Cần ý thức công dân trong lúc chờ vắc xin chống COVID-19

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:46, 02/06/2021

Nếu mỗi người có ý thức phòng chống dịch, nghiêm túc thực hiện 5K, khai báo y tế trung thực, hợp tác chặt chẽ với cơ quan phòng chống dịch thì nhiều chuyện đáng tiếc đã không xảy ra như vừa rồi.

Đợt bùng phát dịch lần này nhanh, nguy hiểm gấp mấy lần trước cộng lại. Dù nó vẫn trong tầm kiểm soát, đã khoanh vùng, khống chế nhưng chưa dám nói trước điều gì. Cho đến nay, chưa đất nước nào dám nhận là an toàn tuyệt đối với COVID-19.

Mới vài tháng trước, một số nước tự tin vì thắng lợi bước đầu, đang từng bước mở cửa du lịch bỗng méo mặt do dịch quay lại và dữ dội hơn. Việt Nam được xem là một trong những quốc gia chống dịch hiệu quả trên thế giới, cũng đang đối mặt với đợt bùng dịch lần thứ 4 rất ác liệt. Nhiều tình huống giả định và phương án đối phó dự phòng cho mọi tình huống đã được chuẩn bị.

Các chuyên gia dịch tễ kết luận “chỉ có vắc xin là thành trì tốt nhất để phòng chống dịch hiệu quả”. Nhà nước và người dân cũng biết vậy. Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo chiến lược vắc xin, kêu gọi mọi người chung tay góp sức, thần tốc, chống dịch như chống giặc. Các doanh nghiệp đã đề nghị nhà nước có cơ chế cụ thể, đơn giản, để hiện thực hóa việc tham gia chiến lược vắc xin của chính phủ.

Các biến thể mới của COVID-19 ngày càng nguy hiểm. Không thể chỉ chống dịch bằng các biện pháp thủ công như những ngày đầu. Dù rằng, trong điều kiện thực tế Việt Nam, đó vẫn là những biện pháp cần thiết và bắt buộc vì không còn sự lựa chọn nào khác, trong lúc chờ vắc xin và tiêm chủng đại trà.

Nếu mỗi người dân có ý thức phòng chống dịch, nghiêm túc thực hiện 5K, khai báo y tế trung thực, hợp tác chặt chẽ với cơ quan phòng chống dịch thì nhiều chuyện đáng tiếc đã không xảy ra, như vụ lây nhiễm liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Đây đó vẫn còn những hiện tượng bất hợp tác, vô tư tiếp sức cho vi rút tự do lây lan. Rồi khai báo gian dối, phớt lờ các quy định tụ tập đông người, chống trả, hành hung nhân viên phòng chống dịch.

Trước khi TP.HCM giãn cách xã hội từ lúc 0 giờ ngày 31.5,  thì chiều 30.5, các siêu thị và cửa hàng tạp hóa nhộn nhịp hơn cả dịp Tết. Người ta ùn ùn mua hàng trữ, nhiều nhất là mì gói, cứ như nó là thực phẩm chức năng tăng sức đề kháng. Có người chở cả chục thùng, về nhà mà ngỡ đi cứu trợ. Giãn cách xã hội, chứ có phải phong tỏa đâu. Đợt đầu còn nói là chưa hiểu. Đến đợt 4 mà một số người vẫn hoang mang, tích trữ lương thực, không biết để làm gì.

Ngoài ảnh hưởng tâm lý dây chuyền, việc tụ tập đông người ở các tiệm tạp hóa còn cản trở giao thông. Nguy hiểm hơn, đó là nguồn lây phát bệnh tiềm ẩn. Đây là nguyên nhân làm dịch bùng phát dữ dội thời gian đầu ở Trung Quốc. Từ việc đổ xô mua sắm, tích trữ đến việc nháo nhào rời vùng cách ly.

Nhà nào ở yên nhà đó. Chỉ ra ngoài khi thật cần thiết. Thực hiện triệt để 5K và các quy định, hướng dẫn của ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh. Chuẩn bị tinh thần sẵn sàng tiêm vắc xin khi có điều kiện. Đó là những hành động thể hiện ý thức công dân cụ thể, thiết thực góp phần tham gia chống dịch hiệu quả.

Ý thức công dân cũng là loại vắc xin không thể thiếu trong cuộc chiến phòng dịch. Việt Nam chưa thể sánh với các cường quốc y tế trong việc sản xuất vắc xin phòng dịch nhưng có thể đi đầu trong việc kêu ý gọi thức công dân của mỗi người.

Nguyễn Văn Mỹ