Ngày hội STEM Việt Nam: Kỹ thuật và toán học cho tất cả mọi người

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:55, 18/05/2021

STEM không chỉ dành cho khu vực thành phố, đô thị hay những nhóm hiểu về công nghệ cao, mà cho tất cả mọi người.

Ngày 18.5, Trung ương Đoàn, Bộ KH-CN, Liên minh STEM, báo Khoa học và phát triển phối hợp tổ chức Ngày hội khoa học, công nghệ (KH-CN), kỹ thuật và toán học (STEM) Việt Nam. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày KH-CN Việt Nam (18.5) của Bộ KH-CN kể từ năm 2015 đến nay. Sự kiện được Bộ KH-CN bảo trợ.

Do tình hình dịch bệnh COVID-19, sự kiện được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, gồm 2 hoạt động chính là Hội thảo “Kiến tạo tương lai cùng STEM” nhằm đánh giá thực trạng; đề xuất các giải pháp phát triển giáo dục STEM ở Việt Nam.

mon-sinh-hoc-theo-tiep-can-giao-duc-stem-tai-truong-phan-chu-trinh.png
Môn Sinh học theo hướng tiếp cận giáo dục STEM

Theo TS Phạm Tuyết Nhung (Trung tâm Vệ tinh quốc gia,  Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam), khi được tham dự Science Festival năm 2013 ở Pháp, thấy cách thức tổ chức của họ dựa vào nền tảng khoa học vững mạnh và kinh nghiệm trong nhiều năm qua. TS Nhung cho rằng Việt Nam có thể lựa chọn một số hoạt động giống như Pháp nhưng có quy mô phù hợp với khả năng của Việt Nam, như tổ chức triển lãm, tham quan phòng thí nghiệm, đố vui cho thiếu nhi…

Năm 2015, Ngày hội STEM lần thứ nhất được tổ chức tại Việt Nam, năm 2016 đã lan tỏa ra các tỉnh thành, năm 2017 đánh dấu sự khác biệt, chuyển mình của Ngày hội STEM khi các em học sinh, sinh viên không chỉ đóng vai trò thụ hưởng một cách thụ động mà còn tích cực tham gia vào vai trò tổ chức.

Năm 2018, học sinh trường làng đã “chạm” vào STEM, đến năm 2019, Bộ KH-CN nhận định: “Một hệ sinh thái ngày càng hoàn chỉnh khi giáo dục STEM đã lan tỏa khắp vùng miền, được tổ chức ngay tại các trường phổ thông và các cấp giáo dục như phòng giáo dục, sở giáo dục”.

hs-mau-giao-lam-o-to-noi-tren-nuoc.png
Học sinh mẫu giáo và trò cho ô tô nổi trên nước

Tại Hội thảo “Kiến tạo tương lai cùng STEM” trong khuôn khổ Ngày hội STEM Việt Nam năm 2021, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết STEM không thuần túy là học kiến thức về KH-CN, kỹ thuật mà còn là cách giảng dạy dựa trên dự án, thực tiễn, khơi dậy sức sáng tạo của các học sinh. Trên cơ sở đó, kết hợp kiến thức khoa học, toán học và kỹ thuật để hình thành các sản phẩm, giúp học sinh trang bị hành trang trong cuộc sống tương lai.

STEM trải dài từ những hoạt động như internet vạn vật, robotics, trí tuệ nhân tạo cho đến những dự án đơn giản hơn, bằng công nghệ gần gũi cuộc sống hơn như xử lý rác thải môi trường... “STEM không chỉ dành cho khu vực thành phố, đô thị hay những nhóm hiểu về công nghệ cao, mà cho tất cả mọi người”, Thứ trưởng Duy nhấn mạnh.

PGS-TS Nguyễn Văn Biên (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) cũng nói rõ quan niệm tiếp cận cơ bản STEM là vận dụng kiến thức, kỹ năng của các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học để giải quyết vấn đề của đời sống, như kiến thức lực đàn hồi có thể liên hệ tới lò xo, lực ma sát liên hệ tới cầu trượt...

Theo PGS Biên, một số quan niệm cho rằng STEM là phải chế tạo ra sản phẩm vật chất, hay kết hợp STEM với bài trên lớp một cách gượng ép, đôi khi tạo áp lực cho học sinh và phản tác dụng. Để khắc phục điều này, ông đưa ra giải pháp, các bài học STEM không vượt quá thời lượng học trên lớp cho phép, sử dụng nguyên liệu vật liệu phổ biến, hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

may-do-chat-luong-khong-khi-thuoc-du-an-airsense-cua-sv-bk-hn.png
Máy đo chất lượng không khí thuộc dự án AirSENSE của Trường đại học Bách khoa Hà Nội

Năm nay, Ban Tổ chức đã nhận được đăng ký trưng bày online của gần 100 tổ chức trên khắp cả nước, từ khối trường đại học đến trường mầm non, các doanh nghiệp, từ Hà Giang đến Cà Mau, từ đất liền đến hải đảo...

Đối với hội thảo online “Kiến tạo tương lai cùng STEM”, Ban Tổ chức đã lựa chọn 20 báo cáo từ các tổ chức, cá nhân trên cả nước với sự tham gia của các đơn vị đại diện cho những tổ chức giáo dục STEM khác nhau, như trường đại học, trường phổ thông, doanh nghiệp...

Các báo cáo xoay quanh các chủ đề, như Triển khai bài học STEM từ góc nhìn nghiên cứu giáo dục, Sáng kiến giúp học sinh hình thành ý tưởng sáng tạo cho các dự án STEM, Xây dựng bài học STEM theo hướng chuyển đổi số trong dạy học các môn khoa học, Mô hình STEAM Lab dành cho mầm non, Tư duy thiết kế và quy trình xây dựng cầu nối học sinh với giáo dục STEAM, Phát triển văn hóa đọc và tổ chức CLB STEM trong trường tiểu học, Đưa STEM vào các môn khoa học xã hội…

Thu Anh