Cựu Giám đốc CDC Hà Nội kháng cáo bản án 10 năm tù
Sự kiện - Ngày đăng : 15:03, 15/06/2021
TAND Cấp cao tại Hà Nội cho biết sẽ xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội (CDC Hà Nội) vào ngày 24.6 tới. Dự kiến, phiên tòa sẽ được diễn ra trong 2 ngày (từ 24.6 đến hết ngày 25.6).
Trước đó, chiều 12.12.2020, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã quyết định tuyên bản án sơ thẩm đối với 10 bị cáo trong vụ án. Cụ thể, Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) bị tuyên mức án 10 năm tù. Các bị cáo còn lại nguyên là cán bộ CDC Hà Nội bị tuyên mức án từ 36 tháng treo đến 6 năm 6 tháng tù về cùng tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
4 bị cáo còn lại là Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech), Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam – MST), Nguyễn Trần Duy (nguyên Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành), Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông) lĩnh án từ 5 năm tù đến 6 năm 6 tháng tù, cùng tội danh nêu trên.
Sau khi có bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Đào Thế Vinh, Nguyễn Trần Duy, Nguyễn Thanh Tuyền đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Nguyễn Ngọc Quỳnh có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được cải tạo tại địa phương.
Tuy nhiên, trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thanh Tuyền đã xin rút đơn kháng cáo của mình. Do vậy, TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với bị cáo này.
Về phía bị hại, CDC Hà Nội kháng cáo đề nghị HĐXX phúc thẩm giảm hình phạt cho các bị cáo nguyên là cán bộ của mình.
Theo bản án sơ thẩm, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.
Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỉ đồng, gấp 3 lần giá nhập.
Theo HĐXX cấp sơ thẩm, bị cáo Cảm chịu trách nhiệm của người đứng đầu, trực tiếp bàn bạc, ấn định giá thiết bị tham gia thầu nên có vai trò cao nhất. Bên cạnh đó, Hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ đã không làm tròn chức trách tham mưu giúp việc cho lãnh đạo các vấn đề liên quan đến tài chính, đã trực tiếp ký và hoàn tất nhiều tài liệu liên quan đến việc hoàn thiện thủ tục đấu thầu.
Bị cáo Vinh là Giám đốc Công ty MST, là đơn vị trúng thầu, với động cơ vụ lợi trực tiếp xây dựng hồ sơ dự thầu, sử dụng thủ đoạn mua đi bán lại thiết bị nhằm nâng giá bán lên đúng như giá đã thỏa thuận…
Như vậy, nội dung vụ án xác định sai phạm của các bị cáo tại gói thầu số 15 đã gây thiệt hại cho Nhà nước là hơn 5 tỉ đồng. Theo nhận định của HĐXX cấp sơ thẩm, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành Y tế, gây thiệt hại cho Nhà nước nên cần có mức án nghiêm minh để đủ sức răn đe, phòng ngừa và giáo dục chung.