Phương châm “nghĩ thật, nói thật, làm thật" công phá vào bệnh thành tích lâu nay
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 20:23, 17/06/2021
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, là lấy người dân và DN làm trung tâm, phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật.
Tại tọa đàm về Nghị định 52, ở góc độ chuyên gia, ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng phương châm nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật là cách truyền thông điệp rất là chân phương nhưng rất dễ cảm nhận với người dân, DN của người đứng đầu Chính phủ.
Theo ông Nam, trong thông điệp rõ ràng như vậy đã hàm chứa cả một quan điểm chỉ đạo điều hành sòng phẳng, công bằng, công khai, minh bạch; đồng thời hàm chứa cả quyết tâm dám chấp nhận thực tiễn, kể cả những hạn chế của Chính phủ.
“Tôi cho rằng đây là một phương châm, nguyên tắc rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Thông điệp thiết thực ở chỗ, với nguyên tắc này thì nó công phá vào bệnh thành tích xưa nay; không chấp nhận sự nói dối, mà chấp nhận nhìn thẳng vào thực tiễn. Mà nhìn thẳng vào thực tiễn thì nó có nhiều cái lợi trong hoạch định chính sách”, ông Nam nói.
Ông Nam ví dụ: “Vấn đề nó là hình tròn thì ta nhìn rõ nó là hình tròn, kể cả nó khiếm khuyết mặt A mặt B, nhưng phải nhìn thấy rõ nó thì chính sách của chúng ta đưa ra mới phù hợp, khi lắp ráp vào không bị trục trặc. Nếu chúng ta thực hiện được thông điệp này thì nhất định sẽ có chuyển biến mạnh mẽ trong khâu xây dựng, thực thi chính sách”.
Về kiến nghị, Hiệp hội DNVVN mong muốn, trước hết để nghĩ thật, nói thật thì các cơ quan chức năng cần lắng nghe nhiều hơn tiếng nói từ phía DN, chuyên gia, người dân khi xây dựng chính sách, khi cần thiết phải tranh luận đến cùng một vấn đề còn quan điểm khác nhau.
Ví dụ như có chính sách chúng ta đưa ra có thể hợp với cơ quan quản lý, nhưng thực sự không phù hợp với cộng đồng kinh doanh, thì phải nghe hết và phải chấp nhận tranh luận các vấn đề khoa học để đảm bảo nguyên tắc thống nhất vì lợi ích chung.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đồng tình với quan điểm cho rằng chính sách tốt mà không được triển khai hiệu quả thì đôi khi mục tiêu của chính sách bị hạn chế.
Để triển khai hiệu quả Nghị định 52, ông Hiếu kiến nghị: Thứ nhất về phía DN, cần suy nghĩ rất thận trọng, kỹ lưỡng về các biện pháp này để xác định khoản thuế nào chúng ta định giãn, giãn đến bao lâu và phải coi đây là một phần chiến lược kinh doanh của DN.
Thứ hai, về vai trò của các hiệp hội DN để nghĩ thật, nói thật, làm thật thì hiệp hội phải hỗ trợ DN rất nhiều trong việc đưa ra quyết định này như ông Nam vừa chia sẻ là DN cần hỗ trợ cả về mặt nội dung, chuyên môn ngoài hỗ trợ về mặt thủ tục ra.
Ngoài các hiệp hội DN, cơ quan thuế với bộ phận tuyên truyền, hỗ trợ về thuế cần tăng cường hỗ trợ về chuyên môn để giúp DN xác định có đúng đối tượng được giãn, hoãn hay không để giảm thiểu các rủi ro pháp lý sau này chứ không chỉ hỗ trợ các bước hoặc hướng dẫn họ phải liên hệ với ai.
“Tôi kiến nghị chúng ta phải tư duy theo hướng đã làm tốt rồi thì không có nghĩa là dừng ở đây, mà phải đặt câu hỏi liệu chúng ta có thể làm tốt hơn nữa hay không. Với tinh thần này, tôi kiến nghị cơ quan thuế và các cơ quan chức năng tham mưu cho Chính phủ có biện pháp miễn giảm thuế để giảm gánh nặng cho DN.
Ví dụ giảm một phần nào đó nghĩa vụ về thuế hay có thể xem xét miễn giảm thuế VAT cho các vật tư, thiết bị phòng chống dịch chẳng hạn. Được như vậy thì sẽ hỗ trợ thiết thực cho DN, người dân vượt qua đại dịch, thực hiện thành công mục tiêu kép do Chính phủ để ra”, ông Hiếu nêu.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) cho rằng Nghị định 52 đã quy định rõ lĩnh vực ngành nghề, tiêu chí xác định đối tượng áp dụng và điều kiện để được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất trong năm 2021.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, hộ kinh doanh có nhiều biến động, Nghị định đã quy định quyền và trách nhiệm của người nộp thuế trong việc tự xác định đối tượng, điều kiện được gia hạn.
Theo bà Hà, thực tế thời gian quan khi triển khai Nghị định 41, có những trường hợp người nộp thuế đã nộp đề nghị gia hạn, nhưng sau đó tự xác định lại không thuộc đối tượng áp dụng và xin hủy đề nghị, hoặc qua công tác quản lý, cơ quan thuế xác định người nộp thuế không thuộc đối tượng áp dụng và có thông báo gửi người nộp thuế.
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc người nộp thuế hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ các điều kiện được gia hạn. Tuy nhiên, số lượng là không nhiều.
Mặt khác, triển khai Nghị định 41, cũng như Nghị định 52, cơ quan thuế đã tuyên truyền sâu rộng và hỗ trợ người nộp thuế rất cụ thể bằng nhiều hình thức. Do đó, về cơ bản, DN, người dân đã hiểu và thực hiện đúng quy định.
Bà Hà cho hay, khi triển khai Nghị định 41, cũng như Nghị định 52, Tổng cục Thuế đã ban hành các văn bản nhằm hướng dẫn cơ quan thuế các cấp thống nhất thực hiện để người nộp thuế được gia hạn ngay khi Nghị định có hiệu lực.
Qua quá trình thực hiện, Tổng cục Thuế cũng ban hành văn bản giải thích, làm rõ hơn đối tượng được gia hạn. Một số vướng mắc của Nghị định 41 về đối tượng được gia hạn cũng đã được ngành thuế báo cáo, tham mưu với Bộ Tài chính và Chính phủ đưa vào Nghị định 52, như gia hạn đối với nhà thầu xây dựng các công trình sử dụng vốn NSNN.
Theo đó, Kho bạc Nhà nước chưa thực hiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng của nhà thầu khi chủ đầu tư thực hiện thanh toán... để người nộp thuế hiểu rõ hơn và tự xác định chính xác đối tượng được gia hạn.