Nhật ký lữ hành Argentina – P.18: Perito Moreno - Kỳ quan của thế giới băng
Du lịch - Ngày đăng : 16:10, 29/05/2021
Những dòng sông băng đựơc hình thành trong một thời gian rất dài, qua nhiều thế kỷ, khi lượng tuyết tích tụ vượt quá tốc độ tan chảy. Nhúng lớp băng di chuyển chậm, áp suất đựơc tạo ra bởi trọng lượng của chúng đã tạo thành sông băng. Như đã biết, có rất nhiều hình thái của sông băng: đỉnh băng, chỏm băng, sông băng treo, sông băng thung lũng, cánh đồng băng...
Trong những sông băng ở Patagonia, nổi tiếng nhất là Perito Moreno. Các nhà khoa học ước tính độ tuổi của sông băng này vào khoảng 18.000 năm. Sông băng được sĩ quan người Chi lê Juan Rogers tìm ra vào năm 1879. Tới năm 1899, sông băng này được đặt tên là Perito Moreno để tưởng nhớ nhà nghiên cứu môi trừơng, nhà thám hiểm nổi tiếng người Ảgentina, dù ông chưa từng đặt chân tới đây.
Đó là một khối băng khổng lồ với diện tích 250km2, dài hơn 30km, chiều cao trung bình là 74m. Nếu tính cả lớp chân của khối băng chìm bên dưới làn nước hồ Argentino, thì chiều cao của khối băng là 170m, điều này đã khiến sông băng này thành nơi trữ nước lớn thứ ba trên thế giới. Bức tường thành cao ngất của sông băng tạo thành một con đập, ngăn nhánh phía nam hồ Argentino thành một vùng vịnh, có tên Brazo Rico. Ngược lại với xu hướng băng tan đang diễn ra ở khắp nơi, Perito Moreno là một trong ba sông băng duy nhất ở Patagonia vẫn đang tiếp tục phát triển. Bức tường băng này ngày một tiến lại gần phần bờ đối diện và ép mực nước của Brazo Rico dâng cao, cao hơn mực nước của Hồ Argentino nhiều lần.
Sông băng Perito Moreno được coi là một trong những kỳ quan thiên nhiên vĩ đại, không chỉ của Patagonia mà của cả thế giới. Tôi đã không thể nào hình dung nổi một sông băng rộng lớn và hùng vĩ đến thế. Khi tàu còn ở khá xa thì dòng sông băng ấy đã lập tức thu hút mọi du khách trên tàu nhờ màu xanh đặc biệt của nó. Do hiệu ứng của ánh sáng, mà khối băng nhìn từ xa giống như một khối thuỷ tinh xanh biếc.
Khi tàu tới gần, đi ngang bức tường băng cao ngất ấy, mới có thể thấy dòng sông băng kỳ vĩ đến thế nào. Bức tường băng khổng lồ dựng đứng bên rìa thung lũng băng đặc sắc, bao quanh bởi nhiều khu rừng dẻ gai rộng lớn trên sườn núi. Đã vào gần cuối thu, những cánh rừng dẻ gai phủ đã chuyển sang màu tím đỏ. Cùng với màu xanh lam sâu thẳm của bầu trời cực nam, màu xám xanh, nâu của đá, màu đỏ tía của rừng đã tạo ra sự tương phản không thể tuyệt mỹ hơn với màu trắng của dòng sông băng.
Có khá nhiều cách để khám phá dòng sông băng đã thành huyền thoại này. Ngoài việc đi tàu trên lòng hồ chiêm ngưỡng thế giới băng giá ở cự ly gần, còn có thể trekking, hiking, climbing, zip-lining... Perito Moreno là nơi duy nhất tại Cánh đồng băng Patagonia có thể đi trên đó (Ice trekking). Cái đầu gối lọc cọc của tôi cần được dưỡng sức cho hành trình trèo đèo lội suối còn dài cả tuần nữa, nên tôi đã chọn đi bộ trên cây cầu gỗ dài 5km xuyên qua rừng dẻ gai lá đỏ, bên bờ đối diện “ lưỡi băng” để chiêm ngưỡng kỳ quan này từ xa.
Perito Moreno quả không hổ danh là Di sản Unesco (từ 1981). Ngừơi Argentina rất biết làm du lịch - một thứ du lịch môi trường đích thực, giúp con người có thể hòa mình vào thiên nhiên mà không phá vỡ cảnh quan. Không resort, không hàng quán, không nhạc nhẽo ầm ĩ. Không có đấu ấn những công trình xanh đỏ của con ngưởi. Chỉ một cây cầu gỗ uốn lượn, khi lên cao lúc xuống thấp, là con đường duy nhất và những điểm rẽ Look-out giúp du khách có đựơc vô số tầm nhìn tuyệt mỹ về dòng sông băng phía đối diện.
Những bước chân nhẹ bỗng, lướt theo lá dẻ gai, cành khô đôi khi xà cả vào vai, vươn ra mặt nước. Giữa không gian tĩnh lặng của thế giới ấy, cái giá lạnh của mùa tan biến đi vì sự phấn khích. Những lo toan thường ngày, vòng xoay cuộc đời từng quen, đã bay biến, mất hút trong những ngọn lửa xanh lấp lánh trong bức tường băng cao ngất. Chỉ còn lại Xanh và Trắng. Bầu trời, sông băng và tôi.
Mọi thứ tan biến hết, ngay trong khoảnh khắc một khối băng khổng lồ rời lưỡi băng, đổ sụp xuống nước, rồi trồi lên một cách không thể ngoạn mục hơn. Tiếng nổ vang lên như tiếng gầm của mãnh thú giữa sa mạc băng giá. Và tôi biết, mình lại quá may mắn khi ở nơi đây đúng vào thời khắc đầy ấn tượng, mà ai cũng mong, nhưng không dễ được chứng kiến khi thăm Perito Moreno.
Như một bông hoa trắng trồi lên từ mặt nước, trong làn khói băng, tung lên những hạt nước biếc xanh nhảy múa, lấp lánh dưới ánh mặt trời - Có sự hồi sinh nào từ tan vỡ lại kiêu hãnh đến thế, hoành tráng và lộng lẫy đến thế không? Vẫn biết rằng băng trôi trong nước rồi vào một ngày nào đó cũng sẽ tan, nhưng băng vẫn trồi lên, vẫn trôi. Và luôn lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Những chuyến đi luôn cho tôi thật nhiều. Không chỉ là trải nghiệm ấn tựơng, những chiêm nghiệm ngấm lâu, mà còn hơn thế rất nhiều. Đó chính là những điều không thể viết ra, chìm sâu sau những hàng chữ. Như phần chìm của tảng băng rơi kia. Như phần chìm của dòng sông băng Perito Moreno hôm nay.
Để rồi ngày mai, tôi lại tươi mới như tờ giấy trắng, tiếp tục hành trình kỳ thú ở Xứ sở thần tiên Patagonia. Tiếp tục đi. Tiếp tục chụp, vẽ, viết. Và thấy mình đang sống.