Nếu xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, ai sẽ thắng?
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:51, 30/05/2021
Đô đốc James Stavridis là Tư lệnh Đồng minh Tối cao thứ 16 của NATO và là Hiệu trưởng thứ 12 của Trường Luật và Ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts (Mỹ). Ông James Stavridis đã dành phần lớn sự nghiệp hoạt động của mình ở Thái Bình Dương và là tác giả cuốn sách 2034: A Novel of the Next World War (2034: Tiểu thuyết về thế chiến tiếp theo).
Rất nhiều người đã viết về khả năng xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc này có xu hướng được đo lường bằng các thuật ngữ lý thuyết và phần lớn các phân tích tập trung vào chính xác thời điểm có thể xảy ra. Nhưng câu hỏi quan trọng là ai sẽ thắng?
Tất nhiên không ai thực sự "chiến thắng" trong cuộc chiến lớn. Cách tốt nhất để tránh phải xảy ra chiến tranh là thuyết phục đối thủ tiềm năng rằng họ gần như chắc chắn sẽ là kẻ thua cuộc lớn nhất. Cán cân quân sự giữa Trung Quốc với Mỹ rất phức tạp và đòi hỏi phải suy nghĩ về ngân sách, số lượng tàu chiến và máy bay, địa lý, hệ thống liên minh và công nghệ, đặc biệt là khả năng dưới biển, an ninh mạng và không gian.
Hãy bắt đầu với đô la và nhân dân tệ. Ngân sách quốc phòng của Mỹ khá minh bạch, ít nhất là về tổng số đô la. Chi tiêu quốc phòng khoảng 714 tỉ USD trong năm tài chính 2020 và có khả năng tăng lên 733 tỉ USD vào năm 2021. Có một chút không rõ ràng nhưng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc chắc chắn nhỏ hơn Mỹ, với ngân sách khoảng ở mức 1.360 tỉ nhân dân tệ (212,6 tỉ USD), tương đương tăng 6,8% so với năm trước.
Thế nhưng, Trung Quốc không có chi phí nhân sự cao cho lực lượng tất cả tình nguyện viên và các hoạt động quân sự của họ chủ yếu tập trung vào Đông Á, chứ không phải là toàn cầu đắt đỏ như quân đội Mỹ. Mức chi tiêu đáng kể của Trung Quốc không xuất hiện công khai trên sổ sách. Nhìn chung, về nguồn lực, Mỹ có lợi thế hơn, nhưng không quá áp đảo như vẻ bề ngoài.
Xét về số lượng tàu chiến đơn giản, Trung Quốc nhiều hơn Mỹ. Các nhà máy đóng tàu Trung Quốc đang tung ra các tàu chiến mới hàng tuần, đặc biệt là các tàu tuần tra mang theo tên lửa, tàu hộ tống và tàu khu trục nhỏ có công nghệ tương đối thấp. Tuy nhiên, các tàu Mỹ vẫn nặng hơn Trung Quốc hàng tấn, được trang bị hệ thống tấn công và phòng thủ tốt hơn, đồng thời được điều khiển bởi các thủy thủ đoàn có kinh nghiệm hơn nhiều.
Ngoài ra, Mỹ có một mạng lưới khả năng chỉ huy và kiểm soát rất tinh vi để kết hợp các nền tảng hàng không tầm xa của họ với các tàu chiến mặt nước, tất nhiên là cả tàu ngầm. Khi tính toán về địa lý chật hẹp của Đông Á, tôi sẽ nói Trung Quốc có lợi thế hơn về số lượng nền tảng thuần túy cả đường biển và đường hàng không, trong khi Mỹ có chất lượng tài sản cao hơn.
Về mặt địa lý, Trung Quốc có lợi thế lớn trongcuộc xung đột tiềm tàng với Mỹ ở Biển Đông và Hoa Đông. Đáng chú ý, Trung Quốc có thể hỗ trợ các tàu chiến của mình về mặt hậu cần về nhiên liệu và đạn dược, cung cấp các cơ sở sửa chữa chiến đấu gần đó, di chuyển các thủy thủ lên và xuống tàu một cách dễ dàng. Với Mỹ, chuỗi cung ứng và nhân lực kéo dài sẽ đe dọa các lực lượng của họ, thậm chí cần đến sự hiện diện binh sĩ từ các căn cứ Mỹ gần đó.
