‘Căn cứ nổi’ đem lại lợi thế cho Mỹ trước Trung Quốc
Chuyển động - Ngày đăng : 14:53, 16/05/2021
Hải quân Mỹ vừa tổ chức lễ biên chế đầu tháng qua, điểm đến đầu tiên của tàu là đảo Saipan phía tây Thái Bình Dương.
USS Miguel Keith dài 239 mét, tầm hoạt động hơn 9.500 hải lý với vận tốc tối đa 15 hải lý/giờ. Sàn đáp gần 5.000 mét vuông đủ sức chứa trực thăng MH-53 lớn nhất hải quân Mỹ cùng tiêm kích F-35B.
Thuộc loại tàu nửa chìm nửa nổi, USS Miguel Keith củng cố năng lực thực hiện nhiệm vụ hậu cần quy mô lớn (chẳng hạn như vận chuyển trang thiết bị từ biển vào bờ) hoặc phục vụ hoạt động tác chiến, chống cướp biển, hỗ trợ nhân đạo, cũng như đóng vai trò “căn cứ nổi” trong tình huống không có cơ sở trên đất liền.
Chuyên gia an ninh Timothy Heath thuộc tổ chức nghiên cứu RAND Corporation đánh giá: “Con tàu mới cho phép Mỹ lập ngay căn cứ trên biển, chẳng cần hạ tầng trên đất liền. Như vậy các lực lượng có thể đóng quân ở đâu đó ngoài khơi mà chẳng ai đoán trước được. Ngoài ra, căn cứ trên biển khó bị phát hiện, khó bị tấn công hơn căn cứ đất liền”.
Nhà phân tích quân sự Tống Trung Bình (Hồng Kông) thì lại cho rằng USS Miguel Keith chủ yếu là tàu hỗ trợ vận chuyển máy bay kiêm thêm vai trò “cảng biển”.
USS Miguel Keith - tàu viễn chinh đổ bộ thứ 3 của hải quân Mỹ - đi vào hoạt động trong bối cảnh Mỹ cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, kể cả quân sự.
Tại lễ biên chế, Đô đốc Craig Faller thuộc Bộ Tư lệnh miền nam (SOUTHCOM) cho biết USS Miguel Keith có thể sẽ di chuyển đến nhiều khu vực trên thế giới chẳng hạn như biển Caribbean, eo biển Hormuz hay Biển Đông. Tàu sẽ ở tuyến đầu trong trong công cuộc đối đầu với những mối đe dọa đặc biệt là Trung Quốc.
“Để tiếp tục chiến thắng cuộc cạnh tranh toàn cầu, chúng ta phải đứng đầu. Chúng ta cần phát triển công nghệ tốt nhất và tàu tốt nhất”, Đô đốc Faller phát biểu.
Nhà nghiên cứu Collin Koh thuộc Học viện Quan hệ quốc tế S.Rajaratnam, Singapore phân tích giá trị của USS Miguel Keith nằm ở chỗ tàu có thể trở thành điểm tập kết tàu chiến lẫn máy bay các loại, và Trung Quốc chắc chắn xem đây là mối nguy đe dọa trực tiếp đến tham vọng thống trị Biển Đông của nước này.
Trung Quốc hiện vẫn chưa có tàu đổ bộ viễn chinh, tuy nhiên, tạp chí Công nghiệp vũ khí Trung Quốc từng tiết lộ rằng, nước này muốn đóng một tàu như vậy.