Thế giới vượt 3,3 triệu ca tử vong vì COVID; Ấn Độ nhiều dự báo đen tối
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:50, 10/05/2021
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 10.5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 158.942.396 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.305.941 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 631.786 và 9.615 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 136.429.438 người, 18.306.236 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 111.023 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (366.499 ca), Brazil (34.162 ca) và Mỹ (20.702); Ấn Độ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 3.748 ca), tiếp theo là Brazil (856 ca) và Colombia (495 ca)
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 33.475.283 triệu người, trong đó có 595.811 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 22.662.410 ca nhiễm, bao gồm 246.146 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 15.184.790 ca bệnh và 422.340 ca tử vong.
Ấn Độ: Có thể 1 triệu ca tử vong vào tháng 8
Tình hình tại "tâm dịch" Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện khi tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong ở mức cao, lần lượt là 366.499 và 3.748 ca trong vòng 24 giờ qua.
Với tình trạng thiếu oxy trầm trọng và giường bệnh ở nhiều bệnh viện, trong khi nhà xác và lò hỏa táng tràn ngập thi thể bệnh nhân COVID-19, các chuyên gia cho rằng con số thực tế về số ca nhiễm mới và những trường hợp không qua khỏi có thể còn cao hơn nhiều.
Viện Đánh giá và đo lường sức khỏe của Ấn Độ ước tính số ca tử vong do COVID-19 tại nước này có thể lên tới 1 triệu người vào tháng 8. Con số báo cáo của Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này đến nay có tổng cộng 22.296.414 ca nhiễm và 242.362 ca tử vong do COVID-19.
Nghi vấn biến thể đột biến kép tại Ấn Độ "qua mặt" vaccine
Liên quan đến biến thể của SARS-CoV-2 tại Ấn Độ, bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng biến thể đột biến kép B.1.617 này dễ lây lan hơn và có nhiều ý kiến lo ngại biến thể này vượt qua "hàng phòng vệ" của vaccine ngừa COVID-19, qua đó khiến dịch bệnh bùng phát mạnh tại Ấn Độ. Bà Swaminathan cảnh báo tình trạng số ca nhiễm tăng mạnh tại Ấn Độ sẽ làm tăng đáng kể khả năng xuất hiện các biến thể mới và nguy hiểm hơn. Theo nhà khoa học người Ấn Độ này, virus càng sinh sôi và lây lan thì càng có nhiều khả năng đột biến sẽ phát triển và thích nghi. Những biến thể tích tụ nhiều đột biến có thể sẽ kháng các loại vaccine mà chúng ta có hiện nay. Bà cho rằng đây sẽ là một thách thức đối với cả thế giới.
Trước tình hình nguy cấp này, Tổng cục Quản lý Dược phẩm Ấn Độ (DCGI) đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp thuốc 2-deoxy-D-glucose (2-DG) để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo sẽ tuyển dụng lại khoảng 400 bác sĩ quân y đã nghỉ hưu để tăng cường lực lượng nhân viên y tế hiện nay tại các bệnh viện vốn đã quá tải. Theo kế hoạch, lượng bác sĩ này sẽ được ký hợp đồng làm việc với thời gian tối đa là 11 tháng.
Hiệp hội Y tế Ấn Độ (IMA) đã kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Narenda Modi ban bố một lệnh phong tỏa "hoàn toàn, có chuẩn bị tốt và được thông báo trước" trên cả nước, thay cho các lệnh giới nghiêm ban đêm và một số biện pháp hạn chế mà các địa phương đang triển khai thực hiện ở thời điểm hiện tại. Cùng ngày, chính quyền thủ đô New Delhi và bang Uttar Pradesh đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa và lệnh giới nghiêm cho đến ngày 17.5.
Anh: 2 ca tử vong mới - mức thấp nhất từ tháng 9.2020
Bộ Y tế Anh thông báo, ngày 9.5, nước này chỉ ghi nhận 2 ca tử vong do COVID-19, mức thấp nhất kể từ ngày 6.9.2020 và 1.770 ca nhiễm mới. Như vậy tổng số ca tử vong tại Anh kể từ đầu đại dịch là 127.605 người.
Số liệu của chính phủ cũng cho thấy, đến ngày 9.5, hơn 17.669.379 người Anh đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi trên 35,3 triệu người được tiêm ít nhất một mũi.
Chính phủ Anh cam kết đến cuối tháng 7 sẽ tiêm chủng cho toàn bộ người trưởng thành ít nhất một mũi, và tại xứ England, bất cứ ai trên 40 tuổi hiện tại đều được tiêm.
