Cuộc chiến giữa 2 ‘ông lớn’ công nghệ Trung Quốc
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:55, 06/06/2021
Theo Phó chủ tịch Tôn, đằng sau vẻ hào nhoáng của thị trường video ngắn là không ít nội dung thô tục và thấp kém, làm mất thời gian người dùng, âm thầm tẩy não và hạ thấp trí tuệ đối tượng trẻ tuổi chưa trưởng thành.
“Các nền tảng hiện nay cá nhân hóa rất lợi hại, chỉ cần bạn thích 'thức ăn cho lợn' thì sẽ cho bạn thấy toàn là 'thức ăn cho lợn' ngay”, ông Tôn phát biểu tại Hội nghị Công nghệ nghe nhìn Trung Quốc lần 9.
Phó chủ tịch Tôn không nêu đích danh đơn vị nào cả nhưng phía ByteDance ngay lập tức đáp trả: “Những gì ông ấy nói thật ngạo mạn. Vị này có lẽ không biết rằng hiện chỉ còn nền tảng video ngắn trong Wechat (Tencent) vẫn chưa thực hiện quy định phải cung cấp phiên bản riêng cho đối tượng người dùng vị thành niên. Tencent công kích ngành trong khi đang tích cực thâm nhập thị trường quay video ngắn”.
Không chỉ đáp trả bằng lời nói, ByteDance còn tung ra 52 trang bằng chứng về loạt hành vi sai trái mà Wechat từng thực hiện suốt 3 năm, trong đó có chặn liên kết dẫn đến 6 ứng dụng do ByteDance phát triển, kèm theo bình luận: “Chống độc quyền và bảo vệ sự sáng tạo là vấn đề xã hội nghiêm túc cần được các bên xem xét kỹ càng”.
Tencent trả đũa với 31 trang tài liệu cáo buộc ngược lại ByteDance thu thập thông tin người dùng trái phép, chặn truy cập 3 ứng dụng Wechat, QQ, Weishi.
Trước đó, Tencent từng lên tiếng bảo vệ chính sách chặn một số ứng dụng nhất định. Tập đoàn này khẳng định loạt ứng dụng bị chặn đều vi phạm quy định, chính sách áp dụng với mọi đơn vị. Tuy nhiên ByteDance lưu ý rằng Weishi và Kuaishou (do Tencent phát triển và đầu tư) vẫn có thể sử dụng trên Wechat sau khi chỉ bị chặn thời gian ngắn.
Video ngắn là nội dung truyền thông trực tuyến phát triển mạnh tại Trung Quốc thời gian qua. Năm 2020 có gần 900 triệu người dùng nước này dành trung bình 2 giờ/ngày xem video ngắn. Hai nền tảng đang thống trị thị trường là Douyin (phiên bản nội địa của TikTok, thuộc sở hữu ByteDance) và Kuaishou (nhận đầu tư từ Tencent).
Tham gia thị trường trễ hơn ByteDance, Tencent dùng chiến thuật tung ra hàng loạt nền tảng quay video ngắn cũng như hậu thuẫn cho Kuaishou phát triển từ trước. Nhưng đến nay chỉ còn Kuaishou, Weishi cùng Channels (tính năng nằm trong Wechat) “sống sót”.
ByteDance - Tencent không hề giấu giếm quan hệ cạnh tranh gay gắt. Giám đốc điều hành 2 tập đoàn từng khẩu chiến năm 2018, cuộc cãi vã sau đó leo thang thành cuộc chiến pháp lý với cáo buộc phỉ báng. Đầu năm 2021, ByteDance kiện Tencent vi phạm luật chống độc quyền khi chặn truy cập ứng dụng trên Wechat và QQ.