Ngoài ra, chuỗi các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trên khắp Biển Đông sẽ phần nào tạo thế cân bằng với các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Guam. Hải quân Mỹ không coi khoảng 10 "đảo" của Trung Quốc là đảo nhân tạo - thay vào đó chúng được xem là tàu sân bay không thể chìm.
Thật vậy, tư duy chiến đấu chiến thuật và chiến lược của Mỹ đang nghiên cứu cách vô hiệu hóa các cơ sở đó, với một ý tưởng là triển khai lực lượng đặc biệt của Thủy quân lục chiến Mỹ - Marine Raiders - để phá hủy khả năng tấn công của Trung Quốc sớm trong một cuộc giao tranh. Dù Mỹ sẽ cố gắng bù đắp cho cái đuôi hậu cần lâu dài của mình bằng cách lôi kéo các đồng minh, nhưng địa lý rõ ràng là yếu tố có lợi cho Trung Quốc.
Từ lâu, Mỹ đã cảm thấy rằng lợi thế so sánh lớn nhất của mình so với Trung Quốc là mạng lưới các đồng minh, đối tác và bạn bè trên khắp thế giới. Ở châu Á, điều đó có nghĩa là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhật Bản (nền kinh tế lớn thứ ba thế giới), Úc (lực lượng hải quân rất có năng lực), Hàn Quốc, Singapore và nhiều nước khác.
Mỹ cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ với Ấn Độ bằng việc gắn kết nước này cùng họ, Nhật Bản và Úc thông qua Quad. Tuy nhiên, Mỹ có thể tin tưởng bao nhiêu vào các đối tác như vậy khi đối mặt với cuộc tấn công của Trung Quốc là câu hỏi không dễ trả lời.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang ngày càng lấn lướt Mỹ và củng cố hệ thống quan hệ đối tác của mình. Sáng kiến Vành đai và Con đường được thiết kế để thực hiện chính xác điều đó và Trung Quốc đang xâm nhập vào cả châu Á cùng bờ biển phía đông của châu Phi. Quan trọng nhất, Trung Quốc đang củng cố mối quan hệ với Nga - hai quốc gia thường xuyên tập trận quân sự cùng nhau, Iran (mà Trung Quốc vừa công bố khoản đầu tư 400 tỉ đô la), Pakistan và Philippines. Tổng thống Philippines - Rodrigo Duterte dường như ủng hộ Trung Quốc trong nhiều vấn đề hơn Mỹ - về danh nghĩa là một đồng minh với hiệp ước chính thức.
Nhìn chung, các đồng minh của Mỹ lớn hơn, giàu hơn và có quân đội mạnh hơn nên đây một lợi thế cho Mỹ, nhưng khoảng cách đang thu hẹp.
Cuối cùng, và quan trọng nhất, chiến thắng trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi ai có công nghệ tốt nhất. Trong các lĩnh vực quan trọng về khả năng chống ồn của tàu ngầm dưới đáy biển, số lượng vệ tinh quân sự trong không gian, các công cụ tấn công và phòng thủ mạng cũng như các phương tiện không người lái, Mỹ vẫn dẫn đầu. Song, Trung Quốc đang theo sau nhanh chóng, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tên lửa hành trình siêu thanh, không gian mạng và lĩnh vực điện toán lượng tử mới nổi. Ủy ban Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo được công bố gần đây đang nói về vấn đề này. Một lần nữa, lợi thế nhẹ nhưng sát sao nghiêng về Mỹ.
Điểm mấu chốt: Nếu là đô đốc chỉ huy Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (người lãnh đạo tất cả các lực lượng quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương) thì tôi vẫn muốn thấy ván bài Mỹ chơi. Nhưng như Công tước Wellington đã nói về Trận Waterloo, một cuộc chiến với Trung Quốc sẽ là "điều gần như sắp xảy ra". Trong thập kỷ tới, khoảng cách giữa hai nước sẽ thu hẹp lại và nếu Mỹ không phản ứng thì sẽ có lợi cho Trung Quốc.
Đó là lý do tại sao tôi đặt cuốn tiểu thuyết gần đây của mình, 2034: A Novel of Next World War, từ 10 đến 15 năm trong tương lai. Những hồi chuông cảnh báo đó đang vang lên tại trụ sở Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ ở Trân Châu Cảng (hải cảng trên đảo O'ahu, thuộc Quần đảo Hawaii, phía tây thành phố Honolulu) và hãy chú ý đến sự tập trung chiến lược, nguồn lực và công nghệ tiên tiến của Mỹ để tiến về phía tây trong thập kỷ tới.