Đức gặp khó trong đàm phán mua vắc xin Sputnik V
Bộ Kinh tế liên bang Đức cho biết, Nga sẽ chưa thể cung cấp vắc xin
ngừa COVID-19 Sputnik V cho Đức trước tháng 8 tới do việc đình trệ trong sản xuất cũng như thỏa thuận về việc cung cấp vắc xin cho Ấn Độ, khiến các cuộc đàm phán về việc chuyển giao vắc xin của Nga cho Đức gặp bế tắc.
Báo Bild của Đức ngày 9.5 dẫn các nguồn thạo tin cho hay, các cuộc đàm phán giữa lực lượng đặc trách sản xuất vắc xin của Đức với phía Nga về khả năng mua vắc xin Sputnik V ngày càng gặp khó khăn. Nếu có, Nga chỉ có thể cung cấp rất muộn vắc xin cho Đức trong khi những yêu cầu để vắc xin này được Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt là "rất nhiều" và dường như cao hơn dự kiến của Mosvka.
Về tình hình dịch bệnh ở Đức, theo thông báo của các cơ quan y tế Đức tối 9.5, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 11.200 ca nhiễm mới, ít hơn khoảng 2.600 ca so với Chủ Nhật trước (tương đương mức giảm gần 19%), trong khi số ca tử vong trong ngày là 127 ca. Hiện số người còn đang mắc COVID-19 ở Đức là 273.478 trường hợp. Tính từ đầu dịch tới nay đã có 3,52 triệu ca nhiễm và 84.790 ca tử vong. Trong bối cảnh số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm những ngày qua, Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Peter Altmaier nhận định về khả năng sớm dỡ bỏ các hạn chế ở nhiều khu vực quận/huyện/thành phố trong vài ngày hoặc vài tuần tới, trong đó có việc cho phép các nhà hàng phục vụ khách ngoài trời.
Tại Đức, bắt đầu từ ngày 9.5, những người đã tiêm đủ (gần 8 triệu người) hoặc đã khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 được hưởng một số nới lỏng hạn chế sau khi luật Phòng chống lây nhiễm sửa đổi có hiệu lực. Theo đó, những người này không còn bị ràng buộc với lệnh giới nghiêm, những hạn chế về tiếp xúc xã hội và khi tới các tiệm làm tóc hay mua hàng theo lịch hẹn không cần phải làm xét nghiệm trước. Nếu từ nước ngoài trở về Đức, những người này cũng sẽ không cần phải cách ly, trừ phi đó là những nước/khu vực có nguy cơ cao do các biến thể virus. Tuy vậy, các đối tượng được hưởng những nới lỏng vẫn phải tuân thủ quy định về việc đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách.
Tây Ban Nha dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp từ tháng 10.2020
Tại châu Âu, Tây Ban Nha đã chính thức dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp được áp đặt từ tháng 10.2020 để phòng chống dịch COVID-19. Như vậy, lần đầu tiên sau nhiều tháng, những người dân nước này đã được phép tự do đi lại giữa các vùng.
Lệnh tình trạng khẩn cấp đã hết hiệu lực vào lúc 0h ngày 9.5. Mặc dù các lệnh cấm đi lại giữa các vùng và lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ, chính quyền các vùng vẫn có thể hạn chế giờ mở cửa và số lượng khách của các quán bar và nhà hàng. Các vùng cũng có thể đề nghị tòa án thông qua các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn như tái áp đặt lệnh giới nghiêm, hạn chế số người tụ tập trong nhà hoặc gia hạn lệnh cấm đi lại trong vùng.
Nhật Bản: Ngày thứ ba liên tiếp ca mắc mới vượt 6.000 ca/ngày
Tại Đông Bắc Á, ngày 9.5 là ngày thứ 3 liên tiếp, Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 trên 6.000 ca/ngày, trong đó số bệnh nhân trở nặng đã tăng lên 1.144 ca - mức cao chưa từng có. Hiện thủ đô Tokyo là địa phương ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất với 1.032 ca. Ngoài Tokyo, "điểm nóng" của dịch COVID-19 còn có Fukuoka, Hokkaido. Cả 2 địa phương này trong ngày 9.5 đều ghi nhận số ca nhiễm mới trên 500 ca.
Hàn Quốc: Ca nhiễm mới xuống dưới 600
Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày đã giảm dưới 600 ca vào ngày 9.5. Theo Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Hàn Quốc (KDCA), nước này đã ghi nhận 564 ca nhiễm mới trong ngày 9.5, trong đó có 522 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc hiện đã lên tới 127.309 ca.
Malaysia: Ca tử vong cao nhất từ đầu dịch; Cấm đi lại giữa các quận nội đô
Malaysia ngày 9.5 ghi nhận 26 ca tử vong do COVID-19. Theo Bộ Y tế Malaysia, đây là ngày có số bệnh nhân COVID-19 tử vong cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này hồi năm ngoái. Hiện tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Malaysia đã lên tới 1.683 ca.
