt sông. Bên ngoài các đoạn chiến lũy, lớp lớp những chông tre được cắm kín bờ sông chĩa mũi nhọn về phía bắc. Ngoài ra còn có những hầm chông ngầm được chôn tạo thành những cái bẫy. Những nơi bụi rậm hay bờ dốc cao thì không có chiến lũy, chỉ có quân mai phục đề phòng.
Quân Đại Việt đóng thành cụm quân lớn ngay tại bến đò. Cùng với đó là một chuỗi liên hoàn các cụm quân dọc theo chiến tuyến để canh chừng và liên lạc, hỗ trợ cho nhau. Có bốn cụm quân lớn dọc sông Cầu là Như Nguyệt, Thị Cầu, Phấn Động, Vạn Xuân được gấp rút chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Quân phòng thủ trên bờ và thủy quân dưới sông từ căn cứ Vạn Xuân phối hợp với nhau tạo thành chiến tuyến mang tính chất sống còn đối với Đại Việt. Tống quân số cho chiến tuyến này chừng 6 vạn.
Trong đó, có 2 vạn thủy quân cùng 400 chiến thuyền ở căn cứ Vạn Xuân, 4 vạn quân còn lại đóng thành nhiều cụm liên hoàn dọc theo chiến tuyến . Các cỗ máy bắn đá cũng được bố trí ở những trọng điểm dọc bờ sông. Ngay tại bờ nam bến Như Nguyệt còn có 300 chiến thuyền bày trận. Cấm quân tinh nhuệ nhất dùng để bảo vệ kinh thành cũng được điều lên tham chiến. Ngay sau lưng chiến tuyến chính là con đường tiến thẳng vào kinh thành Thăng Long.
Ở vùng lãnh thổ phía nam, Đại Việt còn chịu sự đe dọa của Chiêm Thành và Chân Lạp. Hiện tại, sử liệu về việc chuẩn bị cho mặt trận phía nam này hầu như không có gì. Chúng ta thấy rằng quân Đại Việt với những đơn vị đông đảo nhất đã tập trung cho mặt trận phía bắc chống quân Tống. Nhưng hẳn là vùng phía nam cũng phải có số quân phòng thủ nhất định để đề phòng liên quân Chiêm Thành – Chân Lạp. Ngoài số lộ quân (quân địa phương thời Lý) phòng giữ các châu, trấn phía nam, Đại Việt còn sử dụng tù binh Tống để sung làm lính phòng thủ quân Chiêm. Số tù binh sung quân này có đến hàng ngàn, thậm chí gần vạn người. Đây là quân số quan trọng bổ sung cho chiến trường phía nam, đóng giữ tại trấn Nghệ An, Thanh Hóa. Tuy đội quân tù binh này ô hợp, nhưng Đại Việt hầu như không có nhiều sự lựa chọn.
Về sau, diễn biến cuộc chiến sẽ cho chúng ta thấy mặt trận phía nam chịu ảnh hưởng từ kết quả của mặt trận phía bắc. Xét cho cùng hai nước Chiêm Thành, Chân Lạp tấn công Đại Việt cũng chỉ mang tính chất theo đóm ăn tàn. Họ chờ đợi một thắng lợi của nước Tống để xâu xé Đại Việt chứ chẳng dại gì dành phần khó nhọc về mình. Nhất là nước Chiêm Thành đã nhiều lần nếm mùi thất bại trước Đại Việt nên càng thêm phần thận trọng. Có thể nói rằng, nếu Đại Việt đánh bại được Tống thì hai nước này không đánh cũng tự rút. Bởi nếu quân Đại Việt được rảnh tay chiến đấu trên lãnh thổ của mình thì cho dù hai nước Chiêm Thành, Chân Lạp liên minh cũng không phải đối thủ.
Cuối năm 1076, khi quân Tống tiến đến biên giới và bắt đầu những hoạt động quân sự đầu tiên, một thế trận liên hoàn trên toàn lãnh thổ nước Đại Việt đã sẵn sàng chờ đón chúng.
Quốc Huy
Các kỳ tiếp theo
Kỳ 11: Lý Thường Kiệt dùng gián điệp, vua Tống hoang mang
Kỳ 12: Tượng binh Đại Việt đối đầu với chiến thuật biển người của nhà Tống
Kỳ 13: Lý Thường Kiệt và cuộc đại khai sát giới quân Tống trước cửa Bạch Đằng
Kỳ 14: Lý Thường Kiệt bày hiểm trận, nhà Tống quyết nướng quân
Kỳ 15: Sử Tống kể chuyện quân Tống bị làm thịt khi sang xâm phạm Đại Việt
Kỳ 16: Lý Thường Kiệt siết vòng vây, hàng vạn quân Tống chôn chân chờ chết
Kỳ 17: Việt - Tống nghị hòa, lân bang kinh hãi
Kỳ 18: Thua trận, nhà Tống còn đòi bắt Lý Thường Kiệt như tội phạm chiến tranh