TS Nguyễn Sơn: Không lo bong bóng tài sản trong thời điểm này

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 13:50, 29/06/2021

TS Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) khẳng định thời điểm này không lo bong bóng tài sản trong đó bao gồm cả chứng khoán.

Không lo bong bóng tài sản thời điểm này

Phát biểu tại tọa đàm "Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán" do Tạp chí Kinh tế và dự báo tổ chức sáng 29.6, TS Nguyễn Sơn - Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) khẳng định thời điểm này không lo bong bóng tài sản trong đó bao gồm cả chứng khoán.

chung-khoan.jpg
Các diễn giả phát biểu tại tọa đàm

Lý giải về sự tăng trưởng 25% của chỉ số chứng khoán Việt Nam 6 tháng đầu năm nay, TS. Nguyễn Sơn cho rằng đây là sự tăng trưởng tốt, phù hợp vì mục tiêu kép Việt Nam đạt được là kiểm soát dịch bệnh, trong vòng 3-4 tháng đầu năm kiểm soát rất tốt. Tăng trưởng GDP thấp so với mục tiêu đặt ra nhưng so với các nước trong khu vực là ấn tượng.

Lý do tiếp theo là dòng vốn dồi dào với mặt bằng lãi suất ổn định, khá thấp, tín hiệu này sẽ còn kéo dài trong một vài năm nữa vì FED chưa tăng lãi suất cơ bản, kỳ vọng Ngân hàng trung ương Việt Nam giữ nguyên trong thời gian nữa, lãi suất thấp tiếp tục đi vào các khu vực của thị trường gồm cả chứng khoán.

Ngoài ra, dòng vốn rẻ chưa quay lại tập trung cho sản xuất kinh doanh nhỏ, thị trường chứng khoán, vàng, bất động sản cũng có sự luân chuyển giao thoa. Báo cáo Ngân hàng Trung ương hiện nay dư nợ cho vay chứng khoán chỉ chiếm 0,48% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, vẫn đang giới hạn ở tầm kiểm soát, chưa phải nóng.

Dòng tiền phát ra từ ngân hàng kiểm soát tốt, dòng vốn margin do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý cũng nằm trong tầm kiểm soát. Dòng tiền của khu vực dân cư trước đây đầu tư vào lĩnh vực khác tạm thời đưa vào chứng khoán tạo hiệu ứng tăng cho thị trường chứng khoán.

“Tôi không nghĩ rằng thời điểm này là bong bóng tài sản, trong đó có chứng khoán nhưng đây là giai đoạn chúng ta cần kiểm soát chặt dòng tiền, cảnh báo nhà đầu tư cẩn trọng vì tăng trưởng giá cổ phiếu phụ thuộc vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, toàn TTCK Việt Nam hiện có khoảng 3,3 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước, trong đó 6 tháng đầu năm 2021 có thêm 500.000 tài khoản và con số này đang tăng lên.

Về khối ngoại, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài hiện thời 49,5 tỉ USD. Hàng tháng về cơ bản dòng vốn ngoại bán ròng, nhưng mức độ bán ròng không nhiều, dòng tiền không rút khỏi Việt Nam mà để trên tài khoản tiền mặt đang chờ đợi cơ hội đầu tư mới. Trong khi đó, chứng khoán Việt Nam vốn thuộc nhóm thị trường cận biên, họ giải ngân hợp lý, giải ngân vào thị trường ở mức độ thấp.

Cũng theo ông Sơn, số lượng tài khoản tăng nhưng tài khoản giao dịch thường xuyên mới tạo nên giá trị cốt lõi cho thị trường. “Với mức tăng trưởng hiện nay, chúng ta vẫn còn dư địa tăng trưởng nữa”, TS. Nguyễn Sơn dự báo.

Cho rằng mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán có thể nói là tương đối mật thiết, TS Cấn Văn Lực cho rằng thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, bởi các nhà đầu tư thông thường sẽ đánh giá triển vọng, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết trên sàn và lượng hóa, đưa ra mức giá phù hợp. Thị trường chứng khoán sẽ đi trước kinh tế thực khoảng từ 3-4 tháng, thậm chí là 6 tháng.