Theo giới chức y tế Malaysia, số bệnh nhân không qua khỏi có độ tuổi từ 36 đến 90 và phần lớn số bệnh nhân này đều có bệnh lý nền.
Cũng trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 3.733 ca nhiễm, trong đó có 3.727 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 440.677 ca nhiễm.
Thay vì chỉ áp dụng thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) trong khu vực, từ ngày 10.5-6.6, lệnh cấm đi lại giữa các quận trong nội đô sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, Malaysia còn cấm nhiều hoạt động khác để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Số ca mắc mới COVID-19 mới ở Malaysia đang tăng mạnh. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah, nếu người dân tiếp tục không tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch, số ca mắc mới hằng ngày có thể tăng lên 7.000 ca cuối tháng 5 này.
Lào ghi nhận ca tử vong đầu tiên là người Việt Nam
Bộ Y tế Lào ngày 9.5 xác nhận nước này đã có ca tử vong đầu tiên do dịch COVID-19. Như vậy, sau hơn 1 năm kể từ dịch bùng phát, Lào là quốc gia cuối cùng trong ASEAN có người tử vong do COVID-19.
Theo Bộ Y tế Lào, ca tử vong đầu tiên do dịch COVID-19 tại nước này là một nữ công dân Việt Nam, sinh năm 1969. Bệnh nhân sang làm việc tại Lào từ năm 2020, nhập viện từ ngày 30.4 và có bệnh lý nền là viên gan B và tiểu đường. Sau hơn 1 tuần chữa trị, bệnh nhân đã tử vong vào lúc 1 giờ sáng ngày 9.5 dù trước đó đã nhận được sự hỗ trợ từ xa của các chuyên gia y tế Việt Nam.
Cũng tại buổi họp báo, Bộ Y tế Lào cũng thông báo, trong 24 giờ qua, nước này đã có thêm 69 ca nhiễm COVID-19 mới tại 4 tỉnh, thành, trong đó có 46 ca ở tỉnh Bokeo, nơi có Đặc khu Kinh tế Tam Giác Vàng và giáp giới với Trung Quốc, tiếp đó là thủ đô Viêng Chăn với 16 ca… Điều này cho thấy, mặc dù tình hình dịch của Lào có phần nào giảm nhiệt trong những ngày qua nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.
Campuchia: Ca mắc mới có chiều hướng giảm nhẹ
Ngày 9.5, Bộ Y tế Campuchia cho biết số ca mắc mới COVID-19 trong ngày đã giảm nhẹ so với những ngày trước đó với 520 ca được ghi nhận. Tính đến nay, Campuchia đã xác nhận tổng cộng 19.237 ca mắc COVID-19 trên cả nước, trong đó 7.641 người đã bình phục.
Trong khi đó, hưởng ứng lời kêu gọi của người đứng đầu Chính phủ Campuchia, Công ty kinh doanh nước sạch Phnom Penh (PPWSA) cùng ngày 9.5 thông báo miễn 3 tháng phí dịch vụ sử dụng nước cho công nhân và sinh viên thuê nhà trọ tại thủ đô và thành phố Ta Khmao từ tháng 3-5. Công ty cho biết khoảng 870 chủ hộ có phòng trọ cho thuê đăng ký trong “Khu vực Đỏ” của nội đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao được hưởng lợi từ quyết định này.
Thái Lan dự định tiêm vaccine Moderna cho hầu hết dân số
Tại Thái Lan, giới chức y tế thông báo thêm 2.101 ca mắc và 17 ca tử vong. Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 83.375 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 399 người đã tử vong.
Theo trang Straits Times, giới chức Thái Lan đề xuất tiêm vaccine phòng COVID-19 của Moderna cho hầu hết dân số nước này khi chiến dịch tiêm chủng được tăng cường.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh gia tăng nhiều chỉ trích từ dư luận đối với chiến dịch tiêm chủng miễn phí chậm chạp của chính phủ, hiện mới đạt 1,73 triệu mũi tiêm, tương đương không đầy 1% dân số.
Giới chức y tế Thái Lan vẫn chưa bắt đầu tiêm chủng hàng loạt trong bối cảnh quốc gia phụ thuộc vào du lịch này đang vật lộn chiến đấu với làn sóng lây nhiễm thứ ba. Chính phủ hy vọng 61 triệu liều vaccine AstraZeneca sẽ được sản xuất trong nước kể từ tháng 6. Nhưng số vaccine này và vaccine từ Moderna sẽ không được cung cấp miễn phí.