Căng thẳng biên giới với Trung Quốc thúc đẩy công nghiệp quốc phòng Ấn Độ phát triển
Quốc tế - Ngày đăng : 08:05, 22/06/2021
Các biện pháp hạn chế sẽ dần có hiệu lực theo từng giai đoạn từ đây đến năm 2025, chính phủ Ấn Độ tin rằng làm vậy có thể thúc đẩy sản xuất trong nước, giúp hồi phục nền kinh tế thiệt hại nặng thời đại dịch.
“Tất nhiên diễn biến ở biên giới Ấn - Trung là nhân tố khiến New Delhi quyết định ban hành danh sách cấm. Sau đợt rút quân tại Pangong Tso hồi tháng 2 thì chẳng có thêm đợt rút quân lớn nào nữa, tiến trình giảm leo thang cũng đình trệ. Chúng tôi không trông chờ quan hệ song phương trở lại bình thường trong tương lai”, Giáo sư Srikanth Kondapalli thuộc Đại học Jawaharlal Nehru cho biết.
Căng thẳng Ấn - Trung ở khu vực tranh chấp Ladakh bùng lên từ tháng 5.2020, một tháng sau liền xảy ra đụng độ quân sự khiến 20 binh sĩ Ấn thiệt mạmg. Hai nước tích cực đàm phán và đã đạt thỏa thuận rút quân, nhưng trên thực địa vẫn chưa có hành động đáng kể nào, tâm lý chống Trung tại Ấn Độ ngày một mạnh mẽ.
Danh sách khí tài cấm nhập khẩu ra mắt tháng 8.2020 với 101 mặt hàng trong đó có pháo, súng trường tấn công, tàu hộ vệ, hệ thống định vị bằng sóng âm dưới biển (sonar), máy bay vận tải, trực thăng chiến đấu hạng nhẹ, radar. Cập nhật tháng 5 vừa qua bổ sung hệ thống giám sát biên giới, radar trinh sát chiến trường – dấu hiệu cho thấy Ấn Độ nhận định tình hình bế tắc sẽ tồn tại lâu.
Ngành quốc phòng nội địa Ấn Độ lập tức được hưởng lợi. Chính phủ nước này vào đầu tháng 1.2021 phê duyệt thương vụ mua 83 máy bay chiến đấu từ Hindustan Aeronautics (công ty Ấn, là một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới).
Hindustan Aeronautics thông báo hợp tác với hãng sản xuất động cơ máy bay Rolls-Royce. Khoảng 500 đơn vị Ấn Độ khác cũng tham gia vào từng khâu riêng biệt.
Chiến dịch Make in India của Thủ tướng Narendra Modi đặt kế hoạch vực dậy hơn 20 ngành công nghiệp trong nước. Khi dịch bệnh COVID-19 ập đến khiến nhiều ngành lao dốc, ngành quốc phòng lại nhận “cú hích” từ căng thẳng biên giới.