Công bố Sách Trắng về CNTT-TT Việt Nam năm 2020
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:25, 03/06/2021
Nhằm tiếp tục đáp ứng nhu cầu về thông tin, số liệu của ngành TT-TT phục vụ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, Bộ TT-TT đã chính thức giới thiệu Sách Trắng về CNTT và Truyền thông Việt Nam 2020 (Sách Trắng 2020).
Sách Trắng 2020 cung cấp thông tin, số liệu năm 2019 về tất cả các lĩnh vực do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý bao gồm: Bưu chính; Viễn thông, Ứng dụng công nghệ thông tin; An toàn thông tin mạng; Công nghiệp công nghệ thông tin – điện tử, viễn thông; Báo chí, truyền thông.
So với các năm trước đây, Sách Trắng 2020 đã bổ sung thêm nhiều số liệu mới liên quan đến việc triển khai quy hoạch báo chí, phát triển hạ tầng thông tin cơ sở, hạ tầng băng rộng di động và cập nhật các định hướng mới của Bộ TT-TT về chuyển đổi số, phát triển công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông, phát triển doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, ngành TT-TT đã và đang từng bước trở thành nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tham gia giải quyết các bài toán khó của quốc gia nói chung và của từng bộ, ngành, địa phương nói riêng; góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đất nước, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
"Những kết quả đạt được tạo tiền đề vững chắc cho việc hoàn thành các mục tiêu phát triển của Ngành đến năm 2020, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 cũng như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030", Bộ trưởng nêu rõ.
Năm 2019 với mục tiêu “Nâng cao thứ hạng Việt Nam”, các chỉ số tăng trưởng của các lĩnh vực thuộc ngành đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Về bưu chính, theo Bảng xếp hạng Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (2IPD) do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) công bố năm 2019, Việt Nam xếp hạng thứ 49/170 nước, là năm thứ 2 liên tiếp nằm trong top 50 nước, đứng thứ 4 trong ASEAN và thứ 10 trong khu vực châu Á.
Về viễn thông, theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019, Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp năng lực cạnh tranh của Việt Nam hạng 67/141 nền kinh tế, tăng 10 bậc so với năm 2018, trong đó, các chỉ số liên quan đến hạ tầng của trụ cột ứng dụng CNTT đều tăng mạnh.
Cụ thể, tỷ lệ người sử dụng Internet tăng 22 bậc (từ hạng 88/140 năm 2018 lên hạng 66/140 năm 2019), số thuê bao Internet cáp quang tăng 48 bậc (từ hạng 74/140 năm 2018 lên hạng 26/141 năm 2019), số thuê bao điện thoại di động tế bào tăng 36 bậc (từ hạng 50/140 năm 2018 lên hạng 14/141 năm 2019).
Ngoài ra, theo đánh giá của Liên hợp quốc về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Việt Nam tiếp tục được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử có chỉ số phát triển cao. Năm 2018 xếp hạng 88/193 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2016, xếp hạng thứ 6 ASEAN.
Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, chỉ số dịch vụ trực tuyến của chính phủ xếp hạng 57/129 nền kinh tế được đánh giá, tăng 15 bậc so với năm 2018 (xếp hạng 72/129).
Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019 cho thấy trụ cột ứng dụng CNTT tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất (tăng 25,7 điểm và 54 bậc, từ 43,3 điểm lên 69,0 điểm và theo đó thứ hạng tăng từ vị trí 95/129 lên vị trí 41/129)…