Nhiều người từ TP.HCM, Bình Dương phải quay đầu xe khi đến Đồng Nai do thiếu giấy xét nghiệm SARS-CoV-2
Sự kiện - Ngày đăng : 12:10, 05/07/2021
Theo báo chí tại Đồng Nai, tại các chốt kiểm soát giao thông, nhiều người buộc phải quay về, vì chưa có giấy xác nhận xét nghiệm SARS-CoV-2.
Động thái trên xuất phát từ việc ngày 29.6, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản 6180 quy định từ 0 giờ sáng 5.7, toàn bộ người về/đến Đồng Nai hằng ngày từ TP.HCM và tỉnh Bình Dương yêu cầu phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 7 ngày từ ngày có kết quả xét nghiệm.
Theo đó, đối với người và phương tiện vận chuyển từ TP.HCM, Bình Dương đến các tỉnh thành khác có hành trình đi ngang qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, yêu cầu phải khai báo y tế, hành trình nơi đi/đến và cam kết không được dừng đỗ, ăn uống, tập trung đông người dọc đường tại các tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Đối với phương tiện vận tải hàng hóa và người đi cùng với phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh thành, thực hiện đúng theo nội dung quy định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Nai.
Tại Chốt kiểm soát số 1 trên tuyến quốc lộ 1, đoạn cầu Đồng Nai (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa), lưu lượng xe qua lại rất lớn. Trong khoảng thời gian từ 7 - 8 giờ sáng có hàng trăm người từ vùng tâm dịch TP.HCM và các địa phương lân cận đi qua Đồng Nai.
Theo lực lượng kiểm soát, phần lớn lái xe đều có giấy xét nghiệm âm tính. Sau khi kiểm tra kết quả còn trong thời hạn 7 ngày, tài xế được hướng dẫn khai báo y tế chi tiết trước khi tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, vẫn nhiều người bị buộc phải quay lại tại chốt kiểm soát giao thông do chưa có kết quả xét nghiệm với SARS-CoV-2.
Một người dân ngụ tại Q.9, TP.HCM cho biết giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm của mình vừa hết hạn cách đây chỉ 1 ngày. Trong ngày 4.7, anh đã đến nhiều phòng khám, bệnh viện ở TP.HCM để làm xét nghiệm, nhưng do lượng người quá đông nên không được. Dù biết không có phiếu xét nghiệm, anh vẫn phải đi làm bởi công ty không cho nghỉ. Khi vừa đến chốt kiểm soát giao thông tại khu vực cầu Đồng Nai thì anh bị buộc phải quay về.
Chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 đóng trên quốc lộ 1K (đoạn tiếp giáp với Bình Dương, thuộc P.Hóa An, TP.Biên Hòa) cũng bắt đầu thực hiện kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính. So với khu vực cầu Đồng Nai, lượng xe qua lại đây ít hơn nhiều. Trong khoảng gần 1 giờ đồng hồ, có gần chục trường hợp không có giấy xét nghiệm âm tính (chủ yếu là người đi xe máy) bị lực lượng chức năng yêu cầu quay xe trở lại, không cho vào Đồng Nai.
Cũng trên báo Đồng Nai, trong sáng 5.7, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, tính đến sáng nay, toàn tỉnh chỉ có thêm 1 ca nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố và 10 ca nghi nhiễm. Bệnh nhân là nam, 34 tuổi, mã số 19.945, địa chỉ tại TP.Biên Hòa. Bệnh nhân có liên quan đến chợ Bình Điền, TP.HCM, đã được cách ly và kết quả xét nghiệm ngày 3.7 dương tính với SARS-Cov-2, đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai.
Toàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 100 ca nhiễm COVID-19 tính đến ngày 5.7, trong đó 32 ca đã được điều trị khỏi, 68 ca đang điều trị. Ngoài ra, còn ghi nhận thêm 10 ca nghi nhiễm gồm 9 ca liên quan đến ổ dịch chợ Hóc Môn (H.Thống Nhất 8 ca, TP.Biên Hòa 1 ca), 1 ca tại xã Phước Thái, H.Long Thành liên quan đến ổ dịch chợ Bình Điền.
Có 1 ca nghi nhiễm khác ở P.Long Bình Tân đang làm việc tại TP.HCM, được phát hiện và ghi nhận tại TP.HCM, không tính cho Đồng Nai.
Liên quan đến các ca nghi nhiễm, nhiễm mới, các lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa 2 khu dân cư tại xã Phước Thái, H.Long Thành với gần 200 hộ dân, tạm dừng hoạt động chợ Phước Thái; phong tỏa khu vực dân cư nơi sinh sống của ca nghi nhiễm ở P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa.
Trước đó, ngày 4.7, lực lượng chức năng đã lấy được 20.500 mẫu bệnh phẩm tại 4 xã trong khu vực phong tỏa của H.Thống Nhất, nâng tổng số mẫu được lấy trong 2 ngày lên 40.000 mẫu. Đáng lưu ý, trong số các mẫu đã lấy, phát hiện một số mẫu dương tính đang chờ tách mẫu làm xét nghiệm lại để khẳng định ca bệnh. Công tác lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong 4 xã bị phong tỏa sẽ tiếp tục được thực hiện nhằm phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng, cách ly, xử lý kịp thời, hạn chế lây lan ra cộng đồng.