Mỹ và EU gác lại tranh chấp thương mại để tập trung đối phó Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 12:26, 16/06/2021
Theo Nikkei, động thái này của chính quyền Biden đã giảm đáng kể căng thẳng trong bối cảnh các nỗ lực hàn gắn rạn nứt quan hệ xuyên Đại Tây Dương nhằm tìm kiếm liên minh chống lại một Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán.
Thỏa thuận đình chỉ thuế quan đã được công bố tại cuộc hội đàm diễn ra hôm 15.6 của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Brussels (Bỉ).
Cụ thể, nhà lãnh đạo Mỹ và phía Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý xóa bỏ thuế quan đối với 11,5 tỉ USD hàng hóa từ rượu vang của EU đến thuốc lá và rượu mạnh của Mỹ trong 5 năm. Các mức thuế được áp đặt trên cơ sở “ăn miếng trả miếng” vì sự thất vọng lẫn nhau với các khoản trợ cấp của nhà nước dành cho hãng máy bay Boeing của Mỹ và đối thủ là Airbus của châu Âu.
“Hôm nay, với thỏa thuận về Boeing-Airbus, chúng tôi đã thực hiện một bước quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp thương mại dài nhất trong lịch sử của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)”, bà von der Leyen cho biết trong một tuyên bố.
Về phần mình Tổng thống Biden cho biết: "Tôi nghĩ rằng chúng tôi có cơ hội tuyệt vời để hợp tác chặt chẽ với Liên minh châu Âu (EU) cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và chúng tôi cảm thấy rất hài lòng về điều đó”.
“Tôi đã có quan điểm rất khác so với người tiền nhiệm của mình là ông Donald Trump. Việc Mỹ có mối quan hệ tuyệt vời với NATO và EU là điều đáng được quan tâm”, ông Biden nhấn mạnh.
Được biết các tranh chấp thương mại liên quan tới trợ cấp chính phủ đối với hai tập đoàn sản xuất máy bay Airbus và Boeing đã diễn ra kể từ năm 2004 và là cuộc chiến thương mại dài và tốn kém nhất trong lịch sử Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hai bên thậm chí đã ban hành thuế quan “ăn miếng trả miếng” khi căng thẳng thương mại leo thang dưới thời cựu Tổng thống Trump. Mỹ đã áp đặt thuế nhập khẩu trị giá 7,5 tỉ USD đối với rượu vang và các mặt hàng thực phẩm của EU hồi cuối năm 2019. Để trả đũa, EU đã áp thuế đối với rượu whiskey, các loại hạt và thuốc lá của Mỹ với trị giá lên tới 4,5 tỉ USD.
Hồi tháng 3 vừa qua, hai bên đã đồng ý tạm dừng thuế quan trong 4 tháng để tìm kiếm giải pháp nhằm đạt được một thỏa thuận và cải thiện quan hệ song phương. Mỹ và EU tiếp tục đình chỉ thuế quan thêm 5 năm vào hôm 15.6 và thành lập một nhóm làm việc dành riêng cho vấn đề này. Tuy nhiên, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nhấn mạnh Mỹ vẫn có thể tái áp đặt thuế hàng không trong trường hợp EU vi phạm các điều khoản của thỏa thuận.
Nikkei nhận định giờ đây liên minh Mỹ - EU có mục tiêu tập trung vào việc chống lại các hành vi chống cạnh tranh của Trung Quốc. Tập đoàn máy bay thương mại do nhà nước điều hành ở Trung Quốc, hay còn gọi là COMAC, nhận được các khoản trợ cấp hậu hĩnh từ Bắc Kinh. Việc tranh chấp giữa Boeing và Airbus chỉ có lợi cho COMAC và các công ty Trung Quốc khác đang tìm cách giành thị phần từ 2 tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất thế giới này.
Mỹ và EU đang lo ngại về việc Trung Quốc thúc đẩy vị thế công nghệ toàn cầu. Hai bên đang cố gắng xây dựng chuỗi cung ứng loại trừ các công ty Trung Quốc. Liên minh Mỹ - EU sẽ làm việc với các quốc gia cùng chí hướng bao gồm Nhật Bản và Canada để tạo ra các quy tắc quốc tế thông qua WTO.
Đáng chú ý, Mỹ hiện cũng tìm kiếm sự ủng hộ của châu Âu để bảo vệ các nền dân chủ tự do của phương Tây khi đối mặt với một nước Nga quyết đoán hơn, cũng như sự trỗi dậy kinh tế và quân sự của Trung Quốc.