Các nước láng giềng run rẩy trước nguy cơ lửa COVID-19 từ Ấn Độ cháy lan

Quốc tế - Ngày đăng : 07:15, 29/04/2021

Biến thể COVID-19 mới khiến lò hỏa táng xuất hiện khắp Ấn Độ. Các nước Nam Á khác lo ngại thảm kịch COVID-19 từ Ấn Độ tái diễn trên nước mình khi nguồn lực y tế của họ chẳng khá hơn Ấn Độ.

Khi Ấn Độ tiếp tục vật lộn với làn sóng COVID-19 thứ hai không ngừng, một số quốc gia láng giềng ở Nam Á cũng đang chứng kiến ​​sự gia tăng về số ca nhiễm, khiến biên giới bị đóng cửa và cấm đi lại.

Tình cảnh tại Ấn Độ

Bộ Y tế Ấn Độ hiện đang báo cáo theo tốc độ cứ 3 ngày có thêm khoảng 1 triệu trường hợp nhiễm coronavirus mới, với số người chết hàng ngày liên tục gia tăng và vượt quá mốc 3.000 vào hôm 28.4. Con số thực tế được tin là cao hơn rất nhiều

Sự bùng phát COVID-19 đã đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này đến gần điểm vỡ trận. Không còn chỗ trống trong bệnh viện, bệnh nhân được để chết tại nhà, trong xe cứu thương và các phòng khám bên ngoài. Ngay cả những người được nằm giường vẫn gặp nguy hiểm vì bệnh viện đã hết ô xy và bệnh viện giờ yêu cầu người nhà tự mang bình ô xy cho bệnh nhân.

Tiến sĩ Hiral Shah, chủ tịch Hiệp hội Y tế bang Gujarat cho biết gần 150 người đang phải rời bệnh viện mỗi ngày vì ở lại cũng như không. Ông nói: “Các bệnh viện của chúng tôi quá tải với số bệnh nhân đông và chúng tôi đang thiếu oxy nên không thể tiếp nhận những người đến từ các khu vực xung quanh. Nguồn cung cấp (ô xy) không ổn định, các bệnh viện không biết điều gì sẽ xảy ra hôm nay hay ngày mai.

pakistan.jpg

Với những cảnh tuyệt vọng như ở Gujarat đang diễn ra trên khắp Ấn Độ, các nước láng giềng có lý do để lo lắng. Làn sóng thứ hai của Ấn Độ xuất hiện cùng với một biến thể địa phương mới được xác định vào cuối tháng 3. Kể từ đó, biến thể nguy hiểm này đã được phát hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới như Ý, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể mới tại Ấn Độ đã lây lan sang 17 quốc gia trên thế giới và cũng được cho là có khả năng lây lan chóng mặt.

Các nhà khoa học vẫn đang tiến hành giải trình tự bộ gen trên biến thể Ấn Độ và không có dữ liệu chính thức nào được công bố. Điều đó có nghĩa là vẫn chưa biết chính xác mức độ lây lan của biến thể hoặc những rủi ro nào khác nữa mà biến thể có thể gây ra.

Nhưng với tốc độ và mức độ nghiêm trọng mà làn sóng thứ hai đã tàn phá Ấn Độ, các quốc gia không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện lệnh cấm du lịch và đình chỉ các chuyến bay từ Ấn Độ.

Trong một bài phát biểu hôm 24.4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo rằng nếu biến thể Ấn Độ đến Iran, nước này "sẽ gặp vấn đề lớn."

Ấn Độ có chung biên giới trên bộ với Pakistan, Nepal, Myanmar, Bhutan và Bangladesh. Một số trong những biên giới này khó kiểm soát ngặt nghèo, các cư dân thường qua lại mỗi ngày.

Tình cảnh các láng giềng

Một số quốc gia láng giềng được liệt kê trên cũng đang phải vật lộn với sự gia tăng các ca nhiễm mới, cho dù họ đã đóng cửa biên giới và áp đặt các hạn chế.

