Cách nhận biết và lựa chọn các loại học bổng du học

Giáo dục - Ngày đăng : 16:22, 23/04/2015

Để giúp các bạn đỡ choáng, cần hiểu rõ “học bổng” là gì vì nó có vô vàn loại trong khi bạn chỉ đủ sức để nộp những dạng phù hợp với bản thân. Bài viết sau xin được phân loại các loại học bổng cho các bạn dễ tìm hiểu.

Phân loại theo cách cho (vay) tiền

Viện trợ không hoàn lại và không điều kiện: Đây là dạng học bổng khó đạt được nhất và là đích đến mơ ước cho bất kỳ ai săn học bổng. Học bổng không yêu cầu hoàn lại, không điều kiện ràng buộc sau khi học là loại đầu tiên mà các bạn nên cân nhắc.... Học bổng nổi tiếng nhất dạng này là Erasmus Mundus, Endeavour và các học bổng trường.

Viện trợ không hoàn lại nhưng có điều kiện ràng buộc: Cũng tương tự dạng một, dạng học bổng này khác ở chỗ là điều kiện yêu cầu quay trở lại nước ít nhất 2 năm, tiếp tục làm việc cho công ty/tổ chức mà bạn đang làm trước khi đi học tối thiểu thêm 2 năm nữa vv... Học bổng dạng này thường là học bổng của chính phủ, dạng ngoại giao như Fulbright, VEF, AAS (hay ADS cũ), NFP…

Vay và phải trả: Đây là lựa chọn cuối cùng và khó khăn nhất nếu các bạn lựa chọn khi đi du học. Sở dĩ đây là loại không được khuyến khích vì sau khi ra trường bạn có thể mang nợ số tiền lên đến hàng trăm ngàn đô la. Tên chính thức của dạng này là Study Loan chứ không phải là Scholarship.

Đặc biệt ở Mỹ và Singapore, hình thức này rất nhiều và đa phần các bạn học xong phải ở lại làm nhiều năm để trả nợ tiền học hoặc về Việt Nam mà để dành trả nợ thì không hợp lý vì mức lương ở Việt Nam rất khó để trả hết nợ trong thời gian ngắn.

Phân loại theo mức cho (vay) tiền

Hình thức này đôi khi khá phức tạp và các bạn cũng nên cân nhắc để "dính bẫy". Một số trường cho miễn học phí năm đầu tiên nhưng các năm sau thì lấy học phí rất đắt so với mặt bằng chung mà chất lượng đôi khi không bảo đảm.

Dạng chỉ tài trợ học phí với các mức 25%, 50%, 75%, 100%: Sinh hoạt phí phải tự túc. Nếu bạn xác định không có khả năng làm CV đẹp để “với” tới học bổng toàn phần thì dạng học bổng này không phải là quá tệ, nhất là nếu học ở những nước có sinh hoạt phí rẻ (Đông Âu, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…) hoặc nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên (Pháp, Đức…)

Dạng Chỉ tài trợ sinh hoạt phí: Tại 1 số nước mà học phí được miễn (Na Uy, Phần Lan, 1 số bang của Đức…) thì được tài trợ sinh hoạt phí nữa sẽ gần như ngang với có học bổng toàn phần (kém phần vé máy bay, bảo hiểm).

Tài trợ toàn bộ/ học bổng toàn phần: Như tên gọi, học phí, thuê nhà, sinh hoạt được trợ cấp hoàn toàn, vé máy bay, bảo hiểm được đóng. Nói chung là rất an tâm học hành. Dĩ nhiên nhà tài trợ cũng đã có tính toán nên sẽ không cho quá nhiều, các học bổng ở Châu Âu cho sinh hoạt phí 1 tháng khoảng từ 800 – 1200 euro. Không đủ để sống vương giả, nhưng thừa đủ để sống một cuộc sống đầy đủ và thỉnh thoảng đi du lịch.

Phân loại theo mục đích của người chi tiền!

Có 2 dạng chính: 1. Tìm người tài hay học bổng dạng merit-based; 2. Học bổng ngoại giao, trợ giúp phát triển, đào tạo/nâng cao năng lực cán bộ.

Học bổng tài năng/học bổng merit-based/học bổng tìm người tài: Nguồn học bổng này thường từ trường là đa số (hầu như trường nào cũng có, chỉ có số lượng là nhiều hay ít), từ chính phủ (khá hiếm), từ các tổ chức khác…

Đặc điểm cơ bản: Xét hồ sơ, cho điểm, lấy từ cao xuống thấp. Ứng viên có thể thuộc bất kỳ ngành nào (hoặc 1 ngành cụ thể nào đó), từ bất kỳ nước nào (thực ra đa phần là từ các nước đang phát triển), làm ở đâu không quan trọng (tư nhân, nhà nước ok cả), thường không ràng buộc sau tốt nghiệp (viện trợ không hoàn lại và không điều kiện)

Ví dụ: Erasmus Mundus của LM Châu Âu, Endeavour của Chính phủ Úc, học bổng Clarendon của Oxford, IPRS (International Postgraduate Research Scholarships) của Úc, OFID scholarship (học bổng từ tổ chức OFID hay OPEC Fund for International Development), Leiden University Excellence Scholarship programme (học bổng của trường Leiden ở Hà Lan…

Học bổng ngoại giao, trợ giúp phát triển, đào tạo/nâng cao năng lực cán bộ: Nguồn gốc của học bổng: đa phần là từ chính phủ, 1 số từ các tổ chức hoạt động trong development sector (World Bank, Asian Development Bạnk – ADB) – cái này thì chỉ các bạn học khối ngành xã hội/phát triển mới biết.

Đặc điểm cơ bản và ví dụ đại diện: Bạn phải đáp ứng được 1 số điều kiện tiên quyết (là mục tiêu chính của học bổng) trước khi xét đến cái đoạn có tài hay không!

Ví dụ: nếu bạn là công dân 1 nước abc nào đó, yêu cầu cơ bản của các học bổng ngoại giao song phương. Ví dụ: học bổng song phương Việt Bỉ BTC, học bổng AAS (tên cũ là ADS) của Úc. Học bổng mà có quota riêng cho 1 nước nào đó (năm 20xx, AAS dành 150 suất học bổng Master cho Việt Nam) thì chắc chắn là học bổng ngoại giao.

Nếu bạn làm trong khối nhà nước: yêu cầu của vô số học bổng chính phủ với mục đích nâng cao năng lực cán bộ cho nước đối tác (ngoại giao). Ví dụ: học bổng Chevening của Anh, AAS của Úc, NFP của Hà Lan…

Nếu bạn làm trong 1 số ngành xyz gì đó (mà ngành đó đang được cần đào tạo thêm cán bộ). Ví dụ: VEF của Mỹ (cho công dân Việt Nam làm trong các ngành khoa học cơ bản Toán, Lý, Hóa, Tin và Y công cộng), SI của Thụy Điển, NFP (Netherlands Fellowship Program) của Hà Lan (cho khối ngành lâm/nông nghiệp, nước/thủy lợi, food security)…

Kết luận sơ bộ là các bạn làm trong khối nhà nước, NGO và học 1 số ngành đặc biệt sẽ có lợi thế ở nhóm học bổng này.

Nguyễn Long (tổng hợp từ Năm Châu Bốn Biển)