Ngoài ra, đóng góp cực kỳ quan trọng của thị trường chứng khoán chính là vai trò kênh dẫn vốn. Theo dõi số liệu của Việt Nam 10 năm vừa qua, ví dụ như năm 2015, kênh chứng khoán chỉ đóng góp khoảng 13-14% tổng lượng vốn toàn xã hội cho đầu tư và phát triển. Đến thời điểm hiện nay, kênh này đã chiếm khoảng 20%.

Theo ông Lực, đây là một kênh đầu tư vô cùng quan trọng cho người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều lĩnh vực kinh doanh có triển vọng khó khăn, đương nhiên kênh đầu tư chứng khoán đã và đang trở nên hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Đạt mức tăng trưởng 6,5% là rất khó

Sáng nay, Tổng cục Thống kê cũng công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm. Bình luận về các chỉ số này, TS. Cấn Văn Lực cho biết “con số Tổng cục Thống kê công bố sáng 29.6 với tăng trưởng GDP quý 2 là 6,61%, 6 tháng đầu năm 5,64% có thấp hơn so với dự báo đầu quý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 5,8%, nhưng khớp với dự báo của chúng tôi là 5,6% cho 6 tháng đầu năm”.

Theo ông Lực, với kết quả trên, rõ ràng mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch như Nghị quyết số 01 của Chính phủ đã đề ra, đó là mong muốn quý 1/2021, GDP tăng trưởng 5,12%; quý 2 tăng trưởng trên 6%.

Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm của nước ta rất đáng khích lệ, trong bối cảnh 6 tháng qua xảy ra 2 đợt dịch tương đối nặng so với năm 2020, mặc dù chúng ta đã điều chỉnh chiến lược về kiểm soát dịch bệnh được tốt hơn.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nền kinh tế cuối năm sẽ đạt mức tăng trưởng theo kịch bản cơ sở, GDP tăng từ 6,1 đến 6,3%. Đây sẽ là kết quả tương đồng so với dự báo của một số tổ chức quốc tế, dù có thấp hơn dự báo của Ngân hàng thế giới, IMF hay ADB dành cho Việt Nam.

Một số dự báo từng lạc quan cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt 7%, nhưng theo ông Lực, tác động từ việc đại dịch bùng phát trở lại cần được đánh giá kỹ hơn trong các dự báo tăng trưởng.

“Đại dịch tác động ít nhất đến 9 lĩnh vực khác nhau của kinh tế Việt Nam, nên chúng tôi cho rằng, năm nay, đạt được mức tăng trưởng 6,5% là cực kỳ khó”, ông Lực nói. Chúng ta hãy cố gắng vượt một chút so với chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, đó là tăng trưởng 6% cũng là thành công. Đặc biệt không chủ quan với lạm phát, chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho kinh tế năm tới.

Nhìn lại bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm nay, ông Nguyễn Sơn cho rằng, GDP trong quý 2/2021 tăng trưởng khoảng 5,64%. Tuy tốc độ tăng trưởng này thấp hơn mục tiêu đặt ta, nhưng đó là kết quả ấn tượng so với các nền kinh tế trong khu vực. Điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự tăng trưởng của TTCK trong 6 tháng cuối năm nay.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Cũng giống như nền kinh tế thế giới là khan hiếm nguồn cung, nguyên liệu, sản phẩm, con chip; logistics, năng lực vận tải, hạ tầng của Việt Nam chưa đáp ứng được quá trình phục hồi kinh tế. Giá cả đang có xu hướng tăng, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến trung tâm sản xuất của Việt Nam…

“Khả năng đạt được mục tiêu 6,5% khó khăn hơn rất nhiều, tuy nhiên quá trình phục hồi vẫn đang tiếp tục và chúng ta hy vọng vào những điều tốt hơn xảy ra”, ông Thành nhấn mạnh.

Lam Thanh