Nepal, giáp với phía đông bắc của Ấn Độ, đã chứng kiến ​​số ca nhiễm bắt đầu giảm vào tháng 2, với ghi nhận dao động chỉ từ 50 đến 100 trường hợp mỗi ngày. Nhưng các ca nhiễm mới bùng phát vào giữa tháng 4 khi làn sóng dịch thứ hai của Ấn Độ tăng nhanh - và các ca nhiễm hàng ngày hiện lên đến hàng nghìn ca. Vụ bùng phát cho đến nay tập trung ở thủ đô Kathmandu và thành phố biên giới Nepalgunj ở tỉnh Lumbini.

nepal-covid.jpg

Nepal có cơ sở hạ tầng chăm sóc y tế hạn chế, đang lo ngại rằng họ không đủ trang bị để đối phó với một đợt bùng phát lớn như dịch đang tàn phá Ấn Độ. Bác sĩ Krishna Prasad Poudel, Giám đốc Bộ phận Kiểm soát Dịch bệnh và Dịch tễ của Nepal, cho biết sự gia tăng các ca bệnh một phần là do người Nepal trở về từ Ấn Độ. Một số biến thể, bao gồm cả những biến thể được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và Vương quốc Anh, đã được phát hiện ở bệnh nhân Nepal. Các yếu tố góp phần khác có thể là không gian công cộng đông đúc, cởi mở và các lễ hội mà người tham gia không duy trì các biện pháp phòng ngừa sức khỏe cộng đồng.

Trong một nỗ lực để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, chính phủ đã ban hành lệnh phong tỏa cục bộ ở một số thành phố có hiệu lực vào hôm nay 29.4, và sẽ kéo dài trong 15 ngày.

Nhưng các bệnh viện đang trong trạng thái căng thẳng. Bệnh viện Bheri, nằm ở thành phố điểm nóng Nepalgunj, đang chứng kiến ​​cảnh bệnh nhân lấp đầy giường bệnh trong khi nguồn cung cấp ô xy đang cạn kiệt.

Bác sĩ Sher Bahadur Pun thuộc Bệnh viện Bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Sukraraj ở Kathmandu cho biết: “Giờ đây, các giường bệnh đã kín chỗ, đây là sự khởi đầu của một làn sóng khác”.

bangladesh.jpg

Bangladesh, ở phía đông của Ấn Độ, cũng chứng kiến ​​các ca bệnh bắt đầu tăng vào tháng 3, đạt đỉnh vào đầu tháng 4, vượt xa tất cả các đợt trước đó. Tuy nhiên, các ca có vẻ đã giảm xuống nhờ nhà chức trách áp dụng lệnh phong tỏa chặt chẽ và đình chỉ đường hàng không.

Hôm 26.4, nước này đã phong tỏa biên giới với Ấn Độ trong hai tuần, mặc dù hoạt động thương mại sẽ tiếp tục.

Nguồn cung cấp ô xy cũng đang cạn kiệt ở Pakistan, quốc gia láng giềng phía tây Ấn Độ. Các ca nhiễm ở Pakistan bắt đầu tăng lên vào đầu tháng 3, tăng tốc vào cuối tháng 3 cùng đợt bùng phát của Ấn Độ.

Pakistan đã báo cáo 201 người chết vào 28.4 - số người chết do COVID-19 trong ngày cao nhất từ ​​trước đến nay tại Pakistan. Nước này vẫn phải đang điều trị cho hơn 88.000 người nhiễm bệnh.

Bộ Y tế Pakistan khẳng định vẫn chưa xác định được trường hợp nào của biến thể Ấn Độ. Tất cả các loại hình du lịch từ Ấn Độ đã bị cấm kể từ ngày 19.4.

pakistan-covid.jpg

Trong một bài phát biểu trên truyền hình vào tuần trước, người đứng đầu Trung tâm Chỉ huy và Kiểm soát Quốc gia COVID-19 của Pakistan cảnh báo rằng nước này đã sử dụng hết 90% nguồn cung cấp ô xy và đang phải đối mặt với tình trạng "khẩn cấp".

Đáp lại, chính phủ đã kêu gọi quân đội giúp thực thi các giao thức phòng tránh COVID-19 và áp đặt một số hạn chế mới gồm đóng cửa nhà hàng ngoài trời, phòng tập thể dục và trường học. Quốc gia cũng đang cấm tất cả hoạt động du lịch và đi lại giữa các tỉnh trong thời gian ngày lễ Eid vào tháng 5, một trong những lễ hội quan trọng nhất theo lịch Hồi giáo.

Tuy nhiên, Thủ tướng Imran Khan vẫn lưỡng lự với lệnh phong tỏa toàn diện. Ông nói rằng muốn tránh ra lệnh "ảnh hưởng sinh kế của những người nghèo nhất đất nước" trong một bài phát biểu trên truyền hình vào tuần trước. Tuy nhiên, ông cảnh báo, nếu mọi người không tuân theo các nguyên tắc an toàn trong phòng tránh COVID-19 thì ông có thể "không còn lựa chọn nào khác".

Anh Tú