Kết thúc ngày thi đầu tiên vào lớp 10: Đề thi vừa sức, thí sinh dễ dàng đạt điểm cao
Giáo dục - Ngày đăng : 17:39, 12/06/2021
Kết thúc ngày thi vào lớp 10 đầu tiên, học sinh thở phào vì đề không quá khó. Ngày 12.6, hơn 93.000 thí sinh ở Hà Nội đã hoàn thành 2 môn thi Ngữ văn và Tiếng Anh vào lớp 10 với đề thi phù hợp với năng lực của các em.
Sau khi hoàn thành 90 phút làm bài thi môn Ngữ văn và 45 phút môn Ngoại ngữ, nhiều thí sinh có tâm trạng khá phấn khởi vì làm được bài, tự tin với số điểm dự kiến không thấp. Theo nhận định của một số giáo viên, đề thi môn Ngữ văn và Tiếng Anh trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2021-2022 của Hà Nội bao gồm kiến thức cơ bản nhưng vẫn có sự phân hóa thí sinh rõ rệt. Tại các điểm thi trường THPT Chu Văn An, THCS Trần Phú - Hoàn Kiếm, THPT Khương Đình, THCS Phúc Lợi… sau khi hoàn thành bài thi, nhiều học sinh đều đánh giá, đề dễ, không đánh đố.
Chia sẻ với phóng viên, em Nguyễn Linh Nhi (Đội Cấn, Ba Đình) cho biết đề của cả 2 môn thi Ngữ văn và Tiếng Anh rất vừa sức với em, đề thi ngắn gọn và em đã hoàn thành được hết các câu hỏi trong khoảng thời gian cho phép. "Việc giảm bớt các câu hỏi nhỏ trong đề thi của môn Ngữ văn đã khiến em làm bài đủ thời gian hơn. Cấu trúc đề thi vẫn chia 2 phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Em đã đưa được những ý kiến của em trong các câu hỏi suy nghĩ về cảm nhận nên em hy vọng câu hỏi này em sẽ được điểm tốt nhất" - em Linh Nhi cho hay.
Một số giáo viên cho biết, số lượng câu hỏi trong đề thi năm nay giảm đi, phù hợp với thời gian thi được rút ngắn. Điểm của các câu thành phần có thông tin rõ ràng, thuận tiện cho thí sinh có hướng phân bổ thời gian làm bài. "Nhìn chung kỳ thi vào 10 qua các năm ở Hà Nội có cấu trúc ổn định, học sinh nên tập trung vào ôn theo dạng đề thi các năm trở lại đây là hợp lý. Ngoài chủ đề ngữ pháp quan trọng trong chương trình THCS, đặc biệt là khối 9, học sinh cần chú trọng nâng cao vốn từ vựng, mở rộng vốn từ, nâng cao cấu trúc câu, từ, cụm từ. Đặc biệt, nên rèn luyện kỹ năng đọc hiểu bởi qua các bài đọc, ngoài các kỹ năng làm bài, học sinh còn học được rất nhiều từ và cụm từ theo chủ đề bài đọc, từ đó nâng cao và hỗ trợ phần từ ngữ. Phần này chiếm 70% tỷ lệ điểm của bài thi. Một đặc điểm của học sinh là thường quá chú trọng học ngữ pháp trong khi phần này chỉ chiếm 30% điểm toàn bài. Nên nếu học sinh không chịu khó nâng cao vốn từ, ngại học từ vựng sẽ đạt điểm không cao trong đề thi dạng này" - cô Nguyễn Thị Mai Hương, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) chia sẻ.
Cũng trong chiều 12.6, Sở GD-ĐT thông tin có 269 thí sinh vắng thi ở buổi đầu tiên, trong đó có 38 em không dự thi do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (một em diện F0, 20 em diện F1, 7 em diện F2 và 10 em ở tại khu vực bị phong tỏa), 17 cán bộ coi thi vắng mặt do nằm trong diện cách ly và có 2 học sinh vi phạm quy chế thi vì dùng điện thoại.
Sáng mai 13.6, thí sinh bước vào ngày thi cuối cùng với hai môn còn lại là Toán và Lịch sử; trong đó, thời gian làm bài môn Toán là 90 phút, từ 8 giờ 30 đến 10 giờ (rút ngắn 30 phút) và môn Lịch sử, thời gian làm bài 45 phút (rút ngắn 15 phút), từ 10 giờ 30 đến 11 giờ 15, thời gian nghỉ giữa 2 môn là 30